10:29 09/11/2022

Hoa Kỳ gia tăng các biện pháp kiểm soát lạm phát: Thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam

Vũ Khuê

Mặc dù niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ giảm nhưng chi tiêu thực vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo dự báo, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước… Đây sẽ là thách thức với xuất khẩu Việt Nam...

Ngành gỗ hiện đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ.
Ngành gỗ hiện đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết tình hình thị trường cũng như những chính sách mà Chính phủ Hoa Kỳ đã, đang áp dụng sẽ tạo thuận lợi nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

HOA KỲ SẼ GIA TĂNG BẢO HỘ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Cập nhật về các chính sách của Hoa Kỳ, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin, tại báo cáo Beige Book phát hành ngày 19/10, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đưa ra nhận xét thận trọng, cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng nhẹ cho đến đầu tháng 10, các hoạt động chậm lại làm gia tăng lo ngại suy thoái trong bối cảnh có một số dấu hiệu áp lực lạm phát giảm bớt.

Theo báo cáo, tại một số khu vực trên toàn quốc, nhu cầu lao động giảm, một số doanh nghiệp do dự bổ sung biên chế trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đó, các quan chức Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cảnh báo, việc chiến đấu với lạm phát có thể sẽ gây ra một số khó khăn, bao gồm cả tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Và việc nâng cao năng lực sản xuất tại Mỹ là một ưu tiên của chính quyền Biden.

Theo số liệu thống kê của Cục thống kê Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 8 tháng năm 2022 đạt 1.379 tỷ USD, nhưng nhập khẩu là 2.204 tỷ USD, thâm hụt cán cân thương mại lên tới 825 tỷ USD.

 

Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đạt khoảng 96,2 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 (chiếm 17,2 % tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước là 558 tỷ USD). Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 85,1 tỷ USD tăng 23,7%.

Dự báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu... Điều này khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp khó hơn.

Nhìn lại quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, dù còn nhiều khó khăn từ do đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại”, ông Hưng nhận định.

Điển hình, gần đây các sản phẩm mật ong, gỗ dán cứng, tủ gỗ, thép ống... của Việt Nam bị áp dụng hình thức điều tra mới gắn với vấn đề an ninh quốc gia và thương mại trên cơ sở vận dụng nhiều đạo luật (mới nhất là Đạo luật thương mại 1975 – 301…).

CHỦ ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Để tận dụng cơ hội và xuất khẩu bền vững, ông Hưng cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ; nâng cao năng suất lao động; tích cực tham gia chuỗi sảng xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, thực thi đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng Hoa Kỳ, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường, xuất xứ hàng hoá… Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan liên quan để cung cấp tài liệu giải trình và lập luận trước việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng trong diện điều tra.

Trong bối cảnh ngành gỗ hiện đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại, ông Hưng đề xuất, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tổ chức phiên họp lần thứ 02 của Nhóm công tác về gỗ vào tháng 11/2022 tại Hà Nội.

Tiếp tục vận động và làm việc với phía Hoa Kỳ mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam (ngoài 7 loại hoa quả tươi hiện nay).

 

Doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép...

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York chia sẻ, xu hướng tiêu dùng của thị trường New York trong điều kiện bình thường mới hiện nay là họ quan tâm hơn về giá cả, mua sắm trực tuyến nhiều hơn, quan tâm hơn đến vệ sinh, phòng dịch.

Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần thiết kế sản phẩm và bao bì sáng tạo, an toàn, tiện lợi. Đồng thời, khai thác thương mại điện tử từ thiết kế, quảng bá, phân phối đến bán hàng.

Đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác thế mạnh đặc sản vùng miền, lợi thế cạnh tranh. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách hàng (cộng đồng gốc Á, Phi, Latinh).

Hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, chuỗi phân phối, đầu mối nhập khẩu. Tuân thủ yêu cầu đăng ký, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và giữ vững chất lượng. Quan tâm tới các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và xã hội.

Hoa quả tươi của Việt Nam rất có lợi thế tại Hoa Kỳ, nên cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Do có khoảng 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ là nguồn khách hàng lớn để tiêu thụ hàng hoa quả tươi và nông sản có nguồn gốc từ Việt Nam.

Ngoài ra, 20 triệu người Mỹ gốc Á cũng là khách hàng tiềm năng cho hàng nông sản của Việt Nam do có cùng sở thích và thị hiếu tiêu dùng các mặt hàng hoa quả, nông sản nhiệt đới.