13:06 17/06/2012

Hậu chất vấn và tâm tư đại biểu Quốc hội

Nguyên Thảo

Tâm tư của đại biểu Quốc hội về những vấn đề đặt ra sau chất vấn và trả lời chất vấn ở nghị trường

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn: tại sao trong khi báo cáo của Chính phủ đều nói rõ các tập đoàn tổng công ty nhà nước đều chịu sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của các bộ, nhưng sai phạm vẫn kéo dài lại không do các bộ phát hiện?
Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn: tại sao trong khi báo cáo của Chính phủ đều nói rõ các tập đoàn tổng công ty nhà nước đều chịu sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của các bộ, nhưng sai phạm vẫn kéo dài lại không do các bộ phát hiện?
Tại sao một bộ trưởng không có quyền tiếp cận tập đoàn nhà nước để lấy thông tin, hay Chính phủ yêu cầu nhưng bộ, ngành địa phương cũng không báo cáo đúng thời hạn, rồi không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết khi quan chức có dấu hiệu phạm tội...

Một vị đại biểu liên tục ba nhiệm kỳ nay đều tham gia Quốc hội đã “đúc kết” đầy tâm trạng như thế, sau 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ trên nghị trường vừa qua.

Ông nói rằng đây chỉ là một số trong nhiều kẽ hở về mặt pháp lý đã bộc lộ qua 5 phiên chất vấn, mà cả Quốc hội và Chính phủ đều phải suy ngẫm thật sâu sắc.

Tâm tư của ông cũng gặp nỗi niềm của nhiều vị dân biểu khác, không kể có nhiều hay ít kinh nghiệm nghị trường. Bởi cho dù muốn tránh né thì cảm giác về sự “vô cảm” vẫn cứ váng vất ở rất nhiều hỏi - đáp trên nghị trường.

Nóng rừng rực, không chỉ chờ đến phiên chất vấn, chính là câu chuyện trách nhiệm liên quan đến tập đoàn nhà nước. Nhưng đến khi vị “tham mưu trưởng” cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng sai phạm ở các tập đoàn nhà nước mà điển hình là Vinashin, Vinalines thì Bộ không thể nắm được vì doanh nghiệp không báo cáo. Thậm chí người của Bộ đến “xin’ thông tin họ cũng không cho thì sự sốt ruột dường như đã đến cao trào.

Nhắc lại lời khẳng định “vô can” trong “đại sai phạm” ở Vinashin của người tiền nhiệm Bộ trưởng Vinh, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước - vẫn vô can trong tất cả các thất thoát tiếp theo khi chậm sửa các văn bản liên quan về quản lý tập đoàn? Trong khi lãnh đạo một số doanh nghiệp xài số tiền rất lớn của nhân dân như tiền túi các vị đó.

"Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết có phải chăng chỉ có Việt Nam có doanh nghiệp Nhà nước nên ta cứ cãi nhau không biết quản lý cách nào, không làm được nghị định?", đại biểu Lịch hỏi và nhấn mạnh, đây là vấn đề khiến ông cảm thấy rất bức xúc.

Đại biểu Ngô Văn Minh cũng đặt vấn đề, ba năm trước Quốc hội đã yêu cầu phải có luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh nhưng đến giờ chưa làm được thì trách nhiệm thuộc về ai?

Nhưng, đặt trong mạch tư duy, một Quốc hội như thế nào thì sẽ có một Chính phủ như thế nấy, nhà sử học Dương Trung Quốc ngay từ phiên thảo luận cách đó một tuần đã nêu vấn đề: vì sao từ nhiệm kỳ trước tại Quốc hội, đã thấy có vị đại biểu nêu lên sự cần thiết phải xây dựng luật nhằm quản lý và phát huy vốn của nhà nước, mà Quốc hội vẫn chưa tiếp thu?

"Chính phủ chậm trễ, Quốc hội không đi đến cùng, hỏi tại sao cử tri không buồn", một vị đại biểu đặt câu hỏi như tự vấn chính mình.

Vẫn liên quan đến hỏi - đáp về trách nhiệm, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đã nêu lại chất vấn về trách nhiệm bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, vì ông đã không thể yên lặng với 1,5 dòng trả lời ở văn bản của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Và, cho dù trả lời của Bộ trưởng Thăng đã gây bất ngờ cho cả nghị trường, khi từ chỗ “lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng rút kinh nghiệm là cần phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận” đến “tôi xin nhận trách nhiệm” chưa thực sự sâu sát, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng… thì đại biểu Hùng vẫn chưa thể hài lòng.

Ông nói, nhận thức là cả quá trình, nhưng như chúng ta vẫn hay nói các cháu học sinh ngồi nhầm lớp, trong trường hợp bổ nhiệm ông Dũng cũng phải thừa nhận là chọn nhầm người, ngồi nhầm ghế.

"Giả sử khi qua ngã tư có đèn xanh thì ta đi là đúng luật nhưng lúc đó có một chiếc xe tải đang phạm luật phóng nhanh vượt ẩu, nếu ta cứ vượt lên thì có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, vậy ta cứ lấy lý do là đúng quy trình mà đi bừa sao?", đại biểu Hùng trăn trở.

Bên cạnh “điểm nóng” tập đoàn, tổng công ty nhà nước, không ít vị đại biểu cũng đưa vào chất vấn của mình những thực cảnh đáng suy ngẫm.

Muốn nghe ý kiến Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nguyên nhân cơ bản và biện pháp giải quyết tình trạng đói nghèo cao và kéo dài trong dân cư ở các tái định cư xây dựng các công trình thủy điện trong phạm vi cả nước, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã dẫn lại kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số khu tái định cư ở địa phương này đã gần 40 năm vẫn còn 80 hộ nghèo và cận nghèo, hay khu khác tại Nghệ An trên 5 năm vẫn có 90% hộ nghèo…

Phó thủ tướng “hứa” sẽ báo cáo Thủ tướng để tổ chức đoàn kiểm tra về tái định cư thủy điện Hòa Bình, để có những giải pháp cụ thể chấm dứt tình trạng đói nghèo ở khu vực này.

Vậy vấn đề đặt ra là trong gần 40 năm đó, vai trò giám sát của Quốc hội ở đâu, trách nhiệm của các cơ quan liên quan thế nào, khi kỳ họp nào cũng có hàng ngàn ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội?

Chẳng phải vô cớ mà “ông nghị” Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, vì sao khi xẩy ra những vụ việc như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... chẳng thấy Quốc hội sớm vào cuộc? Và, chỉ số lòng tin của dân đối với Chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đếm, nhưng chắc chắn chưa như chúng ta mong muốn.