Giá vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước nhảy 600.000 đồng/lượng
Giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng giá vàng miếng trong nước ngày 27/11 tăng mạnh và tiến sát mốc 61 triệu đồng/lượng...
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 60,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,85 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá nhẫn tròn trơn 999.9 hiệu Phú Quý là 51,8 triệu đồng/lượng và 52,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 60 triệu đồng/lượng và 60,85 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 350.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng.
Giữ xu thế tăng nhanh hơn, giảm chậm hơn giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục kéo giãn độ chênh lệch với giá thế giới. Sáng nay, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 11,6 triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD/oz, chốt ở 1.792,4 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 49,2 triệu đồng/lượng.
Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay vượt mốc chủ chốt 1.800 USD/oz nhưng lại không duy trì được đến khi đóng cửa.
Phiên tăng giá này của vàng diễn ra khi giới đầu tư toàn cầu bán tháo tài sản rủi ro vì lo ngại một biến chủng mới của Covid-19 được phát hiện ở Nam Phi. Với nhiều đột biến hơn so với biến chủng Delta, biến chủng này gây lo ngại về nguy cơ làm suy giảm hiệu quả của vaccine, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cần phải nghiên cứu thêm. WHO đã xếp biến chủng được đặt tên Omicron này vào nhóm các biến chủng “đáng lo ngại”.
“Thị trường lo rằng biến chủng mới này sẽ gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế nhiều hơn so với biến chủng Delta được phát hiện cách đây một năm. Nỗi lo này thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng phòng ngừa rủi ro”, nhà phân tích Peter Fertig của Quantitative Commodity Research phát biểu.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng trong trường hợp biến chủng Covid mới gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ không đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ như lo ngại gần đây.
Tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm cũng mở đường cho giá vàng tăng phiên này.
Chỉ số Dollar Index giảm 0,4% từ mức đỉnh 16 tháng thiết lập trước đó trong tuần. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số này còn dưới 96,1 điểm, từ mức 96,8 điểm của phiên trước. Tuy nhiên, cả tuần, chỉ số vẫn tăng 0,04% - theo dữ liệu của MarketWatch.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản, còn 1,49%. Đây là một sự đảo chiều mạnh bởi trong phiên, có lúc lợi suất tăng lên mức 1,68%, duy trì xu hướng tăng của thời gian gần đây.
Dù tăng phiên này, giá vàng đã có một tuần giảm mạnh. Tính cả tuần, giá vàng giảm khoảng 3% do kỳ vọng Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, và do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá USD cùng tăng mạnh. Với mức giảm này, đây là tuần giảm mạnh nhất của giá vàng kể từ tuần kết thúc vào hôm 6/8.
Chuyên gia Michael Langford của AirGuide cho rằng giá vàng có thể giảm sâu hơn do nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên chủ trương đẩy nhanh thắt chặt. “Khó có chuyện Fed sẽ thay đổi chủ trương, vì chính sách tiền tệ có liên hệ mật thiết với quan điểm của công chúng và cách điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Bất kỳ một sự thay đổi nào cũng sẽ tác động đến triển vọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm sau”, ông Langford nhận định.