06:12 29/10/2010

“Nói tham nhũng giảm, tôi chưa đồng tình”

Nguyên Bình

Ủy ban Tư pháp cho rằng tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng phức tạp và ngày càng tinh vi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba.
Vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Báo cáo thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 của Chính phủ của Ủy ban Tư pháp đã đưa ra nhiều nội dung đáng chú ý.

Trước hết, đó là nhận định về tình hình tham nhũng khác với Chính phủ. Sau nữa là nỗi bức xúc của xã hội và cử tri khi cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin. Và cả những lời “phê” dành cho báo chí…

Giờ giải lao của phiên thảo luận tổ sáng 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đã trao đổi kỹ hơn những vấn đề nói trên.

Thưa bà, lý do nào khiến cơ quan thẩm tra không cùng nhận định về tình hình tham nhũng với Chính phủ?

Chính phủ đánh giá, tình hình tham nhũng tuy có giảm, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn.

Tuy nhiên, không phải riêng tôi, mà đánh giá của lãnh đạo Đảng Nhà nước và ngay cả trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng XI cũng nói tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và còn tinh vi, nhiều thủ đoạn.

Nói rằng tham nhũng giảm thì tôi chưa đồng tình. Nhìn vào công tác phát hiện và xử lý hiện nay giảm so với năm trước và hàng năm, mỗi năm đều giảm. Nhưng chỉ nhìn vào cái đó thì không thể nói là tình hình tham nhũng giảm, mà cái đó thể hiện năng lực của các cơ quan chức năng chưa tương xứng, hiệu quả và hiệu lực chưa cao cho nên việc phát hiện và xử lý ngày càng giảm. Cái đó ta thấy rất rõ.

Vì thế nên Ủy ban Tư pháp đã đưa ra nhận định, việc phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng?

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao quyết tâm cao mà kết quả chống tham nhũng lại hạn chế.  Ý kiến chung của Ủy ban Tư pháp là do năng lực của các cơ quan chức năng là một. thứ hai nữa là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiện nay chưa phát huy trên thực tế.

Chính phủ đề ra là kiểm soát chặt chẽ thu nhập cán bộ công chức nhưng có kiểm soát được đâu. Bây giờ trả lương qua tài khoản cũng chưa nói được gì bởi vì lương là thứ minh bạch nhất. Tuy nhiên trả lương qua tài khoản là cần thiết nhưng nếu dừng lại ở đây thì nó chưa phát huy được hiệu quả mà tiến tới tất cả thu nhập phải được thể hiện qua tài khoản.

Thực tế nữa là sử dụng tiền mặt trên thực tế còn tràn lan, chưa hạn chế được thì làm sao anh kiểm soát được. Ví dụ đi mua cái nhà trị giá hàng mấy tỷ đồng nhưng vẫn cho trả bằng tiền mặt và cũng không ai hỏi tiền mặt này ở đâu ra.

Không kiểm soát được nguồn thu nhập thì rõ ràng không thể nào chống tham nhũng hiệu quả được. Nhưng cái này mới chỉ là một mặt thôi, nhiều vấn đề khác nữa chúng ta chưa quản lý được, các biện pháp chống tham nhũng chưa phát huy được hiệu quả thì làm sao nói chống tham nhũng hiệu quả được.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp có nêu thực tế “xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin”, bà có thể cho biết cụ thể hơn?
 
Đúng là dư luận nhìn vào người ta thấy có biểu hiện của việc bao che, còn thực chất có bao che hay không thì vấn đề này phải đi vào cụ thể mới biết được. Với Vinashin, đã qua nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước thì chưa vào, mới kiểm toán độc lập thôi. Nhưng thanh tra thì có thanh tra bộ, ngành, thanh tra Chính phủ có vào rồi, có phát hiện rồi nhưng tại sao vẫn để xảy ra như vậy.

Chính phủ thì nói rằng Vinashin báo cáo sai sự thật nhưng tôi vẫn cho rằng quản lý không phải bằng việc cơ quan đó báo cáo, có nhiều kênh chứ. Nhà nước mình có những tổ chức đối trọng, có những tổ chức phải giám sát kiểm tra để làm tai, làm mắt cho Chính phủ. Tại sao ta không tin vào các cơ quan này? Cho nên dư luận người ta vẫn không hài lòng, không đồng tình với việc báo cáo rằng, vì Vinashin báo cáo sai sự thật mà Chính phủ bó tay.

Sắp tới khi chất vấn thì để xem các bộ ngành chịu trách nhiệm đến đâu, chứ còn rõ ràng là chức năng đã giao rồi. Đã kiến nghị rồi nhưng người được kiến nghị xử lý thông tin kiến nghị như thế nào thì cái đó là việc của Chính phủ, phải chờ Chính phủ báo cáo.

Nhìn lại cả quá trình thì đúng là với Vinashin từ năm 2007 cũng đã có dư luận về đầu tư tràn lan, đến năm 2008 thì râm ran nhiều chuyện, dư luận đã không đồng tình rồi. Quốc hội cũng đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này rồi và cho đến bây giờ Chính phủ vẫn bảo sai phạm của Vinashin là do năng lực. Bây giờ mình nói trước thì nó không thận trọng lắm cho nên ta cứ chờ xem sắp tới Chính phủ trả lời thế nào đã.

Khi đưa vào báo cáo thẩm tra ý kiến đó của cử tri, hẳn Ủy ban Tư pháp cũng có quan điểm riêng của mình?

Cái đó là dư luận chúng tôi tập hợp thông tin qua công tác giám sát và công tác khác nữa. Chúng tôi cũng thấy rằng dư luận bức xúc trước sai phạm Vinashin, người ta vẫn cho rằng có biểu hiện bao che.

Chúng tôi có quyền phản ánh dư luận. Vì tôi là đại biểu của dân chứ có phải tôi đại diện cho Nhà nước đâu. Chúng tôi được quyền phản ánh từ hai phía, từ cơ quan chức năng và dựa vào dân để đưa nhận xét của mình là đương nhiên.

Thưa bà, trước con số trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng cấp Trung ương chỉ chiếm 0,3%, Ủy ban Tư pháp cũng phản ánh dư luận xã hội và cử tri cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn thiếu quyết liệt, nể nang, nương nhẹ?

Đấy là mình phân tích trên cơ sở tỷ lệ có thật đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Dư luận thì đặt câu hỏi phải chăng cấp trên không có tham nhũng. Vì thế chúng tôi nêu như vậy để Chính phủ xem xét lại,  các cơ quan chức năng xem lại, còn hỏi có cụ thể ở chỗ nào thì chúng tôi chưa thể chỉ được.

 Ủy  ban cho rằng tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng phức tạp và ngày càng tinh vi, còn có ở chỗ nào và có hay không thì phải trông cậy vào các cơ quan chức năng chứ. Chính phủ lập  ra anh thì anh phải làm chứ. Vì thế trong báo cáo thẩm tra chúng tôi vẫn yêu cầu phải tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chứ hiện nay chúng tôi vẫn chưa bằng lòng và dư luận chưa hài lòng.

Vậy còn nhận định“các cơ quan truyền thông có biểu hiện quá thận trọng, thậm chí thiếu tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng” tại báo cáo thẩm tra được đưa ra trên cơ sở nào?

Trước đây báo chí có nhiều bài điều tra, đưa nhiều thông tin có giá trị cho công tác phòng chống tham nhũng, các phóng viên điều tra thì rất là “chiến”. Bây giờ đâu mất hết rồi, chỉ nhặt cái tin chỗ này chỗ kia đưa lên, chúng tôi cho rằng có phần co cụm lại.

Theo tôi thì báo chí cứ điều tra và cứ nêu trung thực, cứ nói đúng, thận trọng, qua kênh của mình mà phát hiện được thì cứ nói là “có biểu hiện” chứ đừng có nói là chỗ này chỗ kia tham nhũng.  Vì báo chí có được trao quyền năng như các cơ quan chức năng đâu. Song báo chí có quyền cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng chứ.