09:03 21/07/2010

“Giá bản quyền truyền hình đã bị đẩy cao bất hợp lý!”

Mạnh Chung

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nói chưa khi nào giá bản quyền truyền hình lại bị đẩy cao như hiện nay

Ông Lưu Vũ Hải.
Ông Lưu Vũ Hải.
“Các doanh nghiệp chạy đua cạnh tranh mua bản quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế đã đẩy giá bản quyền cao lên mức bất hợp lý. Thiệt thòi lớn nhất lại đổ đầu người tiêu dùng. Điều này cần phải xem xét lại”.

Đó là quan điểm của ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong cuộc trao đổi với VnEconomy, xung quanh câu chuyện các doanh nghiệp truyền hình mua bản quyền và độc quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế đã đưa ra mức phí xem quá cao, khiến khán giả bức xúc trong những ngày qua.

Ông Hải cho rằng, chuyện cạnh tranh mua bản quyền truyền hình chưa khi nào lại nóng và giá bị đẩy cao như hiện nay.

Chưa khi nào bị đẩy cao như thế

Thưa ông, các doanh nghiệp truyền hình vì cạnh tranh nhau mua bản quyền các giải bóng đá quốc tế đã đẩy giá bản quyền lên quá cao rồi độc quyền phát, và giá bán sản phẩm lại bị đẩy về phía người dân. Liệu điều này có vi phạm các qui định cạnh tranh hay có vô lý gì không?

Hiện Cục đã nhận được văn bản của một số đài phát thanh truyền hình về vấn đề này, phản ánh nảy sinh thực tiễn rất mới, cũng giống như độc quyền của cụm Megastar phân phối sản phẩm điện ảnh.

Chúng tôi đang trao đổi với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để xem xét về mặt pháp lý vấn đề này được nhìn nhận như thế nào. Thực tế, đây là câu chuyện cạnh tranh của doanh nghiệp, họ có pháp nhân và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Chuyện mua bán như vậy thì Cục Quản lý cạnh tranh quản lý sẽ có ý kiến chính xác hơn. Vì đây là vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên phải được điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh.
    
Nhưng vì vấn đề này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và cũng thuộc trách nhiệm của Bộ, nên chúng tôi cũng đang tích cực trao đổi với Cục Quản lý cạnh tranh, để xem xét hướng xử lý cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn trong cung cấp dịch vụ truyền hình.

Nếu ở góc độ pháp lý cạnh tranh, họ không vi phạm thì sao?

Mệnh lệnh hành chính không phải lúc nào cũng áp dụng được, mình chỉ thực hiện trong quyền hạn cho phép thôi.

Nếu dưới góc độ pháp lý không xử lý được, tức là họ không vi phạm trong vấn đề cạnh tranh thì với trách nhiệm của mình, Cục sẽ mời đơn vị nắm giữ phần vốn Nhà nước đến trao đổi xem, nên có biện pháp giải quyết như thế nào cho hài hòa, để tránh những thiệt hại cho người dân, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Nhưng chuyện ở chỗ, trong việc mua bản quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế, có tới 4 đơn vị truyền hình tham gia là VTC, SCTV, VCTV, K+ đã đẩy kinh phí bản quyền lên cả chục triệu USD. Trong khi họ đều là những doanh nghiệp Nhà nước, thưa ông?

Trước hết cần phải phân biệt rõ, pháp nhân đứng ra mua bản quyền là các doanh nghiệp chứ không phải là các nhà đài. Nhà đài điều chỉnh theo Luật Báo chí. Còn doanh nghiệp điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp và các qui định có liên quan. Nên các đối tượng, chủ thể khác nhau. Vì thế phải nhìn xem họ hoạt động có đúng theo Luật Doanh nghiệp hay không, đúng Luật Cạnh tranh hay không.

Nhưng, đúng là có thực tế, truyền hình trả tiền từ trước đến nay không có chuyện giá cả bị đẩy lên như thế này. Giá bản quyền càng ngày càng bị đẩy lên đến mức bất hợp lý. Qua báo chí phản ánh, giá bản quyền lần này bị đẩy cao lên gấp 5 lần. Mình phải xem xét lại.

Trước đây chúng tôi cũng đã cảnh báo rồi, nếu các doanh nghiệp của Việt Nam không phối hợp, thỏa thuận với nhau thì rất dễ đẩy giá các sản phẩm truyền hình nhập ngoại lên cao.

Từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các qui chế về truyền hình trả tiền, thì rất nhiều ý kiến xoay quanh chuyện này. Đây là một minh chứng rất rõ ràng, không có sự phối hợp, không có sự bàn bạc, vì thế đã đẩy giá bản quyền lên cao, nhiều khi bất hợp lý.

Thực tiễn trên sẽ buộc các cơ quan quản lý Nhà nước phải nghĩ đến biện pháp cần thiết, chính sách để điều chỉnh cho phù hợp.

Tôi cũng không đồng tình

Độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh, đặc biệt là “độc quyền phát sóng ngày Chủ nhật”, nhưng K+ lại chỉ phát giải đấu ở gói cước có mức phí 250.000 đồng/tháng, đấy là chưa kể người dùng còn phải bỏ tiền mua thiết bị đầu thu của K+. Vậy theo ông, mức phí này có phù hợp với người dân hay không?

Từ trước tới nay, người dân quen được cung cấp dịch vụ miễn phí, chủ yếu là kênh phục vụ thông tin tuyên truyền, khoa giáo, có kết hợp giải trí. Từ khi có truyền hình trả tiền, và mới bắt đầu có việc thu phí để bù đắp cho doanh nghiệp, nhưng mức thu phí của doanh nghiệp là ở mức hợp lý, có thể chấp nhận được.

Nếu K+ đưa ra giá quá cao so với khả năng thu nhập của đa số của người dân, thì khả năng tiếp cận của người dân sẽ bị hạn chế, thiệt thòi.

Tuy nhiên, vấn đề cũng phải xem ở góc độ pháp lý, chứ không thể nào dùng biện pháp hành chính, mệnh lệnh được.

Nhưng ở góc độ cá nhân người xem truyền hình, ông cảm thấy thế nào về mức giá và sự cạnh tranh này?

Cá nhân tôi hoàn toàn phản đối việc cạnh tranh kiểu này. Tôi cũng có cảm giác, doanh nghiệp đang đặt lợi ích của mình lên cao hơn lợi ích của đông đảo người dân xem truyền hình.

Nếu các doanh nghiệp cứ cạnh tranh đẩy giá lên cao kiểu này, thì người dân sẽ là người chịu thiệt thòi nhất.

Còn nếu nhìn ở góc độ văn hóa, trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội thì sao?


Ở đây, các doanh nghiệp đều kinh doanh liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lĩnh vực khác không nói, lĩnh vực này thì càng không thể nào tránh được, trách nhiệm xã hội phải được đặt lên cao.

Các doanh nghiệp lớn trên thế giới, văn hóa doanh nghiệp bao giờ cũng rất quan trọng, tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Vì đó là doanh nghiệp đang tạo lòng tin, vị thế, thương hiệu cho chính mình.

Giải quyết theo hướng nào?

Theo ông, với vai trò nắm phần vốn chi phối của K+ (51%- PV), thì VTV cần phải có trách nhiệm như thế nào trong trường hợp này?

Thực ra anh cũng phải có giải pháp như thế nào để phù hợp với vai trò là đơn vị nắm phần vốn có quyền chi phối, chứ không thể nói là tôi có phần vốn, tôi mặc kệ. Mình phải thể hiện cái quyền của mình.

Tại sao người ta quy định trong trường hợp này Nhà nước phải là đơn vị nắm quyền chi phối, điều này không phải tự nhiên mà quy định vậy. Và vai trò của ông nắm quyền chi phối Nhà nước trong lúc này là như thế nào.

VTV tuy có vốn chi phối 51% trong K+, nhưng chủ yếu giữ vai trò điều hành về nội dung là chính chứ không can thiệp vào vấn đề cạnh tranh thị trường?

Không can thiệp hành chính, nhưng anh phải thể hiện vai trò mà anh nắm 51% là như thế nào, không thuần túy là chuyện về nội dung. Nội dung là chuyện đương nhiên, thể hiện phần vốn Nhà nước không chỉ như thế, cái đó Luật Doanh nghiệp quy định rõ rồi.

Nhưng còn định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý truyền hình trả tiền trong vấn đề cạnh tranh thì sao?

Trong qui chế truyền hình trả tiền mà Bộ đã trình Chính phủ cũng có những điều khoản qui định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chịu sự quản lý của Nhà nước về giá cước. Cụ thể thế nào thì phải có những văn bản hướng dẫn thêm.

Tuy nhiên, thực tiễn này sẽ là bài học để Bộ đúc kết lại đưa ra chính sách điều chỉnh trong thời gian tới.

Ở nhiều nước trên thế giới, người ta có những hiệp hội truyền hình trả tiền và điều chỉnh bằng hiệp hội. Ở Việt nam, Bộ cũng thấy sự cần thiết của hiệp hội như vậy. Hiện Bộ cũng đang thúc đẩy thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Trong trường hợp như thế này, hiệp hội sẽ là đơn vị đứng ra mời các bên ngồi lại với nhau, bàn bạc thì sẽ hiệu quả hơn.