15:49 22/03/2023

Giám sát chương trình đổi mới giáo dục phổ thông: Kiến nghị thiết thực

Đỗ Như

Bà Tô Ái Vang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên...

Quang cảnh buổ i làm việc.
Quang cảnh buổ i làm việc.

Chiều 21/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn giám sát.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; đại biểu Quốc hội và lãnh đạo UBND, các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng.

NHIỀU KIẾN NGHỊ THIẾT THỰC

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thông tin về một số vấn đề sau quá trình giám sát. Theo đó, đoàn giám sát ghi nhận sự quan tâm của địa phương với ngành Giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất; công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quyết liệt, việc giảng dạy được thực hiện nghiêm túc.

Mục tiêu, yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa bước đầu đã đạt được, đội ngũ giáo viên sẵn sàng trong triển khai chương trình; học sinh hào hứng học tập. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp tỉnh triển khai đúng yêu cầu. Xã hội hóa giáo dục được quan tâm, thu hút nguồn lực phát triển mạng lưới trường tư thục, đầu tư trang thiết bị dạy học trong nhà trường.

Đoàn giám sát chỉ ra một số khó khăn khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông ở Sóc Trăng như một bộ phận giáo viên còn lúng tún; triển khai chương trình mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn do hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, học sinh dân tộc chưa thành thạo tiếng Việt; thiếu giáo viên dạy các môn học mới, dạy tiếng Khmer; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Bà Tô Ái Vang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tiếp tục nghiên cứu và có sự điều chỉnh về chương trình dạy bộ môn Khoa học Tự nhiên liên tục, đảm bảo việc tiếp thu kiến thức của học sinh liền mạch. Cần sớm đào tạo giáo viên dạy bộ môn Khoa học Tự nhiên đáp ứng lộ trình đổi mới.

UBND tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên cho những vị trí còn thiếu, đặc biệt là giáo viên dạy môn Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ ở bậc Tiểu học; giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý đối với cấp THCS.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định rằng Sóc Trăng là một phần giáo dục của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều khó khăn, thử thách trong phát triển giáo dục, khi tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%.

Bộ trưởng kiến nghị đoàn giám sát khi đánh giá triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần nhìn nhận ở trạng thái “động”, trạng thái bắt đầu, đang vận hành để có đánh giá phù hợp, nhất là các vấn đề chính sách.

Theo Bộ trưởng, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần tích cực đánh giá, kiểm tra việc thực hiện. Tỉnh cũng cần lưu ý những thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình mới, phát huy tính nền nếp trong đầu tư, chăm lo cho giáo dục.

Lãnh đạo tỉnh quan tâm chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt thời điểm 2023-2024 rất quan trọng trong đầu tư cơ sở vật chất, do đó cần có giải pháp kịp thời.

Về đội ngũ nhà giáo, cần có kế hoạch tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là kế hoạch triển khai cho các môn mới. Công tác tập huấn cần liên tục, thường xuyên cho đội ngũ. Quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp cần tiếp tục hoàn thiện. Tỉnh cũng cần quan tâm chính sách hỗ trợ nhà giáo, dành quỹ đất phát triển cơ sở giáo dục công lập và tư thục.

Với báo cáo giám sát của tỉnh gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng lưu ý cần bám sát thực tiễn, nêu bật tình hình, khách quan, phản ánh đầy đủ các vướng mắc, tồn tại, khó khăn.

Chia sẻ quan điểm “đổi mới là một quá trình”, Bộ trưởng cho rằng, không quá nóng vội, cũng không quá cứng nhắc, cần tuyên truyền, giải thích, tập huấn cho phụ huynh với hình thức phù hợp để họ hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng quá trình triển khai.

MỨC ĐỘ ĐỔI MỚI PHỤ THUỘC VÀO THẦY CÔ GIÁO

Trước đó, trong sáng 21/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát đã làm việc tại Trường THPT dân tộc nội trú Huỳnh Cương (tỉnh Sóc Trăng).

Theo lãnh đạo nhà trường, bên cạnh những thuận lợi, trường vẫn còn những khó khăn. Giáo viên đã quen với Chương trình 2006, vì vậy việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học còn khó khăn trong phương pháp giảng dạy.

Học sinh đang học Chương trình 2006 ở cấp THCS chuyển sang THPT học chương trình GDPT năm 2018 nên còn nhiều bất cập cả về kiến thức, phương pháp học và kiểm tra đánh giá. Đặc biệt là học sinh chưa được chú trọng rèn luyện phát triển các loại năng lực như trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đang định hướng.

Cô Trần Thị Dung - Tổ trưởng bộ môn khoa học xã hội cho biết: Bản thân cô có nhiều thay đổi, nhất là phương pháp kỹ năng giảng dạy, soạn giảng và nội dung bài học có nhiều cái mới hơn.

"Đặc biệt hơn là tiếp thu nhiều cái mới khi tham gia thực hiện chương trình mới, bản thân mình phải tham khảo nhiều tài liệu, đọc sách giáo khoa và tìm các tài liệu mới. Luôn cập nhật thông tin mới và kỹ năng để làm sao để phát triển năng lực của mình", cô Dung bày tỏ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ, lãnh đạo, giáo viên Trường THPT dân tộc nội trú Huỳnh Cương trong thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định: "Mức độ của đổi mới đang lệ thuộc các thầy cô, thầy cô đổi mới được đến đâu, sự nghiệp đổi mới dừng đến đó".