Giá cả tháng 6 được dự báo tiếp tục ổn định
Đa số các mặt hàng trọng yếu trong rổ hàng hóa tính CPI đều ổn định về giá
Theo một báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 6, tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến khó lường và đã bắt đầu mùa du lịch nên có thể ảnh hưởng đến một số nhóm hàng như thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ còn dao động ở mức thấp, giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn ổn định, hoặc giảm nhẹ. VnEconomy xin điểm qua dự báo giá cả một số mặt hàng có “độ nhạy” cao với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Giá gạo còn ổn định
Với mặt hàng có tác động tích cực nhất đến chỉ số giá tiêu dùng trong vài tháng gần đây, lương thực, tình hình diễn biến trên thị trường thế giới đang có lợi cho việc duy trì một mặt bằng giá ổn định trong thời gian tới.
Tại thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn ở mức thấp khi các nước nhập khẩu đã nhập gần đủ số gạo theo nhu cầu cho năm 2010 và tiếp tục trả giá thấp cho các hợp đồng mới, thận trọng trong việc nhập khẩu khi USD chưa rõ khuynh hướng. Trong khi đó, tồn kho cao ở Việt Nam, Pakistan và sản lượng gạo của Ấn Độ đang rất khả quan…
Các yếu tố trên đã giữ giá chào bán xuất khẩu gạo tiếp tục ở mức thấp như cuối tháng trước: gạo 100%B Thái Lan giá 460 USD/tấn, FOB; gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 360 USD/tấn, FOB.
Ở trong nước, các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn cung tăng nên giá gạo giảm nhẹ tại một số địa phương, ở mức khoảng 8-9,5 nghìn đồng/kg gạo tẻ thường.
Trong khi các tỉnh phía Nam giảm tồn kho đã có tăng nhẹ, gạo tẻ thường lên mức 7,5-8,5 nghìn đồng/kg, nhưng đang được bù đắp bằng lượng lúa gạo nhập khẩu ồ ạt qua biên giới với Campuchia.
“Dự báo thời gian tới, do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức thấp, tiêu thụ gạo vẫn kém trong khi tại các tỉnh phía Bắc nguồn cung bắt đầu tăng từ vụ thu hoạch mới nên giá lúa gạo trong nước sẽ ổn định”, báo cáo nhận định.
Thịt lợn giảm giá do dịch bệnh
Trong nhóm thực phẩm, thịt lợn chiếm quyền số tương đối lớn và đang có xu hướng giảm giá nên nhiều khả năng chỉ số giá nhóm hàng này sẽ còn ổn định trong tháng tới.
Giá các loại thịt lợn hơi, tùy từng địa phương, giảm từ 1-3 nghìn đồng/kg và từ 5-10 nghìn đồng đối với thịt lợn mông sấn. Hiện giá thịt lợn hơi phổ biến ở mức 27-30 nghìn đồng/kg với miền Bắc và 29-33 nghìn đồng/kg với miền Nam; thịt lợn mông sấn tương tự là 50-55 nghìn đồng/kg và 50-60 nghìn đồng/kg.
Giá thịt lợn giảm có nguyên nhân chính do tình hình dịch tai xanh diến biến phức tạp khiến tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng đang chuyển sang các sản phẩm thịt thay thế như thịt bò, gà…Theo dự báo, trong tháng 6 giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm nhưng giá thực phẩm thịt thay thế sẽ vẫn đứng ở mức cao.
Trong khi đó, giá cả nhiều loại rau, củ, quả tại miền Bắc vẫn ổn định hoặc có xu hướng giảm nhẹ, nhưng tại miền Nam thì tăng mạnh về giá do thời tiết nắng nóng, khô hạn và nguồn cung không dồi dào. Tại Tây Ninh, nhóm hàng này tăng từ 1-3 nghìn đồng/kg, tại Tp.HCM, cải bẹ xanh tăng 3,8 nghìn đồng/kg, cà chua tăng 2,8 nghìn đồng/kg, khoai tây tăng 1,4 nghìn đồng/kg…
Giá sữa còn cao
Cũng theo báo cáo kể trên, giá sữa trong nước sẽ vẫn ở mức cao do tác động từ giá nguyên liệu này trên thị trường thế giới.
Cụ thể, tại thị trường châu Úc, giá sữa bột nguyên kem tháng 5 đã tăng 8,8% so với tháng trước và tăng 20% so với đầu năm và tăng 82% so với cùng kỳ năm trước; sữa bột gầy tăng tương ứng 3%, 13% và 79%.
Tương tự, tại thị trường Tây Âu, sữa bột gầy tăng lần lượt là 5,8%, 4,7% và 48% trong cùng so sánh như trên; sữa bột nguyên kem tăng là 12,5%, 6,9% và 45%.
Giá đường sẽ ổn định trong 3 tháng tới
Trong tháng 5, giá đường trên thị trường thế giới biến động khá thất thường do ảnh hưởng của giá dầu thô và USD lên giá khuyến khích bán ra của một số quỹ đầu tư.
Tại thị trường London, trong tháng 5 giá đường trắng giao kỳ hạn tăng từ 470,1 USD/tấn (ngày 30/4) lên mức 499,8 USD/tấn (ngày 24/5), sau khi đã xuống mức thấp hơn, 437,8 USD/tấn vào ngày 7/5. Tuy vậy, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn 30,8% so với hồi đầu năm, nhưng cao hơn cùng kỳ khoảng 10%.
Dự báo, giá đường thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp nhưng nguồn cung vẫn khả quan nên sẽ chỉ dao động quanh mức 500 USD/tấn.
Ở trong nước, dù sản lượng đường công nghiệp thấp hơn gần 20 nghìn tấn so với vụ trước, nhưng tồn kho tại các nhà máy đường đến 15/5 vẫn đạt 336 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Vì lý do này, vụ nắng nóng năm nay, giá đường trong nước có xu hướng giảm nhẹ.
Nếu tính cả lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch đến hết 31/7 còn 128 nghìn tấn, Việt Nam có khoảng trên 450 nghìn tấn đường, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 3 tháng tới (mỗi tháng ước khoảng 100 nghìn tấn). Và giá đường tháng 6 sẽ tiếp tục ổn định, báo cáo khẳng định.
Giá thép sẽ giảm nhẹ trong tháng 6
Sau khi tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, đến tháng 5, giá thép trên thị trường thế giới bắt đầu giảm mạnh do nhu cầu ở mức thấp. So với tháng 4, giá chào phôi nguồn CIS giảm 110-140 USD/tấn, hiện ở mức 500 USD/tấn FOB biển Đen; giá chào phôi thép tại thị trường Đông Nam Á giảm 70-80 USD/tấn, hiện giao động ở mức 590-600 USD/tấn CFR.
Giá chào phôi thép cho doanh nghiệp Việt Nam dao động ở mức 550-590 USD/tấn CFR, giảm 80-110 USD/tấn; tương tự thép phế loại giảm khoảng 100 USD/tấn so với tháng 4… Dự báo giá nguyên liệu thép tháng 6 trên thế giới tiếp tục chững lại và giảm nhẹ do cầu yếu và cung dồi dào.
Tương tự là thị trường trong nước. Tháng 5, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh so với tháng trước do tiêu thụ chậm và tồn kho còn lớn, nhiều công trình lớn giảm tiến độ thi công.
Ước lượng thép tiêu thụ tháng 5 đạt thấp nhất kể từ đầu năm, khoảng 260 nghìn tần và giảm 13% so với tháng 4. Theo tính toán, tồn kho cuối tháng 5 còn khoảng 300 nghìn tấn thép xây dựng, phôi dự trữ cho sản xuất tháng 6 còn 490 nghìn tấn. Do đó, Tổ điều hành dự báo giá thép sẽ giảm trong tháng này.
Xi măng tăng cầu nhưng giá sẽ không lên
Sản xuất và tiêu thụ xi măng đã giảm hơn trong tháng 5 cũng do nhiều công trình giảm tiến độ thi công và nhu cầu đối với vật liệu xây dựng nói chung chững lại.
Lượng xi măng sản xuất trong tháng 5 ước khoảng 4,36 triệu tấn, giảm 6% so với tháng trước đó, trong khi lượng tiêu thụ trong tháng ước đạt 4,31 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 4. Tính đến cuối tháng 5, tồn kho xi măng khoảng 0,56 triệu tấn, clinker khoảng 1,2 triệu tấn.
Với tình hình trên, giá bán lẻ xi măng tiếp tục ổn định, dao động quanh mức 0,95-1,15 triệu đồng/tấn tại miền Bắc; và 1,1-1,4 triệu đồng/tấn tại miền Nam.
Theo Tổ điều hành, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng tháng 6 sẽ tăng hơn, nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá bán xi măng tiếp tục ổn định.
Xăng dầu ổn định, gas giảm giá
Cũng theo Tổ điều hành, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục ổn định, giá gas sẽ có xu hướng giảm nhẹ do LPG thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Trong tháng 5, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh mẽ, chủ yếu do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, trong so sánh với USD, trong khi tồn kho mặt hàng dầu của Mỹ đã ở mức cao hơn.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn đã giảm từ mức 86,15 USD/thùng vào ngày 30/4 xuống còn 69,41 USD/thùng ngày 18/5, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009. So với tháng trước, giá dầu thô bình quân tháng 5 giảm tới 11%; giá các sản phẩm xăng dầu thành phẩm giảm từ 3-7%.
Trong nước, ngày 27/5, Bộ Tài chính đã gửi đi thông báo số 168/TB-BTC, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng 500 đồng/lít, từ mức 16.990 đồng xuống còn 16.490 đồng; đồng thời, mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng cũng được giảm từ 500 đồng/lít xuống còn 200 đồng/lít, kể từ ngày 28/5.
Với mặt hàng gas, do tác động của giá dầu thô giảm và nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng LPG thay đổi khi thời tiết ấm dần lên, giá gas đã giảm trong tháng 5.
Tại thị trường trong nước, giá LPG nhập khẩu giảm, cùng với tác động từ giảm tỷ giá USD/VND khiến gas tại một số địa phương như Cần Thơ, Tp.HCM giảm khoảng 10 nghìn đồng/bình. Giá bán lẻ hiện khoảng 300-310 nghìn đồng/bình.
Giá thuốc chữa bệnh sẽ hạn chế điều chỉnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5 ước giá trị thuốc sản xuất trong nước khoảng 73 triệu USD, thuốc thành phẩm nhập khẩu khoảng 97 triệu USD, và trị giá nguyên liệu nhập khẩu đạt 19 triệu USD. Trong tháng qua, thị trường dược phẩm nhìn chung ổn định, giá thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh công lập ổn định và thường thấp hơn giá bán lẻ bên ngoài.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, khảo sát 60 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc với trên 6.500 mặt hàng trong tháng 5, xác định có 24 cơ sở điều chỉnh giá.
Cụ thể, tại Hà Nội có 42 lượt mặt hàng được khảo sát tăng giá với mức tăng bình quân 6,1%, nhưng có 20 mặt hàng giảm giá với mức giảm trung bình 5,9%. Khu vực Tp.HCM, khảo sát cho thấy nhìn chung giá thuốc ổn định, một số mặt hàng giảm giá, trung bình khoảng 5%...
Thuốc nhập khẩu có 25 lượt mặt hàng tăng giá với mức bình quân 6,5%; 27 lượt mặt hàng giảm giá với mức bình quân 5,2%. Nguyên liệu nhập khẩu giá ổn định.
Theo Tổ điều hành, dự báo trong tháng 6, thời tiết nắng nóng và dịch bệnh trên người gia tăng nên cầu về thuốc chữa bệnh còn tăng. Nhưng, do cung ứng thuốc đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu nên thị trường nhìn chung sẽ ổn định, giá thuốc hạn chế điều chỉnh trong thời gian tới do hầu hết các yếu tố đầu vào đã điều chỉnh trong thời gian qua và tỷ giá tiếp tục ổn định.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ còn dao động ở mức thấp, giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn ổn định, hoặc giảm nhẹ. VnEconomy xin điểm qua dự báo giá cả một số mặt hàng có “độ nhạy” cao với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Giá gạo còn ổn định
Với mặt hàng có tác động tích cực nhất đến chỉ số giá tiêu dùng trong vài tháng gần đây, lương thực, tình hình diễn biến trên thị trường thế giới đang có lợi cho việc duy trì một mặt bằng giá ổn định trong thời gian tới.
Tại thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn ở mức thấp khi các nước nhập khẩu đã nhập gần đủ số gạo theo nhu cầu cho năm 2010 và tiếp tục trả giá thấp cho các hợp đồng mới, thận trọng trong việc nhập khẩu khi USD chưa rõ khuynh hướng. Trong khi đó, tồn kho cao ở Việt Nam, Pakistan và sản lượng gạo của Ấn Độ đang rất khả quan…
Các yếu tố trên đã giữ giá chào bán xuất khẩu gạo tiếp tục ở mức thấp như cuối tháng trước: gạo 100%B Thái Lan giá 460 USD/tấn, FOB; gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 360 USD/tấn, FOB.
Ở trong nước, các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn cung tăng nên giá gạo giảm nhẹ tại một số địa phương, ở mức khoảng 8-9,5 nghìn đồng/kg gạo tẻ thường.
Trong khi các tỉnh phía Nam giảm tồn kho đã có tăng nhẹ, gạo tẻ thường lên mức 7,5-8,5 nghìn đồng/kg, nhưng đang được bù đắp bằng lượng lúa gạo nhập khẩu ồ ạt qua biên giới với Campuchia.
“Dự báo thời gian tới, do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức thấp, tiêu thụ gạo vẫn kém trong khi tại các tỉnh phía Bắc nguồn cung bắt đầu tăng từ vụ thu hoạch mới nên giá lúa gạo trong nước sẽ ổn định”, báo cáo nhận định.
Thịt lợn giảm giá do dịch bệnh
Trong nhóm thực phẩm, thịt lợn chiếm quyền số tương đối lớn và đang có xu hướng giảm giá nên nhiều khả năng chỉ số giá nhóm hàng này sẽ còn ổn định trong tháng tới.
Giá các loại thịt lợn hơi, tùy từng địa phương, giảm từ 1-3 nghìn đồng/kg và từ 5-10 nghìn đồng đối với thịt lợn mông sấn. Hiện giá thịt lợn hơi phổ biến ở mức 27-30 nghìn đồng/kg với miền Bắc và 29-33 nghìn đồng/kg với miền Nam; thịt lợn mông sấn tương tự là 50-55 nghìn đồng/kg và 50-60 nghìn đồng/kg.
Giá thịt lợn giảm có nguyên nhân chính do tình hình dịch tai xanh diến biến phức tạp khiến tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng đang chuyển sang các sản phẩm thịt thay thế như thịt bò, gà…Theo dự báo, trong tháng 6 giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm nhưng giá thực phẩm thịt thay thế sẽ vẫn đứng ở mức cao.
Trong khi đó, giá cả nhiều loại rau, củ, quả tại miền Bắc vẫn ổn định hoặc có xu hướng giảm nhẹ, nhưng tại miền Nam thì tăng mạnh về giá do thời tiết nắng nóng, khô hạn và nguồn cung không dồi dào. Tại Tây Ninh, nhóm hàng này tăng từ 1-3 nghìn đồng/kg, tại Tp.HCM, cải bẹ xanh tăng 3,8 nghìn đồng/kg, cà chua tăng 2,8 nghìn đồng/kg, khoai tây tăng 1,4 nghìn đồng/kg…
Giá sữa còn cao
Cũng theo báo cáo kể trên, giá sữa trong nước sẽ vẫn ở mức cao do tác động từ giá nguyên liệu này trên thị trường thế giới.
Cụ thể, tại thị trường châu Úc, giá sữa bột nguyên kem tháng 5 đã tăng 8,8% so với tháng trước và tăng 20% so với đầu năm và tăng 82% so với cùng kỳ năm trước; sữa bột gầy tăng tương ứng 3%, 13% và 79%.
Tương tự, tại thị trường Tây Âu, sữa bột gầy tăng lần lượt là 5,8%, 4,7% và 48% trong cùng so sánh như trên; sữa bột nguyên kem tăng là 12,5%, 6,9% và 45%.
Giá đường sẽ ổn định trong 3 tháng tới
Trong tháng 5, giá đường trên thị trường thế giới biến động khá thất thường do ảnh hưởng của giá dầu thô và USD lên giá khuyến khích bán ra của một số quỹ đầu tư.
Tại thị trường London, trong tháng 5 giá đường trắng giao kỳ hạn tăng từ 470,1 USD/tấn (ngày 30/4) lên mức 499,8 USD/tấn (ngày 24/5), sau khi đã xuống mức thấp hơn, 437,8 USD/tấn vào ngày 7/5. Tuy vậy, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn 30,8% so với hồi đầu năm, nhưng cao hơn cùng kỳ khoảng 10%.
Dự báo, giá đường thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp nhưng nguồn cung vẫn khả quan nên sẽ chỉ dao động quanh mức 500 USD/tấn.
Ở trong nước, dù sản lượng đường công nghiệp thấp hơn gần 20 nghìn tấn so với vụ trước, nhưng tồn kho tại các nhà máy đường đến 15/5 vẫn đạt 336 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Vì lý do này, vụ nắng nóng năm nay, giá đường trong nước có xu hướng giảm nhẹ.
Nếu tính cả lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch đến hết 31/7 còn 128 nghìn tấn, Việt Nam có khoảng trên 450 nghìn tấn đường, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 3 tháng tới (mỗi tháng ước khoảng 100 nghìn tấn). Và giá đường tháng 6 sẽ tiếp tục ổn định, báo cáo khẳng định.
Giá thép sẽ giảm nhẹ trong tháng 6
Sau khi tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, đến tháng 5, giá thép trên thị trường thế giới bắt đầu giảm mạnh do nhu cầu ở mức thấp. So với tháng 4, giá chào phôi nguồn CIS giảm 110-140 USD/tấn, hiện ở mức 500 USD/tấn FOB biển Đen; giá chào phôi thép tại thị trường Đông Nam Á giảm 70-80 USD/tấn, hiện giao động ở mức 590-600 USD/tấn CFR.
Giá chào phôi thép cho doanh nghiệp Việt Nam dao động ở mức 550-590 USD/tấn CFR, giảm 80-110 USD/tấn; tương tự thép phế loại giảm khoảng 100 USD/tấn so với tháng 4… Dự báo giá nguyên liệu thép tháng 6 trên thế giới tiếp tục chững lại và giảm nhẹ do cầu yếu và cung dồi dào.
Tương tự là thị trường trong nước. Tháng 5, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh so với tháng trước do tiêu thụ chậm và tồn kho còn lớn, nhiều công trình lớn giảm tiến độ thi công.
Ước lượng thép tiêu thụ tháng 5 đạt thấp nhất kể từ đầu năm, khoảng 260 nghìn tần và giảm 13% so với tháng 4. Theo tính toán, tồn kho cuối tháng 5 còn khoảng 300 nghìn tấn thép xây dựng, phôi dự trữ cho sản xuất tháng 6 còn 490 nghìn tấn. Do đó, Tổ điều hành dự báo giá thép sẽ giảm trong tháng này.
Xi măng tăng cầu nhưng giá sẽ không lên
Sản xuất và tiêu thụ xi măng đã giảm hơn trong tháng 5 cũng do nhiều công trình giảm tiến độ thi công và nhu cầu đối với vật liệu xây dựng nói chung chững lại.
Lượng xi măng sản xuất trong tháng 5 ước khoảng 4,36 triệu tấn, giảm 6% so với tháng trước đó, trong khi lượng tiêu thụ trong tháng ước đạt 4,31 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 4. Tính đến cuối tháng 5, tồn kho xi măng khoảng 0,56 triệu tấn, clinker khoảng 1,2 triệu tấn.
Với tình hình trên, giá bán lẻ xi măng tiếp tục ổn định, dao động quanh mức 0,95-1,15 triệu đồng/tấn tại miền Bắc; và 1,1-1,4 triệu đồng/tấn tại miền Nam.
Theo Tổ điều hành, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng tháng 6 sẽ tăng hơn, nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá bán xi măng tiếp tục ổn định.
Xăng dầu ổn định, gas giảm giá
Cũng theo Tổ điều hành, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục ổn định, giá gas sẽ có xu hướng giảm nhẹ do LPG thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Trong tháng 5, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh mẽ, chủ yếu do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, trong so sánh với USD, trong khi tồn kho mặt hàng dầu của Mỹ đã ở mức cao hơn.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn đã giảm từ mức 86,15 USD/thùng vào ngày 30/4 xuống còn 69,41 USD/thùng ngày 18/5, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009. So với tháng trước, giá dầu thô bình quân tháng 5 giảm tới 11%; giá các sản phẩm xăng dầu thành phẩm giảm từ 3-7%.
Trong nước, ngày 27/5, Bộ Tài chính đã gửi đi thông báo số 168/TB-BTC, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng 500 đồng/lít, từ mức 16.990 đồng xuống còn 16.490 đồng; đồng thời, mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng cũng được giảm từ 500 đồng/lít xuống còn 200 đồng/lít, kể từ ngày 28/5.
Với mặt hàng gas, do tác động của giá dầu thô giảm và nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng LPG thay đổi khi thời tiết ấm dần lên, giá gas đã giảm trong tháng 5.
Tại thị trường trong nước, giá LPG nhập khẩu giảm, cùng với tác động từ giảm tỷ giá USD/VND khiến gas tại một số địa phương như Cần Thơ, Tp.HCM giảm khoảng 10 nghìn đồng/bình. Giá bán lẻ hiện khoảng 300-310 nghìn đồng/bình.
Giá thuốc chữa bệnh sẽ hạn chế điều chỉnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5 ước giá trị thuốc sản xuất trong nước khoảng 73 triệu USD, thuốc thành phẩm nhập khẩu khoảng 97 triệu USD, và trị giá nguyên liệu nhập khẩu đạt 19 triệu USD. Trong tháng qua, thị trường dược phẩm nhìn chung ổn định, giá thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh công lập ổn định và thường thấp hơn giá bán lẻ bên ngoài.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, khảo sát 60 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc với trên 6.500 mặt hàng trong tháng 5, xác định có 24 cơ sở điều chỉnh giá.
Cụ thể, tại Hà Nội có 42 lượt mặt hàng được khảo sát tăng giá với mức tăng bình quân 6,1%, nhưng có 20 mặt hàng giảm giá với mức giảm trung bình 5,9%. Khu vực Tp.HCM, khảo sát cho thấy nhìn chung giá thuốc ổn định, một số mặt hàng giảm giá, trung bình khoảng 5%...
Thuốc nhập khẩu có 25 lượt mặt hàng tăng giá với mức bình quân 6,5%; 27 lượt mặt hàng giảm giá với mức bình quân 5,2%. Nguyên liệu nhập khẩu giá ổn định.
Theo Tổ điều hành, dự báo trong tháng 6, thời tiết nắng nóng và dịch bệnh trên người gia tăng nên cầu về thuốc chữa bệnh còn tăng. Nhưng, do cung ứng thuốc đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu nên thị trường nhìn chung sẽ ổn định, giá thuốc hạn chế điều chỉnh trong thời gian tới do hầu hết các yếu tố đầu vào đã điều chỉnh trong thời gian qua và tỷ giá tiếp tục ổn định.