08:52 28/10/2009

Gói kích cầu thứ hai còn để ngỏ

Minh Đức

Trên diễn đàn Quốc hội, vẫn còn những quan điểm khác nhau về hướng triển khai gói kích cầu thứ hai hay không

Có không nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội ủng hộ Chính phủ đưa ra gói kích cầu thứ hai, bên cạnh việc kéo dài gói hỗ trợ ngắn hạn đến hết quý 1/2010.
Có không nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội ủng hộ Chính phủ đưa ra gói kích cầu thứ hai, bên cạnh việc kéo dài gói hỗ trợ ngắn hạn đến hết quý 1/2010.
Trên diễn đàn Quốc hội, vẫn còn những quan điểm khác nhau về hướng triển khai gói kích cầu thứ hai hay không.

Cuối tuần qua và đầu tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư chứng khoán là “tiến độ” xem xét khả năng thông qua hay không gói kích cầu thứ hai. Đây cũng là mong đợi có ở nhiều doanh nghiệp. Và dự kiến ngày 29/10 này Chính phủ cũng sẽ có một cuộc họp bàn cụ thể.

Trên diễn đàn Quốc hội, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 27/10, có nhiều quan điểm khác nhau về sự chờ đợi trên.

Gói kích cầu đã hoàn thành sứ mệnh?

21/35 đại biểu đăng ký được đưa ra quan điểm của mình tại phiên thảo luận. Hầu hết đều đánh giá cao giá trị và hiệu quả mà gói kích cầu đã mang lại trong thời gian qua. Với những giá trị và hiệu quả đó, theo ý kiến một số đại biểu, gói kích cầu đã hoàn thành sứ mệnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng: “Đến giờ này chúng ta thấy gói kích cầu đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là chúng ta nên kết thúc, theo như kế hoạch chúng ta đề ra là 31/12/2009”.

Ngắn gọn, ông Nguyễn Bá Thanh (đại biểu Đà Nẵng), đề xuất cuối phát biểu của mình: “Dừng ngay và không triển khai gói kích cầu thứ hai”.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) cũng khuyến nghị nên “thôi” chủ trương hỗ trợ cho vay ngắn hạn; chỉ giữ lại cho vay hỗ trợ lãi suất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung hỗ trợ lãi suất vay trung và dài hạn để khuyến khích đổi mới về công nghệ đào tạo về nhân lực… Thực tế mà đại biểu này đưa ra là chính sách hỗ trợ lãi suất tác động khu vực nông nghiệp, nông thôn không được bao nhiêu. Dẫn chứng là đến tháng 8/2009, dư nợ hỗ trợ lãi suất cho khu vực này theo Quyết định 497 chỉ có 0,2%.

Cùng quan điểm trên, bà Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị chỉ nên thực hiện gói kích cầu “số 1” ở mức độ và thời gian như đã được Quốc hội thông qua. Thay vào đó, Chính phủ cần có chương trình, cơ chế trung và dài hạn để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sắp xếp trật tự ưu tiên để kích thích ưu đãi phù hợp.

Tuy không đưa ra quan điểm cụ thể nhưng một số đại biểu bày tỏ quan ngại về thực tế triển khai chính sách kích cầu thời gian qua với những khả năng có bất cập, tiêu cực. Yêu cầu đặt ra là cần nhìn nhận đúng những hạn chế này trước khi tính đến gói kích cầu tiếp theo.

Khẳng định giá trị tích cực của chính sách kích cầu, nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng những mặt trái của nó cũng không ít. “Dường như gói kích thích kinh tế của chúng ta mới tập trung chủ yếu vào kích cung chứ không hoàn toàn vào kích cầu. Trong hơn 400.000 doanh nghiệp chỉ có khoảng 20% được hỗ trợ. Cùng một môi trường kinh doanh và người được hỗ trợ, người không là thiếu bình đẳng. Khu vực nông nghiệp, nông dân được hưởng từ chính sách này chưa xứng đáng, quá ít, do vậy không tạo được sự chuyển biến như mong muốn”, đại biểu này đánh giá.

Và một lần nữa hiện tượng đảo nợ, vay tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác để lấy chênh lệch lãi suất lại được đề cập, được yêu cầu kiểm tra cụ thể. Còn theo kết quả kiểm tra ban đầu của Ngân hàng Nhà nước thì chưa phát hiện thấy trường hợp đảo nợ hay những sai phạm nghiêm trọng, lợi dụng chính sách để trục lợi.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng (đại biểu tỉnh Tây Ninh) lưu ý đến những trường hợp thiếu công bằng trong triển khai, khi ngân hàng ưu tiên vốn cho khách hàng truyền thống, có quan hệ. Tỷ lệ 0,2% dư nợ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn một lần nữa được dẫn chứng, để có có kết luận từ đại biểu này, rằng: “Tuyệt đại đa số dân cư sống ở nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước”.

Về quan điểm trên, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu lưu ý rằng trên thực tế cần xét đến những tình huống là nhu cầu vay của doanh nghiệp và các đối tượng loại trừ. “Nếu doanh nghiệp người ta có vốn thì đầu cần vay ngân hàng. Đâu phải doanh nghiệp nào cũng cần vay vốn. Trong Quyết định 131, cái gốc hình thành chính sách này, có 13 nhóm đối tượng mình cũng đâu có hỗ trợ…”, Thống đốc nói.

Mặt khác, điểm mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là cần nắm rõ các chính sách hỗ trợ và phân vùng đối tượng cụ thể.

“Tha thiết đề nghị ủng hộ gói kích cầu thứ hai”

Ông Nguyễn Văn Thời, đại biểu tỉnh Thái Nguyên và cũng là một tiếng nói từ đại diện doanh nghiệp, là một trong số ít ý kiến kiến nghị Quốc hội ủng hộ Chính phủ đưa ra gói kích cầu thứ hai, bên cạnh việc kéo dài gói hỗ trợ ngắn hạn đến hết quý 1/2010.

“Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nên ủng hộ để Chính phủ đưa ra gói kích cầu thứ hai. Gói kích cầu thứ hai nên tập trung vào dài hạn và giúp cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”, ông Thời nói.

Đại biểu này cũng “lưu ý” rằng: “Nếu không được sự giúp đỡ của Chính phủ thì sản phẩm của doanh nghiệp khó mà cạnh tranh được, các chỉ tiêu của chúng ta khó mà thực hiện được. Khi không thực hiện được thì đến kỳ họp tháng 5 năm tới chúng ta lại ngồi kiểm điểm và lúc đó lại nói Chính phủ đưa ra những dự đoán, dự báo không chính xác, cho nên chúng ta không đạt được những chỉ tiêu đó”.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (tỉnh Bình Dương) đưa ra một nhận định đáng chú ý: “Nếu bây giờ ta ngưng hỗ trợ cho vay và thu hồi vốn thì chẳng những thuốc không còn công hiệu, mà còn có thể phản tác dụng, tạo hệ quả xấu về mặt xã hội”.

Tuy nhiên, hướng mà ông Đáng đưa ra là tiếp tục hỗ trợ cho vay ngắn hạn nhưng có chọn lọc đối tượng, chỉ nên ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có nhiều lao động, các doanh nghiệp thuộc khối ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, ngành nông nghiệp chế biến và hoạt động khoa học công nghệ.

Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn, nhưng nên làm rõ vì sao trong thời gian qua nguốn vốn vay này dư nợ quá thấp. Và thứ ba là cần tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho nông dân, nông thôn và hộ nghèo, hộ chính sách không chỉ trong năm tới mà dài hạn hơn.

Về những khả năng có tiêu cực, hạn chế trong thực hiện chính sách kích cầu, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng “là có”, nhưng không vì thế mà ý nghĩa và hiệu quả của chính sách mới và năng động này giảm đi.

Theo kế hoạch, sáng 28/10, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2009; phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Trong đó, dự kiến gói kích cầu thứ hai sẽ tiếp tục là một nội dung được đề cập tới.