17:47 05/07/2010

Giải bài toán nhân lực: Nhiều doanh nghiệp "kêu" thiệt!

Vũ Quỳnh

Nhiều doanh nghiệp cho rằng Luật Lao động đang quá ưu ái người lao động

Giữ chân lao động luôn là bài toán khó với doanh nghiệp - Ảnh: Việt Tuấn.
Giữ chân lao động luôn là bài toán khó với doanh nghiệp - Ảnh: Việt Tuấn.
Mặc dù giữ vị trí chủ động nhưng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang quá “thiệt thòi” trong tuyển dụng và giữ chân lao động.

Không phải ngẫu nhiên mà kết quả của một điều tra gần đây về nhân sự trong doanh nghiệp đã cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đều dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác nhân sự.

Tại một cuộc khảo sát của Navigos, tập đoàn nhân sự lớn nhất Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp được hỏi đều cho biết họ tăng chi cho hoạt động nhân sự trong năm 2010, trong đó mức tăng cao nhất được tiết lộ là 120%.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Ngọc Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, thuộc Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, mặc dù doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng đến nguồn nhân lực song thực tế chất lượng nguồn nhân lực cũng như quan hệ lao động vẫn chưa phát triển.

Bằng chứng là quan hệ lao động có xu hướng ngày càng căng thẳng khi mà số vụ đình công gia tăng nhanh chóng trong các năm gần đây. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2010, số cuộc đình công đã xấp xỉ cả năm 2009. Thực tế, tại không ít doanh nghiệp lao động đã quyết định rời bỏ công việc vì không được coi trọng và đối đãi không hợp lý.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Thực trạng và những giải pháp về nhân sự trong Doanh nghiệp" do Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức gần đây, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp cần xem lại chính sách lao động khi xảy ra tình trạng số đông lao động rời bỏ công ty.

"Biến động nhân sự là chuyện bình thường ở tất cả các doanh nghiệp nhưng nếu có quá đông nhân viên nghỉ việc thì đó là lỗi của chủ sử dụng", ông Tư nói.

Cũng tại buổi tọa đàm nói trên, đại diện nhiều doanh nghiệp đã khẳng định việc lao động rời bỏ công ty đang diễn ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người đứng đầu một số doanh nghiệp lại cho rằng nguyên nhân của thực trạng này lỗi một phần do Nhà nước quá “bao bọc” người lao động.

Ông Đào Trọng Cường, Tổng giám đốc Công ty đá quý nữ trang Thần Châu Ngọc Việt cho rằng, đang có một thực tế hết sức bất công, doanh nghiệp sa thải lao động nếu không đúng luật sẽ bị lao động kiện nhưng lao động nghỉ việc trái luật thì rất khó để doanh nghiệp đòi quyền lợi. Doanh nghiệp đi kiện lao động chẳng khác gì “con kiến đi kiện củ khoai”.

“Ở công ty tôi có hai thợ kim hoàn vào vừa học vừa làm với một bản hợp đồng lao động rất rõ ràng. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc và học hỏi kinh nghiệm, dù chưa hết hợp đồng, lấy lý do bố ốm, lao động xin nghỉ việc về quê và bỏ việc luôn”, ông Cường chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA cho rằng, Luật Lao động hiện chưa cân bằng giữa người lao động và sử dụng lao động, vẫn còn nhiều điều bất hợp lý. Nếu dựa vào luật thì doanh nghiệp phải chịu thiệt quá nhiều. Vì thế, để hạn chế về biến động nhân sự, doanh nghiệp đều phải tự xoay xở lấy mà không có luật nào bảo vệ họ.

Trao đổi với VnEconomy xung quanh những vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc, một lãnh đạo Bộ Lao động  Thương binh và Xã hội cho rằng, không nên nhìn vấn đề dưới góc độ chỉ biết mình. Doanh nghiệp “kêu” thiệt là khi họ nhìn vấn đề dưới góc độ quyền lợi của doanh nghiệp nhưng xét cho cùng người lao động vẫn là nhóm yếu thế hơn.

“Thực tế, với cơ chế thị trường, đúng ra thì lao động và doanh nghiệp tự thỏa thuận mức thu nhập, tuy nhiên, hiện vấn đề này rất khó thực hiện, có mấy lao động vào làm việc ở một doanh nghiệp mà “có quyền” thỏa thuận thu nhập với chủ sử dụng đâu”, vị quan chức này nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Tư, doanh nghiệp đang quá “độc quyền” về nhiều chính sách cho lao động. Ngoài chuyện lương bổng, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều tự thành lập và lãnh đạo tổ chức công đoàn.

Vì thế, theo ông Tư, thay vì nghĩ là mình “thiệt”, doanh nghiệp cần có sự hợp tác và chia sẻ với người lao động về lợi ích, đặc biệt là sự  ủng hộ sự ra đời của công đoàn, ban chấp hành công đoàn đúng nghĩa, thực sự là của người lao động.

Các chủ doanh nghiệp rất khó có thể nghe được thông tin từ phía người lao động nếu ban chấp hành công đoàn không phải là những người lao động. Phải để người lao động tự lựa chọn ra người làm đại diện cho mình, chỉ như vậy, mới có lực lượng nhân sự gắn bó với doanh nghiệp.