08:35 01/08/2019

Giá dầu tăng 5 phiên liên tục

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới tăng phiên thứ năm liên tiếp sau khi dữ liệu từ Mỹ cho thấy tồn kho dầu giảm mạnh hơn dự báo

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng phiên thứ năm liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi dữ liệu từ Mỹ cho thấy tồn kho dầu giảm mạnh hơn dự báo. Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi động thái hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,45 USD/thùng, chốt ở 65,17 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,53 USD/thùng, đạt 58,58 USDt/thùng.

Trong tháng 7, giá dầu Brent tăng 2,1%, còn giá dầu WTI tăng 0,2%. Dù được hỗ trợ bởi khả năng FED hạ lãi suất và căng thẳng ở Vùng Vịnh, giá dầu trong tháng 7 chịu sức ép giảm từ triển vọng suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ năng lượng Mỹ công bố ngày 31/7 cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm tuần thứ 7 liên tiếp, với mức giảm 8,5 triệu thùng trong tuần trước. Mức giảm này lớn hơn dự báo giảm 2,6 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Còn 436,5 triệu thùng, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ - không bao gồm dự trữ dầu lửa chiến lược - đang ở mức bình quân 5 năm của thời điểm này trong năm, EIA cho hay.

Tồn kho dầu của Mỹ giảm cho dù hoạt động sản xuất dầu trên Vịnh Mexico đã khôi phục sau cơn bão Barry. Sản lượng dầu của nước này đã tăng lên mức 12,2 triệu thùng/ngày, từ mức 11,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó.

Tồn kho xăng giảm 1,8 triệu thùng trong tuần báo cáo, còn tồn kho các sản phẩm chưng cất giảm 894.000 thùng.

"Đây là những con số có tác dụng hỗ trợ giá dầu. Tồn kho dầu thô giảm mạnh là một điểm rất đáng kể, xét đến việc sản lượng dầu của Mỹ đã hồi phục mạnh sau bão Barry", nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhận xét.

Trong một báo cáo khác, EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 5 đã trượt khỏi mức cao kỷ lục tính theo tháng, giảm 26.000 thùng/ngày, còn 12,11 triệu thùng/ngày.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, FED hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm - một động thái không nằm ngoài dự báo. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng đây không phải là sự khởi đầu cho một chuỗi cắt giảm lãi suất kéo dài.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa đã giảm xuống mức thấp nhất 8 năm trong tháng 7. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do Saudi Arabia chủ động giảm sản lượng, cũng như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran và Venezuela.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện vẫn đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo đó gây áp lực giảm lên giá dầu. Vòng đàm phán mới nhất giữa hai nước ở Thượng Hải đã kết thúc vào ngày thứ Tư mà không có tín hiệu tiến bộ rõ rệt nào.

Một cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters cho thấy giới phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp hiện nay do tăng trưởng kinh tế yếu đi và chiến tranh thương mại kéo dài gây hạn chế nhu cầu tiêu thụ năng lượng.