Họp khẩn về Bitcoin, Hàn Quốc cân nhắc đánh thuế tiền ảo
Sau cuộc họp khẩn ngày 13/12, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố cân nhắc đánh thuế tài sản gia tăng từ giao dịch tiền ảo
Hàn Quốc ngày 13/12 tuyên bố có thể đánh thuế tài sản gia tăng (capital gains tax) đối với các giao dịch tiền ảo, trong bối cảnh các cơ quan chức năng trên toàn cầu lo ngại về một bong bóng Bitcoin khổng lồ đang hình thành.
Hãng tin Reuters cho biết, khi hợp đồng tương lai dựa trên Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn CBOE ở Mỹ vào đầu tuần này, các nhà hoạch định chính sách đối mặt với thực tế là các đồng tiền kỹ thuật số dần trở thành một kênh đầu tư chính thống và cần phải có sự điều tiết. Tuần trước, giá Bitcoin, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, có lúc lên gần 20.000 USD, đánh dấu mức tăng khoảng 20 lần so với thời điểm đầu năm.
Một loạt quan chức ngân hàng trung ương trên thế giới đã lên tiếng về Bitcoin trong những ngày gần đây. Sáng 13/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Philip Lowe cảnh báo đợt tăng giá Bitcoin hiện nay giống một "cơn sốt đầu cơ". Vài ngày trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương New Zealand nói Bitcoin có vẻ là một "trường hợp kinh điển" về bong bóng tài sản.
Hôm thứ Hai tuần này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) cảnh báo rằng hoạt động giao dịch và phát hành tiền ảo có thể vi phạm luật chứng khoán liên bang.
Tại khu vực châu Á, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin đang nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí đã từ bỏ công việc hàng ngày để dành toàn bộ thời gian cho việc giao dịch tiền ảo. Hai nước này hiện đang chiếm hơn một nửa khối lượng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu.
Sau một cuộc họp khẩn cấp tại Seoul vào ngày 13/12, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố cân nhắc đánh thuế tài sản gia tăng từ việc giao dịch các đồng tiền ảo và sẽ cấm người vị thành niên mở tài khoản giao dịch tiền ảo. Để được phép hoạt động các sàn giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc sẽ phải tuân thủ các quy định về bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời công bố tất cả các mức giá chào mua, chào bán.
Các biện pháp này cần có sự thông qua của Quốc hội Hàn Quốc. Hiện Seoul vẫn đang duy trì lệnh cấm tất cả các định chế tài chính giao dịch tiền ảo.
"Quy định của Hàn Quốc sẽ không có ảnh hưởng bất lợi đến giá Bitcoin", ông Thomas Glucksmann, trưởng bộ phận marketing thuộc sàn giao dịch Gatecoin ở Hồng Kông, nhận định. Theo ông Glucksmann, ngược lại động thái của Seoul sẽ "mang lai sự chắc chắn, theo đó khuyến khích các nhà đầu tư còn đang chần chừ tham gia thị trường".
Hồi tháng 9, Trung Quốc đã yêu cầu các sàn giao dịch tiền ảo dừng hoạt động. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng đây là một biện pháp nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh không bị giới đầu tư lách luật.
Nhật Bản cũng đã yêu cầu các sàn tiền ảo phải đăng ký với cơ quan chức năng. Hồi tháng 4, Nhật Bản công nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán, và đến tháng 9, nước này chính thức công nhận 11 sàn giao dịch tiền ảo.
Dù đã thu hút được nhiều đối tượng, từ các quỹ đầu cơ, cho tới nhà tài chính chuyên nghiệp, các bà nội trợ và sinh viên tham gia đầu tư, tiền ảo vẫn chưa lôi kéo được các định chế tài chính lớn.
"Quan điểm của BlackRock là Bitcoin không phải là một tài sản tài chính mà chúng tôi sẽ giao dịch như chứng khoán hay trái phiếu", bà Belinda Boa, trưởng bộ phận đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty quản lý tài sản BlackRock phát biểu. "Đang có những câu hỏi về vấn đề lưu trữ giá trị, và thực tế là vì lợi ích khách hàng, chúng tôi muốn tìm kiếm những kênh đầu tư dài hơi hơn".