Giải quyết bất cập về bình đẳng giới trong luật như thế nào?
Vẫn còn tồn tại những bất cập về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2012
Thách thức về bình đẳng giới trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 là vấn đề mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang quan tâm giải quyết. Để rộng đường tham vấn ý kiến từ các tổ chức, cá nhân, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay?
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới. Hiến pháp năm 1946 của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Kế thừa Hiến pháp 1946, các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật tiếp theo đã quy định ngày càng đậm nét về bình đẳng giới.
Năm 2006, Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng giới, quy định các nguyên tắc, nội dung thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tăng cường bình đẳng giới.
Bộ luật Lao động 2012 đã cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nam và nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng xã hội cùng chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020...
Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng khích lệ trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua.
Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp; khoảng cách tiền lương theo giới ở Việt Nam đều thấp hơn so với các nước đang phát triển. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 26,8%, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp ở Việt Nam đạt khoảng 26%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Hiện rất nhiều phụ nữ đang đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo cao trong Đảng và Nhà nước Việt Nam...
Bộ luật Lao động 2012 đã thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới nhưng có ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Đúng vậy, qua hơn 5 năm thực hiện, Bộ luật Lao động 2012 đã phát huy tác dụng, là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của người lao động, song cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp. Bất cập về bình đẳng giới là có quyền chưa được xác lập đầy đủ.
Ví dụ như quyền bình đẳng của lao động nam và lao động nữ trong thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính (Điều 159), quyền của người lao động tự quyết định làm các công việc có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ (Điều 160).
Có quy định chưa thật hợp lý như quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và Nhà nước trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động, dẫn đến tính khả thi của luật không cao, quyền lợi của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động chưa được tính đến đầy đủ...
Vấn đề chênh lệch tuổi nghỉ hưu nam, nữ, danh mục các nghề, công việc không được sử dụng lao động nữ... đều là những vấn đề cần quan tâm. Chế định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc chưa được quy định rõ nét trong luật. Cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc để thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh, đảm bảo tính khả thi cao.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ làm gì để giải quyết hiệu quả các bất cập đó, thưa ông?
Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định việc tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ tại nơi làm việc là nhiệm vụ quan trọng, phải tập trung hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện tốt trên thực tế. Vì thế cần giải quyết các bất cập về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2012.
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 cũng là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ sở bảo đảm quyền con người nói chung, trong đó có quyền phụ nữ. Đồng thời cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các điều luật để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà chúng ta tham gia và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, thể chế chính trị của Việt Nam. Đây còn là cơ sở để Việt Nam tiếp tục tham gia các FTA với các đối tác khác.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tập trung nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chính sách trên nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề liên quan, trong đó có vấn đề về bình đẳng giới. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận từ "bảo vệ lao động nữ" sang cách tiếp cận "thúc đẩy bình đẳng giới" để lồng ghép vào sửa đổi luật.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mong muốn tất cả các cơ quan, tổ chức liên quan cùng vào cuộc giúp Bộ có đầy đủ cả lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm từ các nước để lực chọn đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động nhằm nội luật hóa các chuẩn mực lao động quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.