12:42 23/10/2018

Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước chưa xứng với nguồn lực

KIỀU LINH

Chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 24 trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành; 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Bình quân 3 năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,62%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015, và đạt mục tiêu đề ra tăng trên 5,5%.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Từ năm 2016 tỷ trọng trong GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt nông - lâm - thủy sản, trong khi tỷ trọng của khai khoáng giảm mạnh.

Chất lượng công tác cổ phần hoá còn hạn chế

Về kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả khá, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Một số doanh nghiệp nhà nước yếu kém trở lại hoạt động. Số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập và chính thức hoạt động. 

Song, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đang tiến triển chậm về một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng của quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, như: Chất lượng công tác cổ phần hóa còn hạn chế, chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. 

Liên quan đến cơ cấu lại đầu tư công, các dự án quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. 

Tuy nhiên, còn có một số mục tiêu khó hoàn thành, đặc biệt là mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam để đáp ứng thông lệ quốc tế tốt. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp chưa được giải quyết triệt để.

Tổng nợ trong nước so với GDP ở mức cao

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã được thực hiện thực chất hơn, lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. 

Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề khó khăn trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng như: tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng còn chưa được giải quyết dứt điểm; việc thực hiện cơ cấu lại đối với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gặp khó khăn về bổ sung vốn; tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước còn chậm. 

Tỷ lệ tín dụng cũng như tổng nợ trong nước (nợ trong nước của Chính phủ và dư nợ tín dụng) so với GDP đã ở mức cao. 

Do vậy, nếu tốc độ tăng tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng GDP,  trong trung và dài hạn sẽ có rủi ro dẫn tới mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công, nhìn chung đã đạt được những thay đổi tích cực về quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách như tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư. Bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP giảm dần qua các năm. 

Tuy nhiên, cơ cấu lại ngân sách nhà nước chưa tạo ra thay đổi mạnh mẽ về chất lượng công tác thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Chi thường xuyên vẫn bao cấp hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp; nhiều chế độ, chính sách còn trùng lặp; cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do phụ thuộc vào tốc độ đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.