Kê khai tài sản: “Một người thì kín, chín người thì hở”
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói về công khai trong kê khai tài sản
“Đối tượng nào thì công khai, đối tượng nào thì không nên công khai là phải cân nhắc, chứ không phải ai cũng công khai”.
Đây là điều được Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh khi trả lời báo chí bên lề hoạt động của chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) năm 2011, sáng 17/8.
Công khai từng bước
Thưa ông, phát biểu của ông cho rằng minh bạch là khắc tinh của tham nhũng. Vậy hiện tại những vấn đề, lĩnh vực nào hoàn toàn có thể minh bạch được để phòng chống tham nhũng nhưng chưa thực hiện được, và thời gian tới có thể thực hiện được đến mức độ nào?
Về mặt chủ trương thì chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đã đặt ra rồi, tức là giảm thiểu tối đa những quy định về bí mật Nhà nước, bí mật công nghệ… Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, cũng có một số cơ quan, doanh nghiệp, một số tập đoàn kinh tế lợi dụng đây là bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh… để không cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của mình.
Hiện nay trong chỉ đạo của Chính phủ cũng phải sửa đổi văn bản pháp luật về bí mật Nhà nước. Cái nào thực sự làm phương hại đến an ninh quốc gia, nếu như thông tin đó lộ ra, nó làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hoặc có tác dụng ngược đối với xã hội thì mình không công khai.
Còn về nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của các tập đoàn là phải được công khai. Và kinh nghiệm trên thế giới là càng công khai càng minh bạch thì tham nhũng sẽ càng giảm.
Vừa rồi khi sửa một số quy định về kê khai tài sản (tại Nghị định 68/2011 của Chính phủ) cũng đã quy định về mức độ công khai. Theo ông như vậy đã đủ minh bạch chưa?
Nghị định 68 đã tiến thêm một bước so với Nghị định 37 là có chuyện công khai bản kê khai tài sản. Nhưng ở đây ta phải khẳng định: công khai có nguyên tắc bởi vì trong Luật Phòng chống tham nhũng có nói bản kê khai tài sản được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, mà hồ sơ cán bộ lại thuộc bí mật Nhà nước. Cho nên chỗ này phải sửa như thế nào đó cho phù hợp.
Theo quy định mới thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải công khai bản kê khai đó ở đơn vị mình công tác. Ví dụ, tôi đang công tác tại Thanh tra Chính phủ, năm 2011, tôi có biến động về tài sản và theo quy định, biến động đó phải kê khai bổ sung thì tôi phải kê khai bổ sung. Như tôi là thành viên trong ban cán sự thì phải công khai bản kê khai đó trong ban cán sự.
Còn ví dụ đề bạt cấp thứ trưởng thì lấy ý kiến từ cấp chuyên viên chính trở lên thì chuyên viên chính đó phải được biết tình trạng tài sản và thu nhập của ứng viên chức thứ trưởng đó. Hình thức công khai như thế nào thì do thủ trưởng sẽ quyết định hoặc là mình thông báo trong cuộc họp, hoặc mình niêm yết ở trụ sở cơ quan, đơn vị đó với thời hạn quy định của Nghị định 68.
Khi đã công khai trong cơ quan như vậy thì báo chí, người dân có được tiếp cận bản kê khai thu nhập đó không, thưa ông?
Hiện nay không được tiếp cận vì theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì chưa được công khai. Nhưng, đây là từng bước tiến tới công khai.
Vì các cụ đã nói, “Một người thì kín, chín người thì hở”. Khi đã công khai trong đơn vị, ví dụ cơ quan tôi có 200 người từ chuyên viên chính trở lên mà biết được tài sản của tôi thì có nghĩa toàn xã hội biết. Bởi vì không ai cấm được ai đó nói là ông này ông có cái nhà, ông này có cái xe, việc đó tự hiểu sẽ lan tỏa.
Đây là một bước để mình tiến lên và đây cũng là chỗ để tới đây Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Nếu Quốc hội đồng ý công khai bản kê khai tài sản thì lúc đó mọi đối tượng có thể tiếp cận. Còn bây giờ đối tượng tiếp cận là trong phạm vi của Nghị định 68.
Theo quan điểm của cá nhân ông, thì có nên công khai rộng rãi hơn không?
Ở các nước thì người ta có quan niệm khác nhau về công khai và kê khai. Đối tượng nào công khai còn liên quan đến khả năng đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia, liên quan đến thuần phong mỹ tục. Có thể chỉ công khai ở những cấp được bảo vệ nghiêm ngặt như chính khách, có cơ chế bảo vệ.
Còn ở nước mình, ngay trong gia đình có tập quán bố mẹ không muốn cho con biết có tài sản bao nhiêu. Bởi vì biết có tài sản bao nhiêu, mà đứa con hư thì nó sẽ hành động khác. Nó có thể cho rằng bố mẹ nhiều tiền thế cứ bắt con đi làm vất vả.
Cho nên đối tượng nào thì công khai, đối tượng nào thì không nên công khai là phải cân nhắc, chứ không phải ai cũng công khai. Ông làm tổng thống thì công khai vì có thiết chế bảo vệ an ninh cho ông và gia đình ông, nhưng thiết chế không thể bảo vệ cho một ông cấp trưởng phòng được. Như vậy công khai lại thành không có lợi.
Cũng cần phải lưu ý là mục đích của việc công khai này là để phòng ngừa tham nhũng, chứ không có mục đích nào khác.
Đến bây giờ mới chỉ quy định công khai đến mức đó thì có chậm không, thưa ông?
Thực ra mình nói nhanh chậm trong phòng, chống tham nhũng thì cũng vô cùng. Có những nước 10 năm mới tiến được một tí. Theo đánh giá của các đối tác phát triển trong chương trình này, người ta nói bước hoàn thiện thể chế như vậy của Việt Nam là đáng khen, bước tiến rất nhanh.
Họ cũng nói mình chống tham nhũng có thuận lợi hơn các nước khác. Ở các nước khác đa đảng, nên đảng họ chỉ muốn chống tham nhũng ở đảng kia thôi. Nhưng mình thống nhất có một đảng lãnh đạo và đảng thể hiện quyết tâm như vậy. Vấn đề là Nhà nước, Chính phủ, nhân dân tổ chức thực hiện quan điểm của Đảng như thế nào.
Ngoài sự nỗ lực của cơ quan Nhà nước thì phải phát huy vai trò của xã hội. Chỉ có cơ quan nhà nước không đủ, ví dụ như các em học sinh chống lại việc đóng tiền nộp cho cô giáo để kỳ thi dễ dàng hơn, nếu đa số ủng hộ thì ban cán sự cũng không làm gì được, giáo viên cũng không thể cho cả lớp trượt được.
Còn trong cộng đồng dân cư, nói là đi chạy dự án thì thống nhất phải trích ra một khoản để chi phí cho cái này cái kia nhưng đa số không đồng ý, dự án vẫn có, vẫn minh bạch.
Khôn ngoan nhất là kê khai trung thực
Ông đánh giá thế nào về tác động của quy định mới về công khai tài sản tại Nghị định 68?
Tôi cho là có tác động rất tốt. Trước đây có thể có một số ông rất ngại chuyện kê khai tài sản, rất sợ công khai. Nhưng người quản lý ông thì không có chế tài xử lý. Tôi đã đến một tỉnh mà ở một huyện có một ông nhất định không nộp bản kê khai, nhưng bảo xử ông ấy theo chương, điều khoản nào là không có. Thì lần này trong Nghị định 68 là có. Cho nên tác động của Nghị định 68 tôi cho rất là tốt.
Hay các hội nghị tập huấn của Thanh tra vừa rồi chúng tôi có chủ đề khác, nhưng nhiều người cứ quay vào hỏi cái Nghị định 68 để hiểu rõ hơn, tổ chức thực hiện tốt hơn. Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng rất quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện việc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có quy định về kê khai tài sản.
Có người nói giải pháp này chưa được như mong muốn, thì đúng rồi. Chúng tôi cũng thấy thế. Nó chưa được như mong muốn. Nhưng mình phải từng bước. Mình làm dần và kiên trì thì chắc chắn sẽ làm được.
Vậy còn tính chính xác của các bản kê khai tài sản, theo ông có đủ độ tin cậy không?
Trước đây mình chưa xác định nguyên tắc người kê khai tài sản, bây giờ trong Nghị định 68 đã có. Đó là tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.
Bây giờ nói tiền 50 triệu đồng thì mình dễ đếm nhưng bức tranh này bảo 50 triệu hay 30 triệu thì cãi nhau nhiều lắm. Vậy thì ai xác định đồ vật đó có giá trị 50 triệu trở lên thì phải là người sở hữu nó.
Hay người ta phát hiện ông này có ôtô, giá trị lớn nhưng ông bảo không, cái này tôi khấu hao hết rồi, không còn xu nhưng có người bảo ô tô làm gì có dưới 50 triệu được, phải khai chứ..cho nên ông ta phải tự chịu trách nhiệm và giải trình, chứng minh với cơ quan quản lý.
Trong quá trình thẩm tra, xác minh tài sản, người ta phát hiện thông tin anh kê khai không trung thực thì anh phải giải trình được. Nghĩa là anh kê khai như thế nào để sau này có thể anh có chuyện thăng tiến thì cơ quan quản lý cán bộ sẽ dò lại thì bản thân anh đó phải giải trình được.
Quy định mới có tính đến công cụ nào để kiểm soát tài sản gửi ở nước ngoài không, thưa ông?
Hiện nay về mặt nguyên tắc mình yêu cầu là phải kê khai các tài ở bên nước ngoài và không hạn chế mức 50 triệu đồng hay dưới, cứ có tài sản là phải kê khai.
Bây giờ mình cũng yên tâm vì Việt Nam là thành viên của Công ước Liên hiệp quốc. Ngay cả trước đây bí mật như ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ yêu cầu cũng không công bố thông tin, nhưng với áp lực của công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng thì vừa rồi cũng phải cung cấp. Cho nên mình không ngại là không lấy được thông tin từ nước ngoài.
Tôi cho là người có nghĩa vụ phải kê khai, có tiền, tài khoản, đồ vật ở nước ngoài thì khôn ngoan nhất là phải kê khai bởi việc phát hiện bây giờ rất dễ. Không khó khăn gì cả.
Liên quan tính trung thực của việc kê khai tài sản, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ nắm được, đã có bao nhiêu trường hợp kê khai gian dối và bị phát hiện, mức xử lý cao nhất là như thế nào?
Hình thức cao nhất là mất chức. Ví dụ định bổ nhiệm ông ta nhưng ông không kê khai trung thực là thôi. Ví dụ thế. Cái này tôi nhớ là có rồi. Nhưng mà tất nhiên là hiện nay chưa nhiều. Nhưng để kiểm soát sự trung thực thì công khai bản kê khai tài sản chính là một phương thức kiểm soát. Ví dụ bây giờ tôi làm vụ trưởng không phải mấy chục anh em đều đồng ý tôi cả, họ có thể, trong hoạt động chưa hiểu nhau, người ta cũng phải săm soi ông vụ trường này có chuyện gì không, có thể công việc ông không nói đạo đức tư cách không nói nhưng săm soi bản kê khai tài sản. Cho nên người, nhất là có chức vụ quyền hạn, giải pháp tốt nhất là trung thực trong kê khai.
Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn đã được xây dựng đến đâu, thưa ông?
Hiện nay chưa xây dựng đề án này, mặc dù Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp các cơ quan chức năng để xây dựng. Nhưng Bộ Nội vụ đề xuất thanh tra Chính phủ có kinh nghiệm trong việc này và Thủ tướng đồng ý giao cho Thanh tra Chính phủ.
Thực chất việc xây dựng đề án đã chậm rồi, các ủy ban của Quốc hội cũng có nhắc nhở Chính phủ chậm trình đề án này. Nhưng quả thực làm đề án này rất khó. Nhưng khó không có nghĩa không làm được.
Theo lộ trình, thì tổng hợp đánh giá có rồi, đề xuất hoàn thiện cấp chính phủ là có rồi, từ những cái đó sẽ xây dựng một đề án kiểm soát thu nhập. Rõ ràng quản lý của mình có khiếm khuyết, thế nên bây giờ kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, toàn xã hội thì phải có lộ trình. Tôi chắc không thể nhanh được. Nhưng mình phải làm. Nếu không làm thì phòng, chống tham nhũng không thể hiệu quả được.
Việc trình đề án có thể nó sẽ nằm cùng đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tới đây.
Đây là điều được Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh khi trả lời báo chí bên lề hoạt động của chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) năm 2011, sáng 17/8.
Công khai từng bước
Thưa ông, phát biểu của ông cho rằng minh bạch là khắc tinh của tham nhũng. Vậy hiện tại những vấn đề, lĩnh vực nào hoàn toàn có thể minh bạch được để phòng chống tham nhũng nhưng chưa thực hiện được, và thời gian tới có thể thực hiện được đến mức độ nào?
Về mặt chủ trương thì chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đã đặt ra rồi, tức là giảm thiểu tối đa những quy định về bí mật Nhà nước, bí mật công nghệ… Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, cũng có một số cơ quan, doanh nghiệp, một số tập đoàn kinh tế lợi dụng đây là bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh… để không cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của mình.
Hiện nay trong chỉ đạo của Chính phủ cũng phải sửa đổi văn bản pháp luật về bí mật Nhà nước. Cái nào thực sự làm phương hại đến an ninh quốc gia, nếu như thông tin đó lộ ra, nó làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hoặc có tác dụng ngược đối với xã hội thì mình không công khai.
Còn về nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của các tập đoàn là phải được công khai. Và kinh nghiệm trên thế giới là càng công khai càng minh bạch thì tham nhũng sẽ càng giảm.
Vừa rồi khi sửa một số quy định về kê khai tài sản (tại Nghị định 68/2011 của Chính phủ) cũng đã quy định về mức độ công khai. Theo ông như vậy đã đủ minh bạch chưa?
Nghị định 68 đã tiến thêm một bước so với Nghị định 37 là có chuyện công khai bản kê khai tài sản. Nhưng ở đây ta phải khẳng định: công khai có nguyên tắc bởi vì trong Luật Phòng chống tham nhũng có nói bản kê khai tài sản được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, mà hồ sơ cán bộ lại thuộc bí mật Nhà nước. Cho nên chỗ này phải sửa như thế nào đó cho phù hợp.
Theo quy định mới thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải công khai bản kê khai đó ở đơn vị mình công tác. Ví dụ, tôi đang công tác tại Thanh tra Chính phủ, năm 2011, tôi có biến động về tài sản và theo quy định, biến động đó phải kê khai bổ sung thì tôi phải kê khai bổ sung. Như tôi là thành viên trong ban cán sự thì phải công khai bản kê khai đó trong ban cán sự.
Còn ví dụ đề bạt cấp thứ trưởng thì lấy ý kiến từ cấp chuyên viên chính trở lên thì chuyên viên chính đó phải được biết tình trạng tài sản và thu nhập của ứng viên chức thứ trưởng đó. Hình thức công khai như thế nào thì do thủ trưởng sẽ quyết định hoặc là mình thông báo trong cuộc họp, hoặc mình niêm yết ở trụ sở cơ quan, đơn vị đó với thời hạn quy định của Nghị định 68.
Khi đã công khai trong cơ quan như vậy thì báo chí, người dân có được tiếp cận bản kê khai thu nhập đó không, thưa ông?
Hiện nay không được tiếp cận vì theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì chưa được công khai. Nhưng, đây là từng bước tiến tới công khai.
Vì các cụ đã nói, “Một người thì kín, chín người thì hở”. Khi đã công khai trong đơn vị, ví dụ cơ quan tôi có 200 người từ chuyên viên chính trở lên mà biết được tài sản của tôi thì có nghĩa toàn xã hội biết. Bởi vì không ai cấm được ai đó nói là ông này ông có cái nhà, ông này có cái xe, việc đó tự hiểu sẽ lan tỏa.
Đây là một bước để mình tiến lên và đây cũng là chỗ để tới đây Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Nếu Quốc hội đồng ý công khai bản kê khai tài sản thì lúc đó mọi đối tượng có thể tiếp cận. Còn bây giờ đối tượng tiếp cận là trong phạm vi của Nghị định 68.
Theo quan điểm của cá nhân ông, thì có nên công khai rộng rãi hơn không?
Ở các nước thì người ta có quan niệm khác nhau về công khai và kê khai. Đối tượng nào công khai còn liên quan đến khả năng đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia, liên quan đến thuần phong mỹ tục. Có thể chỉ công khai ở những cấp được bảo vệ nghiêm ngặt như chính khách, có cơ chế bảo vệ.
Còn ở nước mình, ngay trong gia đình có tập quán bố mẹ không muốn cho con biết có tài sản bao nhiêu. Bởi vì biết có tài sản bao nhiêu, mà đứa con hư thì nó sẽ hành động khác. Nó có thể cho rằng bố mẹ nhiều tiền thế cứ bắt con đi làm vất vả.
Cho nên đối tượng nào thì công khai, đối tượng nào thì không nên công khai là phải cân nhắc, chứ không phải ai cũng công khai. Ông làm tổng thống thì công khai vì có thiết chế bảo vệ an ninh cho ông và gia đình ông, nhưng thiết chế không thể bảo vệ cho một ông cấp trưởng phòng được. Như vậy công khai lại thành không có lợi.
Cũng cần phải lưu ý là mục đích của việc công khai này là để phòng ngừa tham nhũng, chứ không có mục đích nào khác.
Đến bây giờ mới chỉ quy định công khai đến mức đó thì có chậm không, thưa ông?
Thực ra mình nói nhanh chậm trong phòng, chống tham nhũng thì cũng vô cùng. Có những nước 10 năm mới tiến được một tí. Theo đánh giá của các đối tác phát triển trong chương trình này, người ta nói bước hoàn thiện thể chế như vậy của Việt Nam là đáng khen, bước tiến rất nhanh.
Họ cũng nói mình chống tham nhũng có thuận lợi hơn các nước khác. Ở các nước khác đa đảng, nên đảng họ chỉ muốn chống tham nhũng ở đảng kia thôi. Nhưng mình thống nhất có một đảng lãnh đạo và đảng thể hiện quyết tâm như vậy. Vấn đề là Nhà nước, Chính phủ, nhân dân tổ chức thực hiện quan điểm của Đảng như thế nào.
Ngoài sự nỗ lực của cơ quan Nhà nước thì phải phát huy vai trò của xã hội. Chỉ có cơ quan nhà nước không đủ, ví dụ như các em học sinh chống lại việc đóng tiền nộp cho cô giáo để kỳ thi dễ dàng hơn, nếu đa số ủng hộ thì ban cán sự cũng không làm gì được, giáo viên cũng không thể cho cả lớp trượt được.
Còn trong cộng đồng dân cư, nói là đi chạy dự án thì thống nhất phải trích ra một khoản để chi phí cho cái này cái kia nhưng đa số không đồng ý, dự án vẫn có, vẫn minh bạch.
Khôn ngoan nhất là kê khai trung thực
Ông đánh giá thế nào về tác động của quy định mới về công khai tài sản tại Nghị định 68?
Tôi cho là có tác động rất tốt. Trước đây có thể có một số ông rất ngại chuyện kê khai tài sản, rất sợ công khai. Nhưng người quản lý ông thì không có chế tài xử lý. Tôi đã đến một tỉnh mà ở một huyện có một ông nhất định không nộp bản kê khai, nhưng bảo xử ông ấy theo chương, điều khoản nào là không có. Thì lần này trong Nghị định 68 là có. Cho nên tác động của Nghị định 68 tôi cho rất là tốt.
Hay các hội nghị tập huấn của Thanh tra vừa rồi chúng tôi có chủ đề khác, nhưng nhiều người cứ quay vào hỏi cái Nghị định 68 để hiểu rõ hơn, tổ chức thực hiện tốt hơn. Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng rất quyết liệt trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện việc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có quy định về kê khai tài sản.
Có người nói giải pháp này chưa được như mong muốn, thì đúng rồi. Chúng tôi cũng thấy thế. Nó chưa được như mong muốn. Nhưng mình phải từng bước. Mình làm dần và kiên trì thì chắc chắn sẽ làm được.
Vậy còn tính chính xác của các bản kê khai tài sản, theo ông có đủ độ tin cậy không?
Trước đây mình chưa xác định nguyên tắc người kê khai tài sản, bây giờ trong Nghị định 68 đã có. Đó là tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.
Bây giờ nói tiền 50 triệu đồng thì mình dễ đếm nhưng bức tranh này bảo 50 triệu hay 30 triệu thì cãi nhau nhiều lắm. Vậy thì ai xác định đồ vật đó có giá trị 50 triệu trở lên thì phải là người sở hữu nó.
Hay người ta phát hiện ông này có ôtô, giá trị lớn nhưng ông bảo không, cái này tôi khấu hao hết rồi, không còn xu nhưng có người bảo ô tô làm gì có dưới 50 triệu được, phải khai chứ..cho nên ông ta phải tự chịu trách nhiệm và giải trình, chứng minh với cơ quan quản lý.
Trong quá trình thẩm tra, xác minh tài sản, người ta phát hiện thông tin anh kê khai không trung thực thì anh phải giải trình được. Nghĩa là anh kê khai như thế nào để sau này có thể anh có chuyện thăng tiến thì cơ quan quản lý cán bộ sẽ dò lại thì bản thân anh đó phải giải trình được.
Quy định mới có tính đến công cụ nào để kiểm soát tài sản gửi ở nước ngoài không, thưa ông?
Hiện nay về mặt nguyên tắc mình yêu cầu là phải kê khai các tài ở bên nước ngoài và không hạn chế mức 50 triệu đồng hay dưới, cứ có tài sản là phải kê khai.
Bây giờ mình cũng yên tâm vì Việt Nam là thành viên của Công ước Liên hiệp quốc. Ngay cả trước đây bí mật như ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ yêu cầu cũng không công bố thông tin, nhưng với áp lực của công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng thì vừa rồi cũng phải cung cấp. Cho nên mình không ngại là không lấy được thông tin từ nước ngoài.
Tôi cho là người có nghĩa vụ phải kê khai, có tiền, tài khoản, đồ vật ở nước ngoài thì khôn ngoan nhất là phải kê khai bởi việc phát hiện bây giờ rất dễ. Không khó khăn gì cả.
Liên quan tính trung thực của việc kê khai tài sản, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ nắm được, đã có bao nhiêu trường hợp kê khai gian dối và bị phát hiện, mức xử lý cao nhất là như thế nào?
Hình thức cao nhất là mất chức. Ví dụ định bổ nhiệm ông ta nhưng ông không kê khai trung thực là thôi. Ví dụ thế. Cái này tôi nhớ là có rồi. Nhưng mà tất nhiên là hiện nay chưa nhiều. Nhưng để kiểm soát sự trung thực thì công khai bản kê khai tài sản chính là một phương thức kiểm soát. Ví dụ bây giờ tôi làm vụ trưởng không phải mấy chục anh em đều đồng ý tôi cả, họ có thể, trong hoạt động chưa hiểu nhau, người ta cũng phải săm soi ông vụ trường này có chuyện gì không, có thể công việc ông không nói đạo đức tư cách không nói nhưng săm soi bản kê khai tài sản. Cho nên người, nhất là có chức vụ quyền hạn, giải pháp tốt nhất là trung thực trong kê khai.
Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn đã được xây dựng đến đâu, thưa ông?
Hiện nay chưa xây dựng đề án này, mặc dù Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp các cơ quan chức năng để xây dựng. Nhưng Bộ Nội vụ đề xuất thanh tra Chính phủ có kinh nghiệm trong việc này và Thủ tướng đồng ý giao cho Thanh tra Chính phủ.
Thực chất việc xây dựng đề án đã chậm rồi, các ủy ban của Quốc hội cũng có nhắc nhở Chính phủ chậm trình đề án này. Nhưng quả thực làm đề án này rất khó. Nhưng khó không có nghĩa không làm được.
Theo lộ trình, thì tổng hợp đánh giá có rồi, đề xuất hoàn thiện cấp chính phủ là có rồi, từ những cái đó sẽ xây dựng một đề án kiểm soát thu nhập. Rõ ràng quản lý của mình có khiếm khuyết, thế nên bây giờ kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, toàn xã hội thì phải có lộ trình. Tôi chắc không thể nhanh được. Nhưng mình phải làm. Nếu không làm thì phòng, chống tham nhũng không thể hiệu quả được.
Việc trình đề án có thể nó sẽ nằm cùng đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tới đây.