20:24 28/10/2010

Huy động và cho vay vốn bằng vàng: Vì sao phải siết?

Nguyễn Hoài

Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp đáng kể hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng

Hiện Việt Nam có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng - Ảnh: Getty.
Hiện Việt Nam có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng - Ảnh: Getty.
Chiều 28/10, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng, theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh. Vì sao cần có thông tư này?

Trả lời báo giới cũng trong chiều 28/10, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), nói:

- Năm 2000, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN ngày 3/10/2000 về nghiệp vụ huy động vốn và sử dụng bằng vàng, bằng VND đảm bảo giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tổ chức tín dụng được phép thực hiện nghiệp vụ này là các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối; tổ chức tín dụng huy động vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn; huy động bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn hoặc phát hành chứng chỉ; sử dụng vốn huy động bằng vàng để cho vay bằng vàng đối với khách hàng nhằm đáp ứng cho nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống; chuyển đổi một phần vốn huy động bằng vàng thành vốn VND nhưng không vượt quá 30% vốn huy động bằng vàng để kinh doanh.

Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng; cuối tháng 9/2010, số dư huy động bằng vàng là 92,6 tấn tương đương 73.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng cho vay chỉ chiếm 60% so với vốn huy động bằng vàng.

Thưa ông, tại sao Ngân hàng Nhà nước phải ban hành thêm một thông tư về cơ chế huy động và cho vay bằng vàng, trong khi trước đó đã có một văn bản tương tự?

Ở nước ta, người dân có thói quen mua vàng để cất trữ, định giá, thanh toán. Thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng; việc lưu thông vàng, huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, thứ nhất, các chủ thể đầu tư trong nền kinh tế (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng) có thể huy động được vốn bằng vàng nhưng khả năng sử dụng vốn bằng vàng gặp khó khăn là do rất khó bảo toàn vốn và sinh lời theo giá vàng, giá vàng biến động phức tạp, tăng với biên độ lớn.

Thứ hai, việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng, làm tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường “ngầm” về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.

Thứ ba, thực tế thời gian qua, việc cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực phi sản suất, đây là lĩnh vực Nhà nước không khuyến khích.

Thứ tư, đối với kinh doanh của tổ chức tín dụng, rủi ro trong cho vay vàng và chuyển đổi nguồn vốn bằng vàng thành VND tăng lên, khi giá vàng tăng cao và chưa có biện pháp khả thi để phòng ngừa rủi ro giá vàng; các tổ chức tín dụng mới sử dụng 60% số vốn huy động vốn bằng vàng, hiệu quả kinh doanh thấp.

Với tình hình thực tế và tồn tại này, việc sửa đổi cơ chế huy động và cho vay vốn bằng vàng theo hướng thu hẹp là phù hợp.

Sự khác biệt giữa cơ chế mới về huy động và cho vay bằng vàng so với cơ chế cũ là gì, thưa ông?

Thủ  tướng đã có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện các biện pháp, kể cả việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành về huy động, cho vay vàng của các tổ chức tín dụng phù hợp với tình hình và đặc điểm lưu thông, kinh doanh vàng của nước ta.

Theo đó và trên cơ sở đánh giá cụ thể  tình hình, mặt được và chưa được của việc huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng, thay thế Quyết định số 432/2000/QĐ-Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư quy định tổ chức tín dụng được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, chỉ được cho vay vốn bằng vàng để sản xuất, chế tác và kinh doanh vàng trang sức, không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng; tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành VND, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30/6/2011; không được huy động và cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng; không hồi tố đối với các giao dịch huy động và cho vay bằng vàng được thực hiện trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp nhằm thu hẹp đáng kể hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng, nhưng không hồi tố đối với các giao dịch trước đây, để tránh những tác động không thuận lợi đối với tài chính của tổ chức tín dụng và thị trường ngoại hối.

Nhưng, tại sao không cho phép các tổ chức tín dụng chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền và còn quy định thời hạn tối đa là 30/6/2011 phải tất toán số tiền chuyển đổi trước đây?

Theo Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN trước đây, tổ chức tín dụng được chuyển tối đa 30% vốn bằng vàng huy động được thành tiền, để sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động bằng vàng trong kinh doanh.

Nhưng thực tế việc bảo toàn vốn cho vay gặp khó khăn, có ít tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi. Đồng thời, tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi rất dễ bị rủi ro kinh doanh, do không duy trì trạng thái vàng và không thực hiện được bảo hiểm giá vàng biến động mạnh.

Ngoài ra, có hiện tượng tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng và ngoại tệ,  ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối và tỷ giá; việc chuyển đổi vốn bằng vàng thành tiền đã kích thích nhiều tổ chức tín dụng mở rộng huy động để cho vay bằng vàng với lãi suất cao đối với lĩnh vực phi sản xuất mà Nhà nước không khuyến khích.

Để khắc phục rủi ro, tồn tại này, thông tư mới ban hành không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển đổi vốn huy động bằng vàng.  

Có ý kiến cho rằng, khi thông tư này có hiệu lực, hoạt động của các tổ chức tín dụng kinh doanh vàng cũng như thị trường tiền tệ, ngoại hối sẽ bị ảnh hưởng, ông nghĩ sao?

Việc ban hành cơ chế mới theo hướng thu hẹp huy động và cho vay bằng vàng là việc làm tiếp theo của các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm nay, như cấm hoạt động đối với các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, cho phép nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng chống nhập lậu vàng.

Cơ chế mới được thực thi sẽ góp phần tích cực để khắc phục những tồn tại của việc lưu thông vàng trong nền kinh tế, khắc phục rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản và lãi suất đối với tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng.

Nhờ đó, sẽ giảm nhập lậu, đầu cơ vàng và ngoại tệ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tiền tệ. Sẽ có một khối lượng vàng đầu tư và đầu cơ rất lớn trên thị trường trong nước chuyển dần thành vốn bằng tiền như VND, ngoại tệ để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thông qua các công cụ huy động của ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Tất nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi sát tác động của cơ chế mới và diễn biến của thị trường để tiếp tục có giải pháp hợp lý, cần thiết theo hướng thu hẹp dần các giao dịch bằng vàng trong nền kinh tế.