Indonesia sẽ thông báo người dân về tin giả mỗi tuần
Indonesia là một trong những quốc gia có mức độ sử dụng các mạng xã hội như Facebook và Twitter vào hàng cao nhất thế giới
Chính phủ Indonesia sẽ thông báo với người dân về những thông tin giả mạo mỗi tuần - hãng tin CNN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nước này, ông Rudiantara, cho biết ngày 27/9.
Vị Bộ trưởng nói Chính phủ Indonesia muốn thúc đẩy sự phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số ở nước này, đồng thời muốn giúp người dân nhận diện được những thông tin giả mạo. Vì mục tiêu này, Chính phủ Indonesia đã thành lập một nhóm gồm hơn 70 thành viên chuyên nhiệm vụ giám sát sát thông tin.
"Mỗi tuần, chúng tôi sẽ công bố những thông tin giả mạo", ông Rudiantara nói. "Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không chỉ nêu đâu là tin giả, mà còn đưa ra sự thật". Thông tin về tin giả và sự thật đối chứng sẽ được đăng tải trên website của bộ này.
Indonesia là một trong những quốc gia có mức độ sử dụng các mạng xã hội như Facebook và Twitter vào hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nạn thông tin giả mạo lan truyền trên các mạng xã hội cũng gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là sự chia rẽ tôn giáo, ở một quốc gia có hàng trăm dân tộc thiểu số như Indonesia. Ở nước này, ngoài đạo Hồi là tôn giáo chủ yếu, còn có 6 tôn giáo chính thức được công nhận khác.
Thông tin giả mạo đã gây ảnh hưởng đến nhiều sự kiện chính trị ở châu Á trong năm ngoái, bao gồm các cuộc bầu cử ở Indonesia. Đụng độ bạo lực đã xảy ra sau khi xuất hiện những bài viết về Thống đốc Jarkata, ông Basuki Tjahaja, đăng tải trước một cuộc bầu cử Thống đốc vào tháng 4/2017, cáo buộc ông Tjahaja thông đồng với Trung Quốc nhằm kiểm soát Indonesia.
Đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo và thủ lĩnh đảng Gerindra, ông Prabowo Subianto, là hai ứng cử viên cho cuộc bầu cử toàn quốc ở Indonesia vào năm tới. Cả hai ứng cử viên này đều đã cam kết thực thi chiến dịch tranh cử hòa bình.
Theo ông Mustafa Izzuddin, một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore, tại khu vực Đông Nam Á, "tin giả có liên hệ mật thiết đến chính trị trong nước, đặc biệt là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc". Điều này được thể hiện rõ qua việc truyền bá những thông tin giả mạo ở Indonesia, Myanmar và Philippines.