IMF: “Doanh nghiệp Mỹ phải gánh thuế quan của ông Trump”
Ông Trump từng nói rằng thuế quan mà ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang “làm đầy quốc khố của nước Mỹ”
Thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc thực chất đang gây tổn hại cho chính các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ - một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kết luận.
Hãng tin CNBC dẫn bản báo cáo công bố ngày 23/5 nói rằng số tiền thuế quan mà Chính phủ Mỹ thu được từ việc ông Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc "gần như hoàn toàn" do các công ty nhập khẩu của Mỹ phải gánh chịu.
Trong cuộc chiến thương mại song phương đã kéo dài hơn 1 năm, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.
Tuy nhiên, "hầu như không có sự thay đổi nào về giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tại cửa khẩu Mỹ trước khi bao gồm thuế quan, mà giá những hàng hóa đó chỉ tăng mạnh sau khi tính thuế, với mức tăng tương ứng với thuế suất được áp", báo cáo nhấn mạnh.
Hôm 8/5, ông Trump nói rằng thuế quan mà ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang "làm đầy quốc khố của nước Mỹ", với mức thu lên tới 100 tỷ USD mỗi năm. Nhà lãnh đạo cũng xem thuế quan là một biện pháp giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.
Nhưng IMF nói rằng thâm hụt thương mại Mỹ-Trung vẫn "nhìn chung không thay đổi" dù thuế quan được áp.
Ông Trump đang để ngỏ khả năng áp thuế quan trừng phạt với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Theo IMF, một động thái như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ bởi các công ty nhập khẩu của nước này sẽ phải chuyển phần chi phí gia tăng sang khách hàng.
"Người tiêu dùng ở Mỹ và Trung Quốc đều là đối tượng thiệt hại bởi căng thẳng thương mại", báo cáo của IMF kết luận, đồng thời cho rằng thuế quan tăng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
"Ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu tính đến thời điểm này còn khá khiêm tốn, nhưng sự leo thang mới nhất có thể gây sứt mẻ nghiêm trọng niềm tin của các doanh nghiệp và giới đầu tư tài chính, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, phá hỏng triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong 2019", báo cáo viết.