14:44 05/03/2008

Giá dịch vụ chạy nhanh hơn

Các nhà kinh doanh tính toán rằng một mặt bằng giá mới của hàng hoá sẽ được thiết lập trong tháng 3/2008 này

Chi phí vận chuyển tăng ảnh hưởng tới giá thành.
Chi phí vận chuyển tăng ảnh hưởng tới giá thành.
Các nhà kinh doanh tính toán rằng một mặt bằng giá mới của hàng hoá sẽ được thiết lập trong tháng 3/2008 này.

Nhưng trước đó, giá dịch vụ đã có mức tăng đáng kể.

Đã tăng...

Chỉ riêng ở Tp.HCM, so với tháng 1/2008 thì giá một số dịch vụ trong tháng 2 này đã tăng khá cao.

Như: dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 7 - 33%; công may đo 8%; các dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu đời sống 10 - 30%; vé xem phim, ca nhạc 5.000 - 10.000 đồng/vé (12 - 33%); dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp 25 - 50%; giữ xe 100%...

Tính trên cả nước, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tiếp tục giữ kỷ lục với mức tăng 6,18%, ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2008.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, chủ sạp bán sỉ trái cây ở chợ Tam Bình, Thủ Đức, bình quân một chuyến xe tải chở hàng từ các tỉnh về Tp.HCM sẽ phải chi thêm khoảng 50.000 - 150.000 đồng, giá xe chở hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ trong nội thị sẽ nhích thêm khoảng từ 5.000 -10.000 đồng/chuyến, các shop có dịch vụ giao hàng tận nhà bằng xe gắn máy sẽ tốn thêm 3.000 - 5.000 đồng/tiền xăng/lần và họ sẽ thường làm tròn số bằng cách tăng giá dịch vụ 10.000 đồng/lần…

... và sẽ tiếp tục tăng

Các siêu thị đang có dịch vụ giao hàng tận nhà miễn phí cũng đang tính toán lại.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho rằng có thể các siêu thị sẽ phải nâng mức hoá đơn giao hàng miễn phí từ 100.000 lên 150.000 hoặc 200.000 đồng…

Từ sau Tết đến cuối tháng 2, các dịch vụ đã tăng giá trước đó gần như chưa trở lại mức bình thường thì đến tháng 3 này, các dịch vụ khác phục vụ sinh hoạt hàng ngày như xe đưa rước học sinh sẽ tăng thêm 100.000 đồng/tháng, đi chợ giùm bạn tăng phí thêm 10.000 đồng/ngày.

Ngay cả dịch vụ giao hàng tận nhà như nước uống, gạo, bách hoá của các tiệm tạp hoá cũng đề nghị khách hàng cho họ phụ thu thêm 1.000 đồng/bình nước, 5.000 đồng/chuyến hàng… để bù vào phí chuyên chở.

Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp làm dịch vụ có liên quan trực tiếp đến giá xăng dầu đã chuẩn bị áp dụng giá mới: từ tháng 3/2008 giá cước taxi sẽ tăng thêm khoảng 500 - 800 đồng/km; giao nhận hàng hoá, vận tải tăng giá bình quân 5 - 15%.

Áp lực của dịch vụ vận chuyển lên giá hàng hoá có thể nhìn thấy khá rõ với giá gas. Ông Lê Phúc Đại, Tổng giám đốc Công ty Đại Việt dự đoán giá cước vận chuyển gas nhập khẩu vừa mới được điều chỉnh tăng thêm từ 11 - 12 USD/tấn, cộng thêm chi phí vận chuyển nội địa, giao tận nhà người tiêu dùng…, giá gas bán lẻ trong nước sẽ tăng ít nhất từ 4.000 - 5.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 3.

Việc lãi suất cho vay từ ngân hàng đạt đến 15 - 18%/năm cũng gây áp lực lên chi phí dịch vụ, sản xuất. Giá điện dự kiến tăng lần này lại càng thổi bùng nỗi lo của người dân, bởi lẽ giá điện tăng kéo theo giá thành sản phẩm, dịch vụ đều tăng.

Ngay cả các dịch vụ giải trí, thư giãn, làm đẹp… sẽ có cơ hội tăng theo các tiện nghi cao cấp tiêu thụ điện. Bà Phạm Thu Loan, một chủ tiệm thẩm mỹ đường Cách mạng tháng 8 cho biết khi giá điện tăng, chắc chắn các tiệm làm đẹp có máy lạnh sẽ tăng giá dịch vụ ít nhất 5%.