08:45 24/02/2011

Kinh tế 24h qua: Thế giới dầu lửa rung chuyển

Diệp Anh

Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã lệnh cho lực lượng đặc biệt đánh bom các đường ống cung cấp dầu cho các nước Địa Trung Hải

Bất ổn tại Libya đang đe dọa thị trường dầu lửa thế giới - Ảnh: Getty.
Bất ổn tại Libya đang đe dọa thị trường dầu lửa thế giới - Ảnh: Getty.
Giá dầu thô kỳ hạn tại New York đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua, sau khi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chỉ thị cho các lực lượng trấn áp cuộc nổi dậy làm rung chuyển chế độ cầm quyền 41 năm qua của ông.

Tờ PressTV ngày 23/2 cho hay, ông Gaddafi đã lệnh cho lực lượng đặc biệt đánh bom các đường ống cung cấp dầu cho các nước ở Địa Trung Hải. Họ sẽ bắt đầu bằng việc cho nổ một số đường ống dẫn dầu, cắt dòng dầu chảy về các cảng Địa Trung Hải.

Theo nguồn tin trên, việc phá hoại này nhằm đưa ra thông điệp: Hoặc Gaddafi, hoặc bạo loạn.

Ngoài việc ra lệnh cho các lực lượng an ninh trấn áp biểu tình, ông Gaddafi còn thả các tù nhân là chiến binh Hồi giáo Libya khỏi nhà tù, với hy vọng những người này sẽ tự hành động để gây hỗn loạn ở Libya, tấn công người nước ngoài và các bộ lạc nổi dậy.

Ước tính 300 người đã thiệt mạng trong một tuần đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, giá dầu tăng vọt tại London và New York, các công ty dầu mỏ đua nhau rút nhân viên khỏi khu vực hỗn loạn.

Một số công ty dầu nước ngoài đã tuyên bố sơ tán khỏi Libya, gồm BP của Anh, Wintershall AG của Đức. Trước đó, các công ty như BASF AG của Đức, Repsol của Tây Ban Nha, Total SA của Pháp và ENI của Ý cũng tuyên bố ngừng hoạt động.

Mặc dù Libya chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu thô của thế giới, nhưng lại là một nước sản xuất dầu lớn trong khu vực. Bên cạnh đó, hàng ngày nước này còn cung cấp hàng trăm ngàn thùng khí tự nhiên và các sản phẩm xăng dầu hóa lỏng khác.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, Libya là nước có trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất châu Phi và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 15 thế giới, với 1,2 triệu thùng/ngày.

Do đó, tình hình căng thẳng tại quốc gia này đã và đang tác động mạnh tới các thị trường hàng hóa quốc tế, đặc biệt là dầu, khi nhà đầu tư lo ngại bất ổn tại đây có thể lan rộng sang các nước xuất khẩu dầu mỏ khác cùng khu vực.

Phiên giao dịch hôm qua (23/2), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn New York tăng 2,68 USD/thùng lên 98,10 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 01/10/2008. Trong phiên có lúc giá dầu vượt qua 100 USD/thùng.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4 trên sàn giao dịch London tăng tới 5,47 USD/thùng lên 111,25 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 29/08/2008.

Trước đó, trong phiên giao dịch châu Á, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4 tăng 11 cent lên 95,53 USD/thùng và dầu Brent giao cùng kỳ tăng 69 cent lên 106,47 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích Michael Lo của Nomura dự báo, giá dầu thô quốc tế có thể chạm ngưỡng 220 USD/thùng, nếu Libya và Algeria cùng ngừng sản xuất dầu. Theo ông, bất ổn tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi có thể làm giảm công suất dự phòng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) xuống các mức thấp.

Không chỉ ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ quốc tế, tình hình bất ổn tại Libya cũng tác động mạnh lên các thị trường chứng khoán và kim loại quý như vàng, bạc.

Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex ở New York hôm qua đã tăng mạnh 12,9 USD/ounce lên 1.414 USD/ounce, cao nhất từ ngày 3/1. Trong khi bạc giao tháng 3 tiến lên mức cao nhất trong 31 năm, khi tăng 44 cent lên 33,3 USD/ounce.

Cũng liên quan tới lĩnh vực dầu khí, Giám đốc kinh tế IEA - Fatih Birol cho rằng, Australia, Indonesia và Papua New Guinea có thể sẽ thúc đẩy "kỷ nguyên vàng" tiêu thụ khí đốt tự nhiên từ phía cung, trong khi Trung Quốc sẽ là động lực chính bên cầu.

Ông Fatih Birol nhận định, một "kỷ nguyên vàng cho khí đốt" đang bắt đầu và sự khởi đầu của kỷ nguyên này sẽ được thúc đẩy bởi châu Á, xét cả trên hai khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Về phía cung cấp, IEA cho biết có rất nhiều dự án khí đốt hóa lỏng đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng, hầu hết ở các nước châu Á, trong đó có Australia, Indonesia và Papua New Guinea.

Về phía tiêu dùng, ông Fatih Birol nhận xét, Trung Quốc sẽ là động lực chính. Năm ngoái, quốc gia Đông Á này tiêu thụ khoảng 110 tỉ m3 khí đốt, lớn hơn cả Nhật Bản.

Hôm qua, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, nước này rơi vào thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong suốt 22 tháng, do chi phí ngày càng cao và nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu.

Theo báo cáo, thâm hụt thương mại tháng 1 của Nhật Bản ở mức 471,42 tỷ Yên (5,7 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tăng 1,4%, thấp hơn so với dự báo của giới phân tích.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự giảm tốc của lĩnh vực xuất khẩu chỉ là tạm thời do nhu cầu từ các thị trường lớn nhất trong khu vực bị gián đoạn bởi tết âm lịch vừa qua.

Công ty Chứng khoán Global X Funds có trụ sở tại New York (Mỹ) vừa phát hành chứng khoán tổng hợp ASEAN với tên gọi Global X FTSE Asean 40 ETF. Đây là chứng khoán tổng hợp đầu tiên tại Mỹ hướng tới ASEAN.

Theo Công ty Global X Funds, ASEAN là khu vực năng động nhất thế giới, có nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và tầng lớp trung lưu dự kiến lên tới 300 triệu người vào năm 2015.

Global X FTSE Asean 40 ETF được lập ra để đầu tư vào các loại cổ phiếu của 40 công ty lớn nhất tại 5 trong số 10 nước thành viên ASEAN, đó là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines.