Giải quyết khiếu nại tố cáo: Đại biểu "thở dài" chuyện tai nghe mắt thấy
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đã nêu một câu chuyện điển hình về sự vô cảm
Phát biểu tại Quốc hội trong phiên thảo luận về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng 14/11, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đã nêu một điển hình về sự vô cảm.
Đó là năm 2015, ông dẫn đầu một đoàn liên ngành đến một tỉnh của phía Nam xem xét 1 vụ việc cụ thể tồn tại rất dai dẳng, lâu dài về thi hành án dân sự. Khi đó vụ án này đã có hiệu lực 14 năm, tòa án đã xử đến 4 lần và hồ sơ đầy đủ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định vụ án đã xét xử đúng pháp luật, không có căn cứ để có thể xem xét kháng nghị về mặt giải quyết. Trong hồ sơ cũng tồn tại có tới cả chục văn bản của Bộ Tư pháp, của Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp gửi chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án dân sự địa phương đề nghị sớm dứt điểm vụ án này.
Làm việc với đoàn, lý do duy nhất địa phương nêu ra, vì người phải thi hành án là một ông cụ năm đó 80 tuổi, lúc nào cũng tử thủ mấy can xăng ở trong nhà và nói nếu cưỡng chế sẽ đốt.
"Chúng tôi đã yêu cầu địa phương cho trực tiếp thực địa đến nơi có tài sản thi hành án đó và hỏi chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương, anh em đều nói thực ra nếu quyết tâm vẫn làm được", ông Pha cho biết.
Khi quay trở lại tỉnh làm việc với ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, đại biểu Pha có nêu vấn đề ra và yêu cầu sớm giải quyết, vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự có nói: kỳ này đang tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc, cho nên xin phép đồng chí để đại hội Đảng xong sẽ cho thi hành.
"Thời gian cứ thế trôi qua, Đại hội Đảng các cấp cũng xong, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng xong, đồng chí phó chủ tịch đó cũng đã lên vị trí rất cao ở tỉnh rồi nhưng bản án vẫn không thi hành. Tôi nhớ đến cuối năm 2016 khi tôi chuyển công tác khác vẫn như vậy thôi", ông Pha "thở dài".
"Thực sự nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế", ông Pha nhấn mạnh.
Theo đại biểu Pha thì những tồn tại, hạn chế của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua nguyên nhân không chỉ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan Trung ương mà có trách nhiệm rất lớn của chính quyền một số địa phương. Vì thế, đại biểu đề nghị trong văn bản của Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện cần có kiến nghị đậm nét về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cũng liên quan đến trách nhiệm của địa phương, mà cụ thể từ khâu tiếp dân, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu những điều tai nghe mắt thấy.
"Cá nhân tôi đã đi một số nơi tiếp xúc với các vụ việc, tiếp xúc với các nhóm cử tri thì người ta không bằng lòng về cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ, có những trường hợp đuổi cả dân. Và đặc biệt tôi nhận được lá đơn của cử tri phản ánh: có đồng chí chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút, họ mô tả là nói câu gì, làm động tác gì, cuối cùng họ kết luận là đồng chí đó đi nhậu với một đám khác và người ta đến tận chỗ nhậu đó nhưng họ không chụp ảnh, nếu chụp ảnh đó về đưa lên trung ương thì chúng ta rất khó chấp nhận", đại biểu Nhưỡng kể.
Nhấn lại vị chủ tịch tỉnh chỉ dành 9 phút với một việc mà mấy năm trời người dân theo đuổi, đại biểu Nhưỡng "đề nghị các đồng chí lãnh đạo trên tỉnh hết sức cảnh giác với các báo cáo của anh em cấp huyện, cấp xã. Bên dưới đã có nhiều trường hợp cấp xã báo cáo lên huyện sai, huyện lại tiếp tục báo cáo lên tỉnh sai, khi trung ương vào cuộc phát hiện ra sai".
Tiếp công dân, như các đại biểu đã nói rồi, đó là thái độ, vị trí, cách thức làm sao để cho dân vào đó không choáng ngợp, sợ mà xem như nhà của mình, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phát biểu.
Đại biểu Việt cũng nhấn mạnh việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, bởi đơn, thư của công dân gửi bao giờ cũng gửi cho người đứng đầu, ít nhất vị này cũng phải đọc đơn từ đầu đến cuối thì mới có những quyết định, chỉ đạo bộ phận tham mưu giải quyết.