Gọi xe công nghệ: Sau khuyến mại, là cắt lỗ!
"Họ sẽ khuyến mại khách hàng đến bao lâu? Chưa ai trả lời được nhưng tôi nghĩ sẽ không thể lâu được trên một khách hàng"
Bình luận việc hãng Go-Việt mới đây thực hiện thay đổi chính sách thưởng (tăng gấp 3 mức điểm để nhận tiền thưởng) và tăng giá vào những thời điểm nhất định trong ngày như Grab trước đó, lãnh đạo một công ty cùng ngành - gọi xe công nghệ - nói gọn lỏn: "Là cắt lỗ thôi".
Các công ty gọi xe công nghệ tại Việt Nam, theo ông, đến giờ vẫn lỗ, chưa có ai lãi. Sau giai đoạn đầu khuyến mại ồ ạt, thu hút tài xế, thì các công ty buộc phải cắt lỗ, giảm lỗ - vị này nói - vì chính công ty của ông cũng sẽ không thoát khỏi "quy trình" này, tất nhiên mức cắt lỗ sẽ khác với các công ty khác.
Cuốc xe càng nhiều, lỗ càng lớn
Thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2014-2018 với tốc độ tăng trưởng kép ấn tượng 36%. Giá trị thị trường này ước tính đạt 500 triệu USD vào năm 2018 (chỉ tính vận chuyển hành khách và gọi đồ ăn) và ước tính sẽ đạt quy mô 2 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng kép trong giai đoạn 2018-25 là 22%.
Cơ hội còn quá lớn như vậy nên sân chơi gọi xe công nghệ vẫn đang đón chào thêm các tân binh mới dù các doanh nghiệp hiện có vẫn đang gánh các khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Trong một báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết, hiện Grab đang thống trị thị trường trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng. Hãng gọi xe này đang nắm thị phần khoảng 92% sau khi sát nhập với Uber năm 2018. Grab hiện tại cung cấp danh sách dịch vụ gọi xe đầy đủ gồm taxi, ô tô 4 chỗ, ô tô 7 chỗ, xe máy, vận chuyển hàng nhỏ và vận chuyển thực phẩm tại 36 tỉnh thành.
Tuy nhiên, công ty này công bố doanh thu năm 2018 là 2.200 tỷ đồng cùng với khoản lỗ ròng 900 tỷ đồng.
Go-Viet (ứng dụng của Go-Jek, đối thủ chính của Grab tại Indonesia) và Be (ứng dụng do tập đoàn BeGroup của Việt Nam phát triển) đã ngay lập tức nhảy vào cuộc đua lần lượt từ tháng 9 và tháng 12 năm 2018. Chỉ sau 4 tháng hoạt động, Go-Viet đã công bố khoản lỗ ròng 550 tỷ đồng cho năm tài chính 2018.
Việc Go-Viet công bố khoản lỗ trên cũng như thực hiện chính sách tăng gấp 3 mức điểm để nhận tiền thưởng - tức tài xế phải chạy đủ 80 điểm thay vì 28 điểm như trước đây mới nhận được 240.000 đồng tiền thưởng (theo chính sách cũ, tài xé chạy được 28 điểm là đạt mức thưởng 180.000 đồng) và tăng giá vào những thời điểm nhất định trong ngày như Grab trước đây, vị lãnh đạo một hãng gọi xe công nghệ nói trên, cho rằng, điều này không có gì bất ngờ vì doanh nghiệp nào khuyến mại càng nhiều thì lỗ càng lớn, đến lúc không chịu được nữa thì buộc phải cắt lỗ, giảm lỗ.
Theo ông, ở thời điểm hiện tại chưa một hãng gọi xe công nghệ nào có lãi. Từ thực tế của công ty mình và nghiên cứu chính sách của các đối thủ, ông cho biết, hiện mỗi cuốc xe tại Việt Nam đang lỗ trung bình từ 2-3 USD, tùy chính sách khuyến mại, giảm giá của mỗi công ty.
Cho nên, theo ông, công ty nào tuyên bố có số cuốc xe càng nhiều thì cũng có nghĩa lỗ càng lớn. "Ông nào" nói đã có 10 triệu cuốc xe tức là đang lỗ 30 triệu USD. Tuy nhiên đó là điều khó tránh khỏi khi trong giai đoạn đầu xây dựng mục tiêu của các công ty đều phải tạo dựng quy mô thị trường mà không có cách nào dễ hơn là bằng khuyến mại, chính sách thưởng, chiết khấu.
Phải là cuộc chơi lâu dài
"Họ sẽ khuyến mại khách hàng đến bao lâu? Chưa ai trả lời được nhưng tôi nghĩ sẽ không thể lâu được trên một khách hàng", ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) - một doanh nghiệp Nhà nước và cũng mới "tham chiến" vào lĩnh vực gọi xe công nghệ - nhận xét. Theo ông Hưng, nhiều doanh nghiệp có thể khuyến mại đó rất lâu và cho nhiều khách hàng, tuy nhiên không thể nào khuyến mại mãi khi khách hàng đã tham gia vào dịch vụ.
"Đấy là điều không thể. Cuối cùng thì họ lại khai thác lại tiền người của người dùng", ông Hưng nói.
Thực tế đã cho thấy không phải công ty nào cũng có thể chịu đựng được những khoản lỗ và thực tế đã có nhiều cái tên phải rời bỏ thị trường. Còn lại một số công ty (đều đang lỗ) khi có được một quy mô nhất định sẽ thực hiện mở rộng ra các giá trị, dịch vụ gia tăng khác, và đây mới là nguồn thu để có thể bù đắp lỗ và tiến tới có lãi.
Một số hãng gọi xe công nghệ đang mở rộng hoạt động tới lĩnh vực dịch vụ tài chính online và thậm chí là chuyển phát nhanh. Điển hình như Go-Jek và Grab đã tích hợp các giải pháp thanh toán điện tử vào trong ứng dụng của mình với tên gọi là GoPay và GrabPay.
Các doanh nghiệp này tuyên bố sẽ cung cấp nhiều dịch vụ tài chính online bao gồm chuyển tiền, cho vay cá nhân, các sản phẩm đầu tư và cả dịch vụ bảo hiểm. Grab thậm chí tuyên bố tham vọng lấn sân sang lĩnh vực chuyển phát nhanh truyền thống khi mới đây đã đầu tư vào một doanh nghiệp start-up đang hoạt động ở Việt Nam là NinjaVan.
CEO của một hãng gọi xe công nghệ Việt cho biết mỗi công ty tham gia vào thị trường này đều có các chiến lược khác nhau, tuy nhiên nếu công ty nào cũng chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt là khuyến mại thật lớn, chính sách thưởng cao/hấp dẫn để lôi kéo, giành giật tài xế, thì áp lực cắt lỗ, giảm lỗ càng lớn và sớm muộn cũng rơi vào nguy cơ… bỏ cuộc chơi.
Bởi, theo ông, khi khuyến mại lớn, chính sách thưởng hấp dẫn… đến khi phải "cắt lỗ" sẽ quay ra giảm khuyến mại, thắt chặt chính sách thưởng hoặc tăng chiết khấu với tài xế (tăng tỷ lệ doanh thu nộp cho hãng), trong khi một hãng khác mới ra đời có chính sách ưu việt hơn thì tài xế sẽ quay sang với hãng mới.
Chính vì thế, vị CEO này cho biết, khi doanh nghiệp của ông tham gia thị trường, mục tiêu đặt ra là 3-5 năm và nhiều hơn chứ không phải là chăm chăm vào ngắn hạn. Ông cho rằng, trong 3-5 năm đấy sẽ có rất nhiều cách để xây dựng được thị trường, xây dựng được tập khách hàng để có thể mang lại sự ổn định, có thể mở ra các dịch vụ giá trị gia tăng khác giúp cho công ty phát triển và có được các dòng thu.