10:12 09/12/2008

“Hai nỗi lo của xuất khẩu!”

Linh San

Nhận định của ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu.
Nhận định của ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Trong vòng hai tháng vừa qua, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực với việc lạm phát giảm dần và lãi suất được điều chỉnh xuống. Ông nhận xét thế nào về những chuyển biến này?

Với việc thi hành các chính sách của Chính phủ, lạm phát đã giảm. Chúng tôi tin rằng so với sự suy giảm kinh tế toàn cầu thì lạm phát không phải là vấn đề cần quan tâm chính nữa. Chính phủ đã đưa ra những quyết định đúng đắn khi cắt giảm lãi suất bởi vì điều đó là cần thiết cùng để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Trong những tháng tới đây, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm và lãi suất có thể tiếp tục giảm 2 hoặc 3% nữa. Eurocham ủng hộ hướng đi này.

Vậy khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động thế nào đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng vừa qua?

Trong vòng 11 tháng qua thâm hụt thương mại của Việt Nam tăng đáng kể là do hậu quả của việc nhập khẩu thép và ôtô. Thâm hụt thương mại trong 11 tháng là 16,8 tỷ USD và dự báo con số cả năm 2008 vào khoảng 19 tỷ USD. Xuất khẩu thời gian vừa qua vẫn tăng trưởng, nhưng hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề chính trong xuất khẩu.

Thứ nhất, là sự suy giảm trong chỉ số giá và thứ hai là sự suy giảm nhu cầu trên toàn cầu từ các đối tác thương mại chính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, may mắn là việc giải ngân của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2008 là hơn 10 tỷ USD, cộng với vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) có thể giúp Việt Nam bù đắp được khoản thâm hụt thương mại này.

Trong quý 4/2008 và năm 2009 sẽ có nhiều thách thức hơn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng và có tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, việc thu hút FDI và ODA.

Kể từ đầu năm 2009, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép nhập khẩu sản phẩm và phân phối tại Việt Nam theo cam kết WTO. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến thâm hụt thương mại của Việt Nam?

Rõ ràng là theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam đã xác định rõ việc thực hiện cam kết là mở cửa thị trường phân phối và bán lẻ từ tháng 1/2009. Do đó, việc thực hiện này sẽ có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực, tuy nhiên chúng ta không nên chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực.

Chẳng hạn, việc mở cửa thị trường bán lẻ và phân phối cho nhà phân phối nước ngoài sẽ giúp cho giá hàng hóa tiêu dùng thấp hơn, bao gồm cả giá hàng hóa sản xuất trong nước. Khi đó các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ sử dụng nhiều sản phẩm từ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác.

Việc cấp phép cho các doanh nghiệp FDI nhập khẩu trực tiếp để bán sản phẩm cũng sẽ làm giảm số lượng trung gian, làm tăng tính cạnh tranh cho thị trường trong nước.

Theo ông, triển vọng thương mại của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay chúng ta đang đối mặt không giống như bất cứ cuộc khủng hoảng nào trước đây. Do đó, thật khó để dự báo điều gì sẽ xảy ra trong trung hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, những tháng tới đây hoặc hơn thế sẽ rất khó khăn cho tất cả các nước bao gồm cả Việt Nam. Chắc chắn là Việt Nam sẽ nhận thấy tác động của cuộc khủng hoảng tới xuất khẩu và FDI.

Mặc dù vậy, EuroCham vẫn lạc quan và tin tưởng rằng trong trung hạn và dài hạn Việt Nam vẫn còn những yếu tố hấp dẫn và có thể là một trong những nước chịu ảnh hưởng ít nhất do khủng hoảng và là một trong những nước đầu tiên phục hồi sau khủng hoảng.

Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì tốc độ tăng trưởng?

Điều quan trọng là ở thời điểm này Việt Nam cần phải tiếp tục các biện pháp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm cả việc tiếp tục cải cách, khuyến khích tính hiệu quả của nguồn vốn Nhà nước cùng với sự tham gia của khu vực tư nhân và tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cũng rất cần thiết cho việc tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.