10:06 08/05/2009

Giải bài toán thiếu mía nguyên liệu, cách nào?

Chu Khôi

Niên vụ vừa qua, sản xuất mía giảm sút nghiêm trọng cả về diện tích, năng suất và sản lượng

Năng suất mía ở nước ta kém xa so với các nước trong khu vực.
Năng suất mía ở nước ta kém xa so với các nước trong khu vực.
Ngày 7/5 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Khoa học công nghệ để phát triển ngành mía đường và tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2008- 2009.

Vụ vừa qua, sản xuất mía giảm sút nghiêm trọng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, tỷ lệ phát huy công suất bình quân của các nhà máy đường chỉ đạt 60,7% so với thiết kế, giảm công suất 83,3% so với vụ trước. Nguyên nhân là do thiếu mía nguyên liệu.

Cách nào tăng năng suất?

Để duy trì và thúc đẩy tăng sản lượng mía nguyên liệu, từ nhiều năm nay, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônđã xác định được 4 nhân tố quan trọng: giống mía, phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu, cơ giới hoá canh tác.

Cục Trồng trọt và Vụ Khoa học công nghệ đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học nhằm nâng cao năng suất mía. Song đến năm 2008, năng suất mía bình quân mới chỉ đạt 58 tấn/ha, chỉ tăng được hơn 6 tấn/ha so với năm 1999.

Năng suất mía ở nước ta không chỉ thấp so với mặt bằng chung trên thế giới, mà còn kém xa so với các nước trong khu vực: Theo số liệu của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp được tính toán và báo cáo vào tháng 11/2008 (đầu vụ thu hoạch mía), sản lượng mía bình quân năm 2009 sẽ đạt 59 tấn/ha. Nhưng tổng kết vụ mía vừa qua cho thấy năng suất bình quân chỉ đạt 50 tấn/ha, thấp hơn cả trước đó 10 năm (năng suất năm 1999 đạt 51,6 tấn/ha).

Rất nhiều dự án, đề tài giống mía cấp nhà nước, cấp bộ đã được triển khai trong những năm qua, kết quả là nhiều giống mía mới có năng suất cao đã được nghiệm thu và nhân rộng ra sản xuất. Song đến nay, trên 60% diện tích canh tác mía vẫn trồng những giống cũ năng suất thấp, đã từng được trồng từ những năm 1980.

Lý giải nguyên nhân, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển mía đường cho biết, trong số 39 giống mía mới đã được công nhận ở nước ta, hầu hết khi đưa ra trồng đại trà sau một thời gian đã xảy ra hiện tượng thoái hoá, năng suất và chất lượng đều giảm. Nhiều nhà máy đường đã nhập các giống mía cao sản từ nước ngoài về cung cấp cho bà con nông dân, nhưng khi trồng lại phát sinh rất nhiều bệnh mới: trắng lá, trổ cờ sớm, bệnh than, rệp hại và đặc biệt là bệnh chồi cỏ mía.

Bất cập từ sản xuất đến thu hoạch

Nhằm thúc đẩy cơ giới hoá trồng mía, các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu thành công nhiều loại máy móc phục vụ nghề này: các loại máy làm đất, máy làm cỏ, máy bón phân, máy chặt mía rải hàng, máy liên hợp thu hoạch mía.

Mặc dù vậy, do các doanh nghiệp chế biến đường ít đầu tư vào lĩnh vực cơ giới, nông dân trồng mía thì thiếu vốn mua máy móc, nên cơ giới hoá nghề trồng mía mới chỉ chủ yếu ở khâu làm đất. Diện tích mía được đầu tư đầy đủ và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật còn rất thấp, đây chính là nguyên nhân khiến năng suất mía ở nước ta chỉ mới đạt 69%-80% so với trung bình của thế giới.

Vụ Khoa học công nghệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chất lượng mía của Việt Nam không phải là thấp so với các nước trong khu vực như phàn nàn của các nhà máy đường. Hầu hết mía chín đều đạt chữ đường 12-13,5 CCS. Nhưng chất lượng mía đưa vào sản xuất công nghiệp giảm thấp, chữ đường bình quân chưa tới 10CCS. Nguyên nhân chính là bởi tổ chức sản xuất đường và thu hoạch mía còn nhiều bất cập. Thời vụ sản xuất thường không hợp lý, nhiều nhà máy ép cả mía non và mía già.  

Tình trạng nguyên liệu như thế, đã gây tổn thất hàm lượng đường do ngấm các tạp chất, khiến chi phí nấu luyện bị tăng cao. Tổ chức thu hoạch, vận chuyển chưa hợp lý, nhiều nơi mía được thu hoạch để 5-7 ngày mới đưa vào ép, có nơi để mía trên 10 ngày.

Theo tổng kết của các chuyển gia sản xuất đường, mía thu hoạch xong nếu để 7 ngày mới đưa vào ép, chữ đường sẽ bị giảm 2 CCS. Trong sản xuất, để tăng hiệu suất thu hồi thêm 1% hàm lượng đường là vô cùng khó khăn, đòi hỏi đầu tư công nghệ khá lớn. Những bất cập trong thu hoạch mía đã gây tổn thất cho ngành đường tới 20% giá thành.

Tổn thất còn thể hiện ở tình trạng mất cân bằng trong dây chuyền sản xuất, gồm cả mất cân bằng về hơi, điện, nước và mất cân bằng do thiếu nguyên liệu cục bộ. Công nghệ chế biến kém sẽ khiến tăng lượng đường bốc hơi theo nước khi chế luyện; tỷ lệ đường tồn dư cao trong mật rỉ, bã mía; chi phí nhiên liệu, nhân lực cho chế luyện lớn.

Để ngành mía đường Việt Nam phát triển ổn định, vấn đề sống còn là phải ổn định được nguồn cung cấp mía nguyên liệu.