Hơn 2.500 tỷ đồng được rót vào Vĩnh Phúc tại Hội nghị vùng đồng bằng sông Hồng
Hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực gia công, lắp ráp các sản phẩm sử dụng trong ngành y và dự án sản xuất linh kiện điện tử có quy mô hơn 2.500 tỷ đồng (khoảng 110 triệu USD) đã được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng ngày 12/2…
Đó là dự án của Công ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc do Nhật Bản đầu tư 100% vốn.
Mục tiêu chính của dự án là sản xuất, gia công và lắp ráp các sản phẩm sử dụng trong ngành y và một số ngành công nghiệp khác, bao gồm cáp thép không gỉ (dùng trong công nghiệp) quy mô 36.000.000 m/năm; dây dẫn nong động mạch vành- PTCA: 6.000.000 bộ/năm; ống nhựa dùng cho kim tiêm (kim luồn) 36.000.000 m/năm; sản xuất hạt nhựa dùng cho sản xuất ống dẫn: 72.000kg/năm.
Ngoài ra, dự án cũng sản xuất thiết bị đo lường, kiểm tra, định hướng và điều khiển 10 chiếc/năm; sản xuất máy công cụ và máy tạo hình kim loại 10 chiếc/năm và sản xuất máy đo đường kính ngoài, kích thước hình dạng của vật liệu thiết bị y tế: 10 chiếc/năm.
Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ quý 1/2025, giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động Việt Nam và đóng góp hàng tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Dự án còn lại là sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BHFLEX VINA với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Khai Quang.
Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, thu hút FDI những tháng đầu năm là khá tích cực. Đáng chú ý, đó là những dự án với quy mô lớn trong lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Từ thực tiễn tại địa phương, lãnh đạo Vĩnh Phúc cho rằng để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI cần tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư và kinh doanh; tăng cường minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, doanh nghiệp, thuế và các vấn đề liên quan tới triển khai dự án; và sớm xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đối với hoạt động thu hút đầu tư phân theo từng nhóm ngành, đối tượng như suất đầu tư, diện tích, phát triển nguồn nhân lực hay công nghiệp phụ trợ…
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua tăng cường rà soát cá dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư; đổi mới công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh…