Hãng xe lớn nhất của Mỹ ồ ạt sa thải công nhân, đóng cửa loạt nhà máy
Đây là đợt cải tổ lớn nhất của GM kể từ khi hãng này nộp đơn xin bảo hộ phá sản cách đây 1 thập kỷ
Tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ General Motors (GM) ngày 26/11 tuyên bố sẽ cắt giảm sản xuất các mẫu xe bán chậm và sa thải một lượng công nhân lớn tại khu vực Bắc Mỹ, trong một động thái nhằm chuẩn bị cho sự suy giảm của thị trường xe chạy xăng truyền thống và dịch chuyển theo hướng đầu tư nhiều hơn cho xe chạy điện và xe không người lái.
Theo hãng tin Reuters, đây là đợt cải tổ lớn nhất của GM kể từ khi hãng này nộp đơn xin bảo hộ phá sản cách đây 1 thập kỷ, đồng thời đánh dấu một bước ngoặt của ngành công nghiệp ôtô Bắc Mỹ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và các cuộc giải cứu của Chính phủ Mỹ đối với GM và Chrysler, các hãng xe Mỹ đã có gần 1 thập kỷ "ăn nên làm ra".
Tuy nhiên, thị trường ôtô tại Mỹ và trên thế giới đang trải qua những thay đổi lớn, với sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của xe chạy điện và xe không người lái. GM và các hãng đối thủ đang phải đầu tư ngày càng nhiều cho việc thay đổi công nghệ, cùng lúc đối mặt với những rủi ro gia tăng từ chính sách thương mại của Mỹ và việc các nhà đầu tư trở nên lưỡng lự trong việc rót vốn cho các chiến lược sản phẩm xe truyền thống.
Thực tế này đòi hỏi các hãng xe phải có sự điều chỉnh chiến lược để thích nghi.
Tuy nhiên, tuyên bố của GM đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Donald Trump, cho thấy những rủi ro chính trị mà hãng xe này phải đối mặt. Ông Trump yêu cầu GM phải tìm ra một mẫu xe mới để sản xuất ở bang Ohio, và cho biết thêm ông đã nói với Giám đốc điều hành (CEO) GM Mary Barra rằng ông không hài lòng với quyết định của bà về cắt giảm sản lượng tại một nhà máy ở bang Ohio.
Ohio chính là một bang quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 của ông Trump.
"Tôi chắc chắn là trong tương lai không xa, họ sẽ phải đưa vào một mẫu xe mới. Họ nên làm như thế", ông Trump - người liên tục thúc đẩy tạo thêm việc làm trong ngành sản xuất Mỹ kể từ khi lên cầm quyền - phát biểu.
Theo kế hoạch được bà Barra công bố ngày đầu tuần, GM sẽ đóng cửa 5 nhà máy tại Bắc Mỹ và sa thải 15.000 công nhân. Kế hoạch này sẽ giúp GM có ngân sách đầu tư vào công nghệ mới và những mảng kinh doanh mới như dịch vụ taxi không người lái.
"Ngành công nghiệp này đang thay đổi rất nhanh chóng", vị CEO nói trong một buổi họp báo. "Đây là những việc mà chúng tôi phải làm để củng cố sức mạnh cho mảng hoạt động cốt lõi của mình".
Giá cổ phiếu của GM tăng tới 7,8% sau khi kế hoạch được công bố, cho thấy phản ứng tích cực của giới đầu tư.
Tuy cắt giảm việc làm tại các nhà máy sản xuất xe truyền thống, GM đang đẩy mạnh tuyển dụng cho bộ phận xe không người lái GM Cruise. Năm ngoái, hãng này đã cam kết đến năm 2023 sẽ giới thiệu 20 mẫu xe chạy điện mới tại thị trường Bắc Mỹ và đến năm 2020 sẽ đưa 10 mẫu xe chạy điện mới tới thị trường Trung Quốc. Dịch vụ taxi không người lái dự kiến sẽ được GM "trình làng" vào năm 2019.
Song song với việc sa thải và đóng cửa nhà máy, GM cắt giảm đầu tư cố định hàng năm xuống còn 7 tỷ USD vào năm 2020, so với mức bình quân 8,5 tỷ USD trong thời gian 2017-2019.
Chi phí sản xuất đối với GM và các hãng xe khác đang ngày càng tăng, trong khi nhu cầu của thị trường đối với các mẫu xe sedan truyền thống giảm xuống. GM gần đây từng nói rằng thuế quan của chính quyền ông Trump đối với thép và nhôm nhập khẩu đã khiến hãng phải trả thêm 1 tỷ USD.
Phát biểu ngày 26/11, CEO Barra không liên hệ việc cắt giảm việc làm với chương trình thuế quan của Chính phủ Mỹ, nhưng nói rằng chi phí thương mại là một trong những trở ngại mà GM đối mặt trong quá trình ứng phó với sự thay đổi công nghệ và dịch chuyển xu hướng thị trường.
Không chỉ có sự phản đối của ông Trump, kế hoạch của GM còn vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các tổ chức công đoàn lớn ở Bắc Mỹ. Ông Trudeau cho biết đã nói chuyện với bà Barra và bày tỏ "sự thất vọng sâu sắc".