14:21 21/09/2018

Hút vốn tư nhân vào hạ tầng và bí quyết thành công của Quảng Ninh

Trần Kỳ

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên, duy nhất trên cả nước được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư PPP

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh với Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2012 - 2018, Quảng Ninh đã thu hút được gần 91 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách trên tổng số gần 210 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào xây dựng, phát triển hạ tầng. Quảng Ninh đang là địa phương tiên phong cả nước trong việc: thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tư nhân vào đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ, thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cần đảm bảo hài hòa 3 yếu tố: lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các qui định của luật pháp hiện hành.

Tiên phong, táo bạo đột phá

Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã nhận định, kết cấu hạ tầng giao thông là điểm nghẽn đối với sự phát triển của địa phương, việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và còn phải dành vốn cho các công trình thiết yếu, cho quốc phòng, an ninh, cho phúc lợi xã hội… nên Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương cho phép tỉnh huy động các nguồn lực xã hội. 

Đây cũng là tỉnh đầu tiên, duy nhất trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư PPP.

Hút vốn tư nhân vào hạ tầng và bí quyết thành công của Quảng Ninh - Ảnh 1.

Chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.

Theo ông Vũ Văn Diện - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư trên 36.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, có tới hơn 3/4 nguồn số vốn trên được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, phần vốn ngân sách chủ yếu để dùng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Rất nhiều dự án hạ tầng giao thông được các nhà đầu tư rót tới hàng nghìn tỷ đồng như: dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến của Liên doanh nhà đầu tư BOT Bạch Đằng có tổng mức đầu tư gần 8,2 nghìn tỷ (đã đưa vào khai thác từ 1/9/2018), trong đó vốn của nhà đầu tư chiếm gần 7,7 nghìn tỷ, dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ18 đoạn Hạ Long - Mông Dương tổng mức đầu tư khoảng 14 nghìn tỷ, trong đó, số vốn ngoài nhà nước là trên 10 nghìn tỷ.

Đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế tại Vân Đồn. Đây là cảng hàng không đầu tiên trên cả nước được xây mới toàn bộ, và là cảng hàng không đầu tiên được giao cho một địa phương triển khai đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2019.

Sắp tới, dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng được Quảng Ninh triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT với tổng vốn đầu tư trên 11 nghìn tỷ. Bên cạnh đó, dự án Đường dẫn cầu Bắc Luân II có tổng mức đầu tư gần 437 tỷ đồng theo hình thức BT cũng đã được hoàn thành.

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quảng Ninh nhận định, những dự án hạ tầng giao thông kể trên không chỉ đơn thuần giải quyết việc liên kết vùng, phục vụ người dân mà còn mở ra nhiều dư địa, tạo hiệu ứng cộng sinh cho mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề phát triển.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2007, Quảng Ninh mới đứng thứ 58/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng với nỗ lực kiên trì, bền bỉ của toàn bộ hệ thống chính trị nên Quảng Ninh đã vươn dần và cán đích ở vị trí thứ nhất vào năm 2017. Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh này đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công và thành lập ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy - Ủy viên Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, "hệ thống chính quyền tỉnh luôn luôn lắng nghe và đồng hành với chúng tôi trong tất cả các công việc. Khi có phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp các ngành đều tìm ra giải pháp tháo gỡ nhanh nhất".

Mặt khác, trong xây dựng cơ bản, Quảng Ninh hạn chế chi ngân sách cho xây dựng các trụ sở làm việc công mà ưu tiên dành nguồn ngân sách cho việc đối ứng, giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm.

"Việc tỉnh chủ động làm mặt bằng sạch đã tạo ra sức hút mạnh, là yếu tố quyết định để các nhà đầu tư "xuống tiền"" - ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quảng Ninh, nhận định.

Hàng loạt nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã "rót" nhiều nghìn tỷ vào địa phương này, như Vingroup, Sun Group, Bimgroup …với các dự án vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị, trường học, bệnh viện… hay Tập đoàn Amata đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh luôn xác định, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn đem lại lợi ích cho người dân và lợi ích cho nhà nước, cho tỉnh.

Những chính sách thu hút đầu tư hợp lý của Quảng Ninh, đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế, trong những năm gần đây, GRDP của Quảng Ninh luôn ở mức trên 10%. Trong 8 tháng đầu năm 2018: sản xuất công nghiệp tăng 9,26% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 56.960 tỷ đồng tăng 19,7%, trong thời gian này, đã có 8,2 triệu lượt khách du lịch đến với Quảng Ninh, mang lại doanh thu khoảng 16,1 nghìn tỷ đồng…; Kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đạt gần 1,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 1,2 tỷ USD…

Khẳng định chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp , ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư tỉnh Quảng Ninh nói: "Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Quảng Ninh".