10:22 04/08/2007

Giá tăng, xoay xở thế nào?

Nguyễn Hoài - Quang Phúc

Những chính sách về đầu tư, thương mại và tài chính tiền tệ cũng như công tác dự báo đang bộc lộ không ít bất cập

Sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng giá nhanh chóng trong thời gian qua - Ảnh: VNN.
Sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng giá nhanh chóng trong thời gian qua - Ảnh: VNN.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu 2007 đã tăng 8,4% so với cùng kỳ. Các chuyên gia cảnh báo, nếu giữ mức tăng này, chỉ số CPI của 2007 sẽ vượt quá 10%. CPI phản ánh sức mua đồng tiền bị giảm sút.

Nhiều ý kiến lý giải, CPI tăng do thiếu cung hàng, đặc biệt là nhóm lương thực thực phẩm, vốn chiếm 42% rổ hàng hoá tính CPI và Ngân hàng Nhà nước đưa ra lưu thông 112 nghìn tỷ đồng khi mua 7 tỷ USD vào dự trữ, làm mất cân đối quan hệ tiền - hàng.

Thực tế này đã gây sức ép lên lạm phát và ảnh hưởng tới đời sống người dân. Ngoài ra, CPI tăng đột biến còn phản ánh công tác dự báo chưa thật chuẩn xác. Tổ điều hành thị trường dự báo CPI tháng 7/2007 so với tháng trước chỉ tăng 0,5 - 0,6% nhưng thực tế đã tăng tới 0,94%.

Ngày 1/8/2007, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/2007/CT - TTg, yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc, áp dụng một số biện pháp cấp bách kìm chế tốc độ tăng giá.

Liệu một chỉ thị có thay đổi được tình hình, khi mà những chính sách về đầu tư, thương mại và tài chính tiền tệ cũng như công tác dự báo đang bộc lộ không ít bất cập như hiện nay?

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

(Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính)

“Chính phủ sẽ quyết liệt trong điều hành kinh tế cả vĩ mô và vi mô. Vĩ mô phải đảm bảo cân đối tiền tệ, tín dụng, ngân sách, hàng hóa để làm sao giữ được giá theo chỉ đạo của Quốc hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng những biện pháp rất quan trọng như điều hòa lãi suất, tỉ giá, hút nguồn vốn ngoại tệ, phát hành trái phiếu... nhằm cân đối cung cầu về tiền tệ và tín dụng.

Về đầu tư cho xã hội, hiện chúng ta đã huy động được ở mức rất cao thông qua cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thị trường hiện đang phát triển tương đối tốt. Do đó điều hòa cung cầu của thị trường là một giải pháp đảm bảo không thiếu hàng. Nếu cần thiết, Chính phủ sẽ cho nhập hàng, giảm căng thẳng về hàng hoá.

Cơ cấu nhập khẩu nửa năm qua tương đối lớn, chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu và nhiên liệu cho sản xuất. Những tháng cuối năm cần cân đối nhập khẩu sao cho phù hợp.

Ngoài ra, đối với những loại hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài, chúng ta cũng sẽ điều hành giá bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả hàng rào thuế để giá không tăng đột biến. Chẳng hạn như xăng dầu, nếu giá quốc tế tăng cao thì chúng ta sẽ hạ thuế để kinh doanh xăng dầu trên thị trường trong nước không biến động mạnh, không tác động nhiều tới sản xuất cũng như tiêu dùng.

Về mặt chính sách tiền tệ, Chính phủ sẽ thi hành một số biện pháp như vừa thu hút ngoại tệ về, tăng dự trữ, vừa tìm biện pháp hút bớt tiền đồng khỏi lưu thông bằng các công cụ trái phiếu chính phủ như trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông trên cơ sở giải ngân nhanh, có hiệu quả số tiền huy động từ trái phiếu và tuân thủ quy trình, thủ tục đầu tư hiện hành.

Thực hiện việc cắt, điều chỉnh và thu hồi vốn đối với các bộ, cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng thời hạn điều hòa, điều chỉnh vốn theo quy định.

Mặt khác, thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng đang có giá tăng cao như thép, gas. Đồng thời, kiểm soát chặt tăng giá độc quyền, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi định giá, liên kết định giá bất hợp lý.

Chính phủ cũng đẩy mạnh giải ngân, đầu tư để giảm cung tiền. Đồng thời, ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp thị trường mở để điều hòa cân đối tiền tệ trên thị trường, không gây tác động đến giá cả. Với những biện pháp đó lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ”.

Chống tăng giá phải đồng bộ

(TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Nửa năm qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng khá cao, nhiều người lý giải rằng, do áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; dịch bệnh đối với đàn gia súc gia cầm; sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã tạo ra một nhóm dân cư giàu có, sẵn sàng chi trả giá cao cho các nhu cầu mua sắm; tăng xuất khẩu; chính sách tiền tệ... nên góp phần đẩy giá tiêu dùng lên.

Việc giá tiêu dùng tăng, mặc dù không phản ánh hoàn toàn bản chất của lạm phát nhưng chúng có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hạn chế đến tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất của vấn đề tăng giá tiêu dùng là do tăng đầu tư nước ngoài, nhất là ở khu vực thị trường chứng khoán, dẫn đến tăng cung tiền trong lưu thông.

Khi nhà đầu tư nước ngoài mang ngoại tệ vào Việt Nam đầu tư, việc đầu tiên là phải chuyển đổi chúng ra tiền đồng và Ngân hàng Nhà nước mua lại số ngoại tệ đó, để họ gia nhập vào thị trường vốn. Đây là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở đây cần giải quyết hai vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, lượng tiền đồng đối ứng để mua lại cơ số ngoại tệ nào đó phải xuất phát từ lưu thông chứ không phải xuất phát từ phát hành.

Thứ hai, làm thế nào đó để nền kinh tế hấp thụ tốt nhất lượng vốn sau khi chảy vào. Hai vấn đề đó, thực sự là bài toán khó và các cơ quan điều hành kinh tế phải giải quyết.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành một số công cụ cần thiết như tăng dự trữ bắt buộc, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở... nhưng nếu chỉ chừng ấy thôi, vẫn chưa đủ. Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề này, ngoài giải pháp tiền tệ, rất cần thiết phải sử dụng các biện pháp khác trong sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu. Cùng với đó là những giải pháp thị trường hấp thu bớt luồng tiền thông qua thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường vàng bạc...”

Hấp thụ tốt vốn vào, thay vì cất đi

(PGS. TS Nguyễn Văn Lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Thương mại)

“Trong vòng nửa đầu năm 2007, một lượng ngoại tệ lớn (khoảng 7 tỷ USD) đã vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi từ ngoại tệ ra nội tệ, Nhà nước đã mua toàn bộ số ngoại tệ này và khoảng 112 nghìn tỷ đồng được đưa ra lưu thông. Với tổng giá trị hàng hoá không tăng trong khi cung tiền tăng, đương nhiên sức mua của đồng tiền bị giảm.

Thực tế này đã buộc Nhà nước phải tìm cách kéo đồng tiền ngoài lưu thông về nhằm hạn chế mất giá. Nhưng theo một số chuyên gia, vẫn còn khoảng 1/2 tổng số tiền nói trên nằm trong lưu thông.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hút bớt số tiền này khỏi lưu thông càng nhanh càng tốt. Đây là cái khó cho ngân hàng. Trong ngắn hạn, có lẽ giải pháp nghiệp vụ thị trường mở sẽ được trông đợi nhiều nhất.

Tuy nhiên, đối với một quốc gia, khi dòng vốn chảy vào, phải làm sao đó để nền kinh tế hấp thụ tốt nguồn vốn ấy mới là quan trọng, thay vì vốn vào rồi mua đem cất đi. Đồng tiền phải được sinh sôi qua đầu tư. Đầu tư là kênh hút vốn tốt nhất và bền vững nhất.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là khoảng cách giữa xuất siêu và nhập siêu ngày càng “doãng” ra. Điều này phản ánh khu vực đầu tư chưa tốt. Nhưng đầu tư cũng phải đúng hướng, đúng chỗ. Hàng hoá sản xuất ra phải tốt mới có cơ sở tiêu thụ.

Nhìn vào cơ cấu đầu tư thấy rằng, kêu gọi đầu tư vào khai thác, ai cũng mặn mà, còn đầu tư vào chế biến, nguyên phụ liệu đầu vào sản xuất công nghiệp thì èo uột. Thiết bị của nhà máy xi măng, mía đường, phụ liệu dệt may, phôi thép, phần lớn là đồ cũ. Cũng do không chủ động được nguyên phụ liệu nên cứ phải nhập siêu và khó xuất siêu.

Tóm lại, chưa khơi thông đầu tư tốt, chưa thể hấp thụ nguồn vốn tốt. Một nền kinh tế kéo dài tình trạng này, sẽ khó tránh khỏi dư tiền và lạm phát là hiển nhiên.”

Ngân hàng sẽ thắt chặt tiền tệ

(Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

“Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu 2007 tăng 6,19%, so với tháng 7/2006 tăng 8,4%, xu hướng tăng ở mức cao so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là:

Thứ nhất, giá nhập khẩu xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng liên tục trong mấy năm trở lại đây, cùng với việc Chính phủ chủ động thực hiện từng bước xoá bỏ bao cấp qua giá đối với một số nhóm hàng thiết yếu đã tác động lên giá cả các mặt hàng tiêu dùng.

Thứ hai, cung lương thực - thực phẩm thiếu hụt so với nhu cầu tiêu dùng.

Thứ ba, giá thành sản phẩm cao, do chi phí đầu vào và chi phí trung gian tăng.

Thứ tư, thu nhập của người dân tăng do tăng trưởng kinh tế liên tục trong các năm gần đây, tiền lương tăng và thu nhập tăng từ kiều hối, đầu tư tài chính và nguồn thu nhập khác, làm cho thói quen tiêu dùng thay đổi và nhu cầu tiêu dùng tăng lên gây áp lực tăng giá hàng tiêu dùng.

Thứ năm, khối lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế gia tăng, chủ yếu do vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài và kiều hối tăng, cùng với việc đưa tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Để chủ động góp phần kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, không để xảy ra các đột biến xấu làm ảnh hướng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện các giải pháp theo hướng kiểm soát chặt chẽ lượng tiền lưu thông, cụ thể:

Một là, đưa tiền ra can thiệp mua ngoại tệ, tránh tăng giá VND và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, thì đồng thời với việc hút một khối lượng lớn tiền từ lưu thông về thông qua việc bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng từ 1,5–2 lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn chế các nghiệp vụ tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng.

Hai là, ổn định các mức lãi suất của Ngân hàng nhà nước công bố và tỷ giá hối đoái.

Ba là, ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng theo định hướng như đầu năm của Ngân hàng Nhà nước và giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay và chiết khấu để đầu tư, kinh doanh chứng khoán dưới 3%.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác để đảm bảo các cân đối cung cầu hàng hoá, vật tư thiết yếu và các cân đối kinh tế vĩ môi khác.

Hiện tại, tổng phương tiện thanh toán hay còn gọi là tổng lượng tiền trong lưu thông nước ta có cơ cấu phức tạp, bao gồm VND (chiếm tỷ trọng lớn), ngoại tệ, vàng... Nếu vòng quay sử dụng đồng tiền trong lưu thông ổn định, để ổn định giá cả hàng hoá tiêu dùng thì tổng phương tiện thanh toán phải tương ứng với tổng giá trị hàng hoá tính theo giá thực tế. Do nguồn gốc hình thành, khả năng chuyển đổi và vòng quay đồng tiền trong lưu thông khác nhau, cho nên đối với mỗi loại tiền có các cơ chế điều tiết khác nhau.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, các năm trước đây, tổng lượng tiền trong lưu thông tăng lên do tác động chủ yếu của nhân tố mở rộng tín dụng và chi tiêu của ngân sách Nhà nước, nhưng 7 tháng đầu năm 2007, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam bội thu hơn 6 tỷ Đôla Mỹ (gấp 2 lần so với các cùng kỳ năm trước); riêng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào chứng khoán, các giấy tờ có giá khác tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2006, Ngân hàng Nhà nước phải đưa lượng tiền VND khá lớn để can thiệp mua ngoại tệ, tránh tăng giá VND.

Qua phân tích cho thấy luồng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng “đột biến” trong những tháng đầu năm nay là nhân tố chủ yếu làm cho tổng lượng tiền trong lưu thông tăng ở mức cao, vượt quá tốc độ tăng của tổng giá trị hàng hoá tiêu dùng.

Tuy nhiên, phải mất một khoảng thời gian nhất định theo độ trễ thì lượng tiền tăng lên mới tác động rõ rệt đối với mặt bằng giá cả hàng hoá tiêu dùng. Ngay tù đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo dõi dự báo tình hình này, cho nên đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để tích cực hút tiền từ lưu thông về, thông qua việc bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng dự trữ bắt buộc, kiểm soát tăng trưởng tín dụng để kiềm chế sự gia tăng tổng lượng tiền trong lưu thông."

Không để nước đến chân mới nhảy

(Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Thương mại)

“CPI trong 7 tháng qua và đặc biệt trong tháng 7/2007 đã tăng ngoài dự kiến. Tổ điều hành dự báo mức tăng CPI của tháng 7 chỉ từ 0,5% - 0,6% nhưng thực tế đã tăng 0,94%. Nguyên nhân thì nhiều nhưng theo tôi có 2 nhóm nguyên nhân quan trọng nhất.

Thứ nhất là nguyên nhân tiền tệ. Phải thấy rằng, CPI và lạm phát không là một nhưng đều phản ánh lượng tiền trong lưu thông nhiều hơn so với nhu cầu và nhiều hơn so với tổng giá trị của hàng hoá. Trong nửa năm qua, rất nhiều hoạt động đã gia tăng cung tiền trên thị trường như giải ngân đầu tư gián tiếp, trực tiếp, mua ngoại tệ vào, chi tiêu ngân sách, lương thưởng, thu nhập của một bộ phận người dân do trúng mùa cà phê, gạo.

Những yếu tố này đã làm cho tổng phương tiện thanh toán và tổng lượng tiền trong lưu thông trội lên. Việc tăng cung tiền là cần thiết nhưng đến mức xộc xệch, làm mất cân đối giữa tiền và hàng là điều rất bất lợi cho kinh tế xã hội.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là cung hàng, nhất là nhóm hàng lương thực phẩm. Trong rổ hàng hoá để tính CPI (khoảng 500 mặt hàng – PV), nhóm lương thực phẩm chiếm tỷ lệ tới 42%. Với tốc độ tăng giá tập trung vào nhóm này, đã kéo CPI tăng theo.

Để hạn chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, Tổ điều hành thị trường đã kiến nghị Chính phủ 6 nhóm giải pháp.

Một là, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trong mọi trường hợp đều phải cân đối đủ hàng hoá, không để xảy ra “thiếu, đứt cung”, gây tăng giá. Trong đó, tập trung vào những nhóm hàng lương thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật tư (xi măng, sắt thép, phân bón...).

Hai là, tổ chức phân phối, lưu thông hàng hoá trôi chảy, tránh xảy ra mất cân đối cung cầu cục bộ, kiên quyết chống đầu cơ vòng vèo, mua đi bán lại lắt léo, đẩy giá hàng hoá lên cao.

Ba là, chính sách tiền tệ phải thắt chặt, thận trọng nhưng linh hoạt, vừa đảm bảo tăng trưởng nhưng không ảnh hưởng đến sức mua của đồng tiền.

Bốn là, tăng cường kiểm soát chi tiêu ngân sách, kiểm soát bội chi, kiểm soát tín dụng.

Năm là, tập trung phòng chống, dập tắt các ổ dịch và khôi phục sức sản xuất đối với cây trồng vật nuôi.

Điều tôi băn khoăn hiện nay là không hiểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình hành động cụ thể nào để khôi phục và phát triển sản xuất, tăng nguồn cung lương thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống nhằm giảm giá bán trên thị trường hay chưa.

Sáu là, thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích thị trường, công tác dự báo phải đi trước một bước. Đơn cử, dự báo CPI của tháng 7/2007 so với tháng 6/2007 sai số ít nhất 0,34%. Việc dự báo thiếu chính xác, sẽ không chủ động tốt đối sách để xử lý kịp thời. Không nên duy trì điều hành thị trường theo lối nước đến chân mới nhảy”.

CPI tăng, ảnh hưởng xấu đến chứng khoán

(Bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SeABS)

“Trên thế giới, người ta coi thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán có mối liên kết chặt chẽ như nguyên lý “bình thông nhau”. ở một chừng mực nào đó, Việt Nam cũng như vậy.

Bởi lẽ, khi CPI tăng, sẽ làm cho lạm phát tăng; khi lạm phát tăng, cơ quan điều hành tiền tệ buộc phải áp dụng hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ, nhằm hạn chế cung tiền ra lưu thông. Một khi cung tiền bị thắt chặt, sẽ ảnh hưởng bất lợi đến thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán gồm có 2 công cụ chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu. Trái phiếu thì theo một cơ chế hoàn toàn trực tiếp. Giá trái phiếu được xác định thông qua công cụ chiết khấu.

Chiết khấu ở đây tức là dòng tiền của trái phiếu đó chiết khấu theo mức lãi suất chiết khấu. Trong khi dòng tiền chiết khấu không thay đổi thì mức lãi suất chiết khấu sẽ có mối quan hệ ngược chiếu với giá trái phiếu. Lãi suất thị trường cao, đương nhiên tỷ suất chiết khấu sẽ cao và giá trái phiếu sẽ giảm.

Thứ hai, để xử lý lạm phát, cơ quan điều hành tiền tệ buộc phải sử dụng các công cụ điều tiết, nhằm hút bớt lượng tiền trong lưu thông. Khi cung tiền giảm, lãi suất huy động vốn tăng và cho vay cũng phải tăng để đảm bảo có lãi cho các ngân hàng.

Để ngân hàng có lãi thì chi phí vốn của doanh nghiệp tăng, cộng với tăng giá của chi phí đầu vào (do CPI tăng) dẫn đến giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán không thể theo kịp mức tăng của chi phí. Điều này ảnh hưởng xấu tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và đương nhiên giá cổ phiếu sẽ giảm.

Chưa kể, khi lãi suất huy động từ ngân hàng thương mại tăng, nhà đầu tư có thể rút vốn trên thị trường chứng khoán để gửi vào tiết kiệm.

Thứ ba, thực tế vừa qua, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi và hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán không quá 3%/tổng dư nợ cho vay đã hạn chế nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng vào thị trường chứng khoán. Đó là sự tác động dễ nhìn thấy nhất.”