18:01 09/02/2023

Điểm đặc biệt tại Hội nghị vùng Đồng bằng sông Hồng sắp diễn ra tại Quảng Ninh

Anh Nhi

“Điểm đặc biệt tại Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng là công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh...

Hội nghị nhằm mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hội nghị nhằm mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại buổi họp báo ngày 9/2 thông tin về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết Hội nghị sẽ diễn ra tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 12/2 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đây là Hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông hồng.

Điểm đặc biệt tại Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, là công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 cùng giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nổi bật của vùng.

“Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, mở ra “cơ hội mới đột phá” cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Dự kiến, sẽ có khoảng 20 dự án ODA, quy mô vốn lên tới hơn 2 tỷ USD được ký kết với các nhà tài trợ quốc tế; và 18 giấy chứng nhận đầu tư, 4 quyết định chủ trương đầu tư và 2 biên bản ghi nhớ với quy mô lên tới hàng tỷ USD được ký kết tại Hội nghị.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước.

Thu ngân sách Nhà nước tăng đáng kể, gấp 9,5 lần so với năm 2005, cao hơn bình quân cả nước 6,6 lần, chiếm 32,7% tổng thu ngân sách Nhà nước; thu nội địa tăng nhanh và có tỷ trọng cao nhất trong các vùng kinh tế, chiếm 80,2% tổng thu ngân sách.

Đồng bằng sông Hồng cũng là vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước...

Tuy nhiên, vùng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chuyển dịch kinh tế chậm, các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, lao động và tài nguyên; thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Năng suất lao động chậm cải thiện. Đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh trong thời gian tới.