“HOSE không thể trở thành doanh nghiệp độc quyền”
Hỏi chuyện ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về những lo toan trước nhiệm vụ mới
Sở Giao dịch Chứng khoán vừa là một doanh nghiệp Nhà nước cung cấp dịch vụ, vừa điều hành thị trường và có quyền chế tài, xử phạt, vậy có nảy sinh tập trung quyền lực, độc quyền?
Nhân dịp ngày 8/8, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào Tp.HCM công bố quyết định nâng cấp Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM lên thành Sở Giao dịch Chứng khoán, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), có cuộc trò chuyện với báo giới về những lo toan trước nhiệm vụ mới.
Sở đặc biệt
Từ Trung tâm lên cấp Sở, ông cho biết Sở Giao dịch Chứng khoán khác Trung tâm Giao dịch Chứng khoán như thế nào về vai trò, quy mô?
Sở Giao dịch Chứng khoán là một mô hình tự chủ, điều hành thị trường độc lập, tách khỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trước đây, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán là một đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên mọi việc đều phụ thuộc vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Từ điều hành, quản lý, đến các công việc khác… đều phải xin ý kiến. Còn Sở Giao dịch Chứng khoán không phụ thuộc trực tiếp vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mà điều hành thị trường theo luật pháp, quy chế… Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính ban hành.
Còn về quy mô của Sở, do quy mô thị trường chứng khoán ngày càng lớn, nên tính tự chủ sẽ phải cao hơn. Quyết định để điều hành thị trường, và cơ sở vật chất cũng sẽ phải xây dựng lớn hơn. Và như vậy sẽ thuận lợi cho sự phát triển trong tương lai.
Có thể hiểu Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như các sở ngành hiện tại, hay có gì khác?
Đây là một sở khá đặc biệt. Sở Giao dịch Chứng khoán không giống các sở ban ngành địa phương, mà nó là một sở của cả nước, là cơ quan tổ chức vận hành thị trường của cả nước. Và đó cũng là một doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Nhưng nó được quyền ban hành các luật lệ để điều hành thị trường trong khuôn khổ luật pháp và có quyền xử phạt các thành viên tham gia thị trường.
Nếu sở giao dịch chứng khoán là một doanh nghiệp, thì trên nguyên tắc có thể thành lập nhiều sở giao dịch chứng khoán tương tự Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM hiện tại?
Trên thế giới hiện nay các nước có xu hướng hình thành mỗi nước có một sở giao dịch chứng khoán, và tiến tới có sở giao dịch chứng khoán đa quốc gia. Ví dụ New York, Euronet hiện là một phần của châu Âu và Mỹ.
Một số nước cũng đang bàn việc hợp nhất 2-3 sở lại với nhau. Các nước hợp nhất thành một sở. Và ASEAN cũng có hướng đến một tương lai nào đó cũng sẽ có chung một sở giao dịch chứng khoán.
Tôi nghĩ rằng như vậy, việc nhiều sở giao dịch chứng khoán trong 1 nước khó có khả năng xảy ra.
Doanh nghiệp đặc biệt
Ông có khi nào nghĩ rằng, trong tương lai, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cũng trở thành một công ty độc lập như các công ty chứng khoán ở các nước, các thành phố như Paris, London, New York…?
Hiện nay Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM là một doanh nghiệp độc lập. Và chúng tôi đã có kế hoạch tới 2010 sẽ chuyển thành công ty cổ phần.
Hiện nay Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, và giống như các công ty của các nước khác như phóng viên vừa nêu.
Vậy ông Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ là giám đốc doanh nghiệp, là nhà kinh doanh, chứ không còn là một quan chức Nhà nước?
Tôi hiện giờ không còn là quan chức Nhà nước nữa. Tôi là một giám đốc doanh nghiệp.
Giá chứng khoán dao động bất thường không thể lường đoán hết. Với vai trò của một cấp sở, Sở Giao dịch Chứng khoán không được can thiệp trực tiếp vào giá, nhưng có được quyền và có biện pháp nào để điều tiết giá cho đúng với định hướng nhằm ổn định thị trường không?
Sở Giao dịch Chứng khoán không có chức năng can thiệp, điều hòa giá cả. Mà Sở Giao dịch Chứng khoán là nơi cung cấp dịch vụ và thực thi điều hành thị trường theo luật pháp. Giá cả là quan hệ cung cầu, giao dịch của thị trường.
Chúng tôi chỉ có trách nhiệm cảnh báo khi giá lên quá cao hay xuống quá thấp, và chúng tôi phải cung cấp thông tin tốt nhất, kịp thời nhất để nhà đầu tư có quyết định tốt nhất.
Sở Giao dịch Chứng khoán là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhưng nó có gì đặc biệt so với các doanh nghiệp thông thường?
Kinh doanh không quan trọng với Sở Giao dịch Chứng khoán, mà quan trọng là nó phải đảm bảo cho thị trường hoạt động minh bạch, có hiệu quả, và phát triển.
Có tập trung quyền lực, chi phối thành viên?
Nhưng doanh nghiệp lại có quyền ban hành quy định, xử phạt thị trường, lại thêm nữa không có doanh nghiệp thứ hai cạnh tranh, vậy có thể nào xảy ra tình trạng tập trung quyền lực quá nhiều, sinh ra độc quyền, có thể chi phối thị trường, gây khó khăn cho các công ty chứng khoán thành viên?
Điều hành của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán đã được sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, mà cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Có nghĩa là Sở Giao dịch Chứng khoán phải điều hành theo Luật, theo những quy định của Nhà nước ban hành. Mà các quy định của luật pháp rất công khai, minh bạch, công bằng.
Chúng tôi không thể tự ý ban hành những văn bản, quy định trái với Luật của Nhà nước. Và như vậy không thể xảy ra tình trạng lạm quyền hay tập trung quyền lực.
Từ một cán bộ Nhà nước trở thành giám đốc doanh nghiệp, vừa liên quan đến hoạt động kinh doanh lại có quản lý, là một sự thay đổi, chuyển biến khá lớn về vị trí cũng như công việc. Cảm giác của ông hiện giờ ra sao?
Qua 7 năm điều hành thị trường chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, và ngày mai Thủ tướng cũng công bố chuyển đổi mô hình.
Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng đối với thị trường chứng khoán và đối với tôi. Qua giai đoạn mới có nhiều trách nhiệm nặng nề hơn, thách thức lớn hơn. Tôi phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định mà tôi ban hành.
Nhà đầu tư cũng có những kỳ vọng hơn vào chúng tôi. Trước đây họ kỳ vọng vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, và bây giờ việc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở góc độ khác, Sở Giao dịch Chứng khoán ở góc độ khác.
Người điều hành trực tiếp có trách nhiệm rất lớn đối với nhà đầu tư và kể cả các thành viên tham gia thị trường. Và tôi cũng rất mong có sự hợp tác của tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Thị trường những ngày gần đây thăng giáng bất thường và đang giảm mạnh. Tâm tư tình cảm của ông ra sao trước những ngày thăng trầm vừa qua?
Thị trường lên cũng lo, thị trường xuống cũng lo, nói chung là khi nào cũng lo cả! Nhưng giai đoạn hiện nay thị trường xuống tương đối sâu, càng thêm lo ngại. Lo là nếu nhà đầu tư không vững tâm, không bình tĩnh, sẽ có tụt dốc sâu hơn, nhà đầu tư mất tiền càng nhiều.
Tôi cũng rất hy vọng nhà đầu tư sẽ bình tĩnh để xem xét quyết định đầu tư. Thời gian qua chúng tôi cũng có rất nhiều cảnh báo khi thị trường lên quá nhanh, nhưng nhà đầu tư ít ai nghe chúng tôi nói. Vì khi lên quá nhanh thì sẽ xuống rất nhanh.
Vì nền kinh tế của ta đang trong quá trình phát triển, nền tảng thị trường chưa phải là vững chắc, một số lượng trên 100 công ty niêm yết chưa phải là một chỉ số vững chắc. Nên nếu chúng ta không có sự bình tĩnh trong đầu tư thì rất nguy hiểm.
Vấn đề nữa là giá lên cũng do nhà đầu tư, mà giá xuống cũng do nhà đầu tư. Nên vấn đề quan tâm là nhà đầu tư phải tỉnh táo. Đương nhiên quan trọng là cơ quan vận hành tổ chức thị trường như Sở Giao dịch Chứng khoán chúng tôi sẽ có những đáp ứng kịp thời những dịch vụ tốt nhất và công bố thông tin tốt để nhà đầu tư tham khảo, từ đó ra quy định đầu tư đúng đắn.