10:00 21/05/2019

Hai phương án gỡ vướng cho dự án PPP

Anh Nhi

Hiện nay không có quy định rõ ràng về các nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính, khiến nhà đầu tư không mặn mà với việc chuẩn bị dự án

Việc thực hiện theo cơ chế hiện hành sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà đầu tư do chưa thấy được sự đảm bảo từ phía Chính phủ.
Việc thực hiện theo cơ chế hiện hành sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà đầu tư do chưa thấy được sự đảm bảo từ phía Chính phủ.

Để giải quyết vướng mắc trong sử dụng vốn nhà nước cho dự án hợp tác công tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy trình riêng cho vấn đề bảo lãnh và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.

Theo quy định hiện nay, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP vẫn chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Phần vốn đầu tư công trong dự án PPP được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy trình, thủ tục của pháp luật về đầu tư công.

Tuy nhiên, theo ông Tony Foster, Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), việc chuẩn bị đề xuất dự án PPP đòi hỏi nhiều chi phí và nguồn lực. Song hiện nay không có quy định rõ ràng về các nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính, khiến nhà đầu tư không mặn mà với việc chuẩn bị dự án.

Cụ thể hơn, trong Tờ trình dự thảo Luật PPP, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận những quy định này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong công tác bố trí vốn bởi phần vốn đầu tư công trong dự án PPP thay đổi theo từng phương án tài chính, phân chia rủi ro và chỉ được xác định chính xác sau khi đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, nếu thực hiện theo cơ chế hiện hành sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà đầu tư do chưa thấy được sự đảm bảo từ phía Chính phủ..

Theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xác định mức vốn đầu tư công bố trí cho dự án ngay từ đầu giai đoạn trung hạn khi chưa tổ chức đấu thầu có thể không phù hợp. Việc bố trí vốn cho dự án sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán dần cho nhà đầu tư theo hợp đồng BLT, BTL cần trải qua nhiều giai đoạn/kế hoạch trung hạn do việc thanh toán được thực hiện kéo dài suốt vòng đời dự án, có thể lên đến 20-30 năm trong khi việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn (bao gồm lập kế hoạch vốn cho các dự án) chỉ thực hiện trong giai đoạn 5 năm. Từ đó, có thể dẫn đến lo ngại của nhà đầu tư khi không biết có được thanh toán trong giai đoạn trung hạn tiếp theo.

"Đặc biệt, cơ chế bố trí vốn hiện hành sẽ dễ dẫn đến vi phạm hợp đồng với nhà đầu tư. Trường hợp bố trí vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm tuân thủ quy trình theo pháp luật về đầu tư công thì quy trình tổng hợp, bố trí và phân bổ cho dự án PPP có độ trễ nhất định so với tiến độ giải ngân phần nhà nước tham gia trong dự án theo quy định. Điều này thể hiện sự không tôn trọng hợp đồng mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cam kết, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ của phía Nhà nước trong hợp đồng PPP, dễ dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện do lỗi của khu vực công", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Vì vậy, đặt trong bối cảnh của Việt Nam, cơ quan soạn thảo luật cho rằng phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP cần được quy định theo quy trình riêng để đẩy nhanh thu hút đầu tư theo mô hình PPP. Hai phương án quy định quy trình riêng của phần vốn này đã được đưa ra.

Ở phương án thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hình thành Quỹ phát triển dự án PPP với các chức năng bố trí vốn nhà nước và cấp bảo lãnh.

"Phương án thành lập quỹ có ưu điểm là tính linh hoạt, chủ động trong quản lý và sử dụng (bao gồm cả hoạt động huy động vốn vào và giải ngân vốn ra); tính sẵn sàng trong cam kết của Chính phủ từ nguồn vốn góp đến cơ chế bảo lãnh sẽ tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiệu quả của các quỹ hiện nay còn chưa đáp ứng được như kỳ vọng, dẫn đến còn nhiều nghi ngại về tính khả thi khi lập quỹ", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, đó là việc áp dụng cơ chế quỹ lại đang bị vướng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, Bộ đề xuất một phương án thứ hai là hình thành dòng ngân sách riêng cho PPP trong kế hoạch đầu tư công. Phương án này có ưu điểm là được đặt trong tổng thể cân đối vốn đầu tư công quốc gia, có thể tạo được sự đồng thuận từ Quốc hội; tuy nhiên, trong thực thi có thể vẫn bất cập bởi tính thiếu linh hoạt.

"Bởi đối với phương án này, Luật PPP cần có quy định riêng về cách thức lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (đối với nguồn vốn đầu tư công), kế hoạch tài chính – ngân sách (đối với nguồn vốn chi thường xuyên), thẩm định và phê duyệt nguồn vốn cho các dự án PPP", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.