09:37 26/07/2007

“Hiệp hội Thương mại điện tử phải có bản sắc”

Hồng Thoan

Trò chuyện với ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại về triển vọng phát triển của Hiệp hội Thương mại điện tử

"Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, có nhiều rủi ro nên càng cần thiết có một tổ chức như Hiệp hội Thương mại điện tử."
"Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, có nhiều rủi ro nên càng cần thiết có một tổ chức như Hiệp hội Thương mại điện tử."
Ngày 24/7, Đại hội toàn thể lần thứ nhất Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã diễn ra tại Hà Nội. Hiện đã có hơn 127 cá nhân và doanh nghiệp đăng ký làm hội viên của VECOM.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Thưa Bộ trưởng, VECOM ra đời vào thời điểm này đã hợp lý chưa?

Mặc dù là nước đi sau trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua.

Số lượng doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử gia tăng mạnh, đáp ứng đủ cho quá trình trao đổi cơ bản trong nội bộ và áp dụng trong nội bộ các doanh nghiệp, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hành lang pháp lý thương mại điện tử đã được hình thành, hạ tầng kỹ thuật thương mại điện tử đang được cải thiện.

Trong năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/ TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010. Kế hoạch tổng thể này là nền tảng cho việc triển khai nhiều hoạt động liên quan đến thương mại điện tử trong giai đoạn 5 năm.

Trong Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2006 của Bộ Thương mại đã nêu rõ những nhóm giải pháp có tính chiến lược đối với doanh nghiệp sẽ được triển khai trong thời gian tới. Một trong số đó là sớm thúc đẩy hình thành các tổ chức hỗ trợ thương mại điện tử.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cần xây dựng một tổ chức đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của mình, đồng thời là nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong hoạt động kinh doanh.

Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, có nhiều rủi ro nên càng cần thiết có một tổ chức như Hiệp hội Thương mại điện tử.

Đứng trước yêu cầu và nguyện vọng này của các doanh nghiệp, Bộ Thương mại đã ủng hộ sự ra đời của VECOM. VECOM là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, phi lợi nhuận nhằm mục đích tập hợp sự đoàn kết các hội viên để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.

Xu hướng hình thành các hiệp hội kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tính hiệu quả trong hoạt động của nhiều hiệp hội không cao. Theo Bộ trưởng, VECOM phải làm gì để trở thành một hiệp hội mạnh?

Hiệp hội Thương mại điện tử có một đặc điểm khác, chúng ta cần phải căn cứ vào đặc điểm ấy để tìm ra những bản sắc riêng, tạo ra một cơ chế hoạt động của hiệp hội có hiệu quả.

Hiệp hội Thương mại điện tử rất khác với hiệp hội ngành hàng. Hiệp hội Thương mại điện tử và hiệp hội ngành hàng chỉ giống nhau về phương thức kinh doanh, chứ không phải giống nhau về ngành hàng.

Hiệp hội ngành hàng kinh doanh những sản phẩm cụ thể, còn VECOM không phải là hiệp hội tập hợp những doanh nghiệp kinh doanh cùng một loại sản phẩm mà tập hợp những doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh.

Ở đây không có sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nghiệp thành viên với nhau trong cùng hiệp hội. Đồng thời, công nghệ kinh doanh thông qua thương mại điện tử cũng khác với công nghệ kinh doanh một sản phẩm cụ thể khác.

Vì vậy, điều quan trọng là Hiệp hội phải tìm ra được bản sắc riêng để tìm ra một cơ chế hoạt động, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp nhất. Nếu không tìm ra được những đặc điểm ấy để có thể định hình hoạt động của Hiệp hội cho tốt thì hiệu quả sẽ rất kém.

Một nhà nghiên cứu đã nói khả năng của một con người, của một tổ chức chính là khả năng “cá thể hoá đối tượng”, tức là khả năng tìm ra nét độc đáo trong đối tượng mà mình quan tâm.

Đây là điều mà tôi nghĩ là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là Ban Chấp hành VECOM được bầu ra phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng để tránh tính hình thức trong hoạt động của Hiệp hội.

Chúng ta hiện có rất nhiều hiệp hội nhưng rất ít hiệp hội có sức mạnh thực sự đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, mà hoạt động phần nhiều mang tính hình thức. Khi đã mang tính hình thức thì sức sống và động lực của hiệp hội không còn.

Bộ trưởng nhận định như thế nào về triển vọng của VECOM trong tương lai?

Có thể thấy thương mại điện tử là xu thế không thể đảo ngược được hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Cuộc cách mạng thông tin với những biến đổi từng ngày đang diễn ra trên toàn cầu không cho phép bất cứ quốc gia nào có thể thờ ơ hay trông chờ nếu như không muốn bị tụt hậu lại phía sau.

Thương mại điện tử trở thành bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế thế giới và trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Khó có thể nói hết những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho nền kinh tế thế giới trong tương lai, song có một điều mà chúng ta có thể khẳng định được là thế kỷ 21 là thế kỷ của Internet và thế kỷ của doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử.

Tôi hy vọng VECOM là tập hợp những doanh nghiệp kinh doanh trong một tầm tri thức cao hơn (so với những doanh nghiệp đang ứng dụng cách thức kinh doanh truyền thống - PV), với tầm tri thức ấy có thể tìm ra được một định hướng cho hoạt động của Hiệp hội.

Thương mại điện tử ở Việt Nam mới phát triển nhưng thời gian gần đây đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân là do 2 yếu tố rất quan trọng.

Một là sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.Thứ hai là xu thế toàn cầu hoá. Tất cả hai yếu tố này tạo điều kiện cho phát triển thương mại điện tử.

Cho nên tôi cho rằng với xu thế chung của thời đại và sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam thì thương mại điện tử nói chung cũng như VECOM sẽ phát triển mạnh.