13:15 01/03/2011

Giá dầu cao, gánh nặng mới của kinh tế thế giới

An Huy

Dầu thô tăng giá mạnh giữa lúc kinh tế thế giới phát đi những tín hiệu cho thấy sự phục hồi tích cực

Mấy ngày qua, thị trường dầu lửa thế giới đã chao đảo vì lo ngại bất ổn tại Libya - Ảnh: Top News.
Mấy ngày qua, thị trường dầu lửa thế giới đã chao đảo vì lo ngại bất ổn tại Libya - Ảnh: Top News.
Một khi bất ổn chính trị tại Libya còn giữ giá dầu lửa thế giới ở mức cao, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ phải chi thêm 200 tỷ USD để nhập khẩu “vàng đen” trong năm nay, đe dọa tới sự phục hồi kinh tế - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế trưởng Fatih Birol của IEA cho rằng, nếu giá dầu thế giới ở mức bình quân 100 USD/thùng trong năm nay, nước Mỹ sẽ tốn 385 tỷ USD cho nhập khẩu dầu, nhiều hơn 80 tỷ USD so với con số của năm ngoái. Liên minh châu Âu (EU) cũng phải bỏ ra thêm 76 tỷ USD để mua dầu từ nước ngoài so với năm 2008, lên mức 375 tỷ USD.

Theo ông Birol, việc tăng mạnh chi phí nhập khẩu dầu như vậy có thể tạo ra “một vấn đề nghiêm trọng đối với niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng - điều mà nước Mỹ đang rất cần cho sự khởi sắc kinh tế”. Chuyên gia này cho rằng, EU cũng đang phải đối mặt với rủi ro vì “đây đang là mắt xích yếu nhất trong dây xích phục hồi của kinh tế thế giới”.

Mấy ngày qua, thị trường dầu lửa thế giới đã chao đảo vì lo ngại bất ổn tại Libya có thể lan rộng tới các quốc gia sản xuất dầu lửa lớn khác ở vùng Vịnh, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu. Những cuộc biểu tình gần đây ở Oman cho thấy, nước này có thể là nước xuất khẩu dầu tiếp theo sau Libya phải đương đầu với khủng hoảng chính trị.

Tuy nhiên, với việc Saudi Arabia - quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới và là nước có tiếng nói có trọng lượng nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - rục rịch tăng sản lượng để bù đắp sự giảm sút nguồn cung dầu từ Libya, nhiều nhà phân tích dự báo, thị trường dầu sẽ sớm ổn định trở lại.

Sau khi tăng tới 14% trong tuần trước, giá dầu thô hiện đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng khoảng 2 năm rưỡi trở lại đây. Trong phiên giao dịch ngày 28/2, giá dầu Brent tại London ở mức 112 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ tại Mỹ vào khoảng 98 USD/thùng.

Dầu thô tăng giá mạnh giữa lúc kinh tế thế giới phát đi những tín hiệu cho thấy sự phục hồi tích cực. Bởi thế, các chuyên gia kinh tế lo ngại, giá nhiên liệu cao có thể đe dọa tiến trình trở lại với tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đặt lên vai người tiêu dùng thêm một gánh nặng mới tương tự như hồi năm 2008. Cách đây 3 năm, giá dầu tăng cao đã đẩy giá xăng tại Mỹ lên mức 4 USD/gallon và đẩy chi tiêu dùng lao dốc chóng mặt.

Giáo sư kinh tế James Hamilton thuộc Đại học California, Mỹ, cho rằng, giá dầu thô tăng thêm 20 USD/thùng sẽ khiến giá xăng tại nước này tăng thêm 50 xu/gallon, tiêu tốn thêm của người tiêu dùng 70 tỷ USD mỗi năm, đồng thời “gọt” mất 0,5% GDP của nước Mỹ. “Đó là một gánh nặng lớn đối với ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở một nền kinh tế trị giá 15 nghìn tỷ USD, điều này nằm trong tầm kiểm soát”, giáo sư Hamilton nói.

Ông Nigel Gault, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của hãng nghiên cứu IHS Global Insight, ước tính, cứ mỗi 10 USD tăng thêm trong giá dầu thô sẽ cắt giảm 0,2% trong GDP và chi tiêu dùng của người Mỹ, đồng thời khiến lực lượng thất nghiệp ở nước này tăng thêm 120.000 người. Nếu giá dầu Brent tăng thêm 15 USD/thùng và giữ vững ở mặt bằng giá này, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 0,3% trong năm 2011. Còn nếu giá dầu Brent tăng lên 130 USD/thùng và giá xăng ở Mỹ vượt mức 4 USD/gallon, “thiệt hại đối với tăng trưởng sẽ trở nên tồi tệ”.

Sản lượng dầu lửa của Libya, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 13 trên thế giới, đã giảm một nửa từ mức 1,6 triệu thùng/ngày kể từ khi bất ổn bùng nổ ở nước này. Các công ty dầu lửa quốc tế đã ngừng hoạt động và di tản nhân viên khỏi Libya. Các nhà phân tích cho rằng, phải mất nhiều tháng nữa, nguồn cung dầu ở Libya mới trở lại mức bình thường.

Về lý thuyết, thế giới có thể dễ dàng giải quyết bất kỳ sự giảm sút nguồn cung dầu lửa nào. OPEC có công suất dự trữ rất lớn, còn các nước công nghiệp phát triển cũng có 1,6 tỷ thùng dầu trong kho dự trữ xăng dầu chiến lược. Các quan chức của Saudi Arabia cho hay, nước này hiện đang sản xuất 9 triệu thùng dầu/ngày, tăng 500.000-600.000 thùng/ngày so với mức bình thường.

Tuy nhiên, điều khiến thị trường lo ngại là, Libya là nước sản xuất lớn loại dầu ngọt chất lượng cao, không dễ thay thế trong một sớm một chiều. Trong khi đó, loại dầu mà Saudi Arabia cung cấp lại là loại dầu có chất lượng kém hơn, với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, khó lọc hóa hơn.

Các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Bank of America Merrill Lynch hôm 28/2 nhận định, do phần lớn dự trữ dầu lửa chiến lược của IEA là dầu chua, nên loại dầu ngọt mà Libya cung cấp vẫn đang trong tình trạng thiếu cung. Các nhà phân tích này cũng cho rằng, công suất dự trữ của OPEC hiện đã giảm nhiều, đồng nghĩa với việc khả năng của thị trường trong việc đối phó với những bất ổn xa hơn tại Trung Đông là hạn chế. Ngân hàng này dự báo, nguồn cung dầu từ Libya sẽ còn bị gián đoạn nhiều tháng nữa.

“Theo tính toán của chúng tôi, tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya có thể là cú sốc nguồn cung lớn thứ 8 kể từ năm 1950 tới nay. Đáng lo ngại hơn, với những quốc gia như Algeria, Syria, Yemen hay Saudi Arabia đều đang đối mặt với sự bất mãn cao của người dân, nguy cơ bất ổn tiếp tục ở khu vực này là rất lớn”, báo cáo của Bank of America Merrill Lynch nhận xét.