14:41 20/02/2023

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018: “Học qua làm”

Đỗ Như

Ngày 20/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên quan đến phương pháp dạy học, sách giáo khoa, vai trò của giáo viên…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu quan điểm dạy học trước đây là định hướng nội dung, dạy học theo mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học.

Theo đó, đổi mới toàn bộ và đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội…

HỌC SINH TỰ LỰC CHIẾM LĨNH KIẾN THỨC

Bên cạnh 14 nội dung giáo dục và và 23 môn học, hoạt động giáo dục thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm nội dung mới là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục địa phương.

- Cấp tiểu học có 10 môn học bắt buộc gồm (Tiếng Việt, Toán,  Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật); 01 Hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm) ngoài ra còn có môn học tự chọn. Thời lượng giáo dục 35 tuần/1 năm học và 25-30 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 35 phút.

- Cấp THCS có 10 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán,  Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật); 01 Hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); Nội dung giáo dục của địa phương; ngoài ra còn có môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 35 tuần/1 năm học và 29-29,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.

- Cấp THPT có 06 môn học bắt buộc (Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử), 09 môn học lựa chọn (Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật); 01 Hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); Nội dung giáo dục của địa phương; ngoài ra còn có môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 28,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.

Về phương pháp dạy học, học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất với phương châm “học qua làm”.

Còn sách giáo khoa thay vì là “nguồn kiến thức” thì nay đóng vai trò là “học liệu” để tổ chức hoạt động day học, mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Một chương trình, nhiều sách giáo khoa là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học “phát triển năng lực”.

Chương trình “mở” (chỉ quy định số tiết/năm học) đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.

Có một số môn học mới đòi hỏi giáo viên (có năng lực chuyên môn phù hợp) tham gia dạy học; có một số nội dung giáo dục mới trong môn học đòi hỏi giáo viên phải cập nhật…

Từ đó, vai trò của người thầy cũng chuyển từ vị trí “người dạy” sang vị trí “người tổ chức kiểm tra, định hướng” hoạt động học của học sinh.

Đối với học sinh, ngoài học theo nội dung, yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia vào các hoạt động để vận dụng kiến thức và thực tiễn. Với cấp THPT, học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình giáo dục chia ra 2 giai đoạn sẽ định hướng và cho phép học sinh lựa chọn nghề nghiệp ngay từ những năm học ở cấp THCS.

Để đáp ứng tốt mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục: phát triển quy mô trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhất là yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ theo yêu cầu thực hiện chương trình mới...

Chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo (theo Quyết định 732) đủ về số lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu mới, nhất là bảo đảm đủ giáo viên để dạy các môn học mới ở Tiểu học (Ngoại ngữ, Tin học); THCS (Khoa học tự nhiên, cách bố trí giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương…

Kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường cần được tăng cường để bảo đảm điều kiện thực hiện đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình: kinh phí sửa chữa dụng cụ thí nghiệm, nguyên vật liệu tiêu hao dành cho thí nghiệm theo chương trình và các hoạt động trải nghiệm của học sinh theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học…

CẦN CHÚ TRỌNG VỀ PHƯƠNG PHÁP, CÁCH THỨC THỰC HIỆN

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động rất lớn đối với cả thế hệ học sinh và sự phát triển của đất nước, đòi hỏi có thời gian mới thấy hết được hiệu quả.

Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện phải đặc biệt coi trọng nhận thức đúng và đầy đủ về nội dung, phương pháp dạy học và các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình mới.

Thứ hai là phải bám sát tình hình thực tế, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời; đặc biệt chú trọng công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn điều hành…

Thứ ba là việc triển khai chương trình mới cần đặc biệt chú trọng về phương pháp, cách thức thực hiện đúng định hướng đổi mới; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ nội dung giáo dục, thực hiện đúng yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu cần đạt đổi với từng nội dung giáo dục theo chương trình; bảo đảm việc dạy học và kiểm tra, đánh giá đối với mỗi nôi dung giáo dục đều được thực hiện đúng theo yêu cầu vì sự tiến bộ của học sinh, tạo cơ hội cho học sinh phát triển phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình.

Thứ tư, việc triển khai thực hiện chương trình cần phải bảo đảm sự phù hợp với địa phương, cơ sở giáo dục (Luật Giáo dục 2019 (Điều 31) quy định, Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm yêu cầu thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông).

Thứ năm là việc tổ chức thực hiện cần phải được thực hiện đúng hướng, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ sáu là trong quá trình triển khai thực hiện, thực hiện theo quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mở, coi trọng việc rà soát, điều chỉnh về phương pháp, cách thức thực hiện chương trình; đồng thời tiếp tục phát triển chương trình để bảo đảm phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.