Khắc phục đình trệ và ngăn ngừa lạm phát: Thách thức mới
Làm thế nào khắc phục được tình trạng đình trệ kinh tế nhưng lại không khởi động một chu kỳ lạm phát mới?
Một thách thức to lớn của Chính phủ trong năm 2009 là làm thế nào khắc phục được tình trạng đình trệ kinh tế nhưng lại không khởi động một chu kỳ lạm phát mới.
Dấu hiệu kinh tế đình trệ đã rõ nét
Sau khi cập nhật số liệu thống kê của tháng 11 thì có thể kết luận là trong năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ trên 20%, còn tốc độ tăng trưởng GDP sẽ xấp xỉ 6,5%. Như vậy, trong khi nguy cơ lạm phát vẫn còn thì dấu hiệu đình trệ kinh tế đã xuất hiện và ngày càng trở nên rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% không thể bị coi là thấp, nhưng ở một nền kinh tế với tiềm năng tăng trưởng 9-10%, đã từng tăng trưởng với tốc độ trung bình 8% trong năm năm qua, thì việc tốc độ tăng trưởng giảm đi những hai điểm phần trăm chỉ trong vòng một năm là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Nếu tiếp tục đà này, nền kinh tế sẽ không đủ khả năng tạo ra 1,7 triệu việc làm mới hàng năm cho những người đến tuổi lao động. Đấy là chưa kể đến yêu cầu phải chuyển hàng trăm ngàn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, vốn là một yêu cầu bắt buộc của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng đang có vấn đề. Sản xuất công nghiệp những tháng đầu quí 4/2008 tăng chậm lại - ngược với quy luật của những năm trước. Nếu tính gộp từ đầu năm đến tháng 11/2008 thì giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 15,6% (so với 17,4 của tháng 11/2007).
Tương tự như vậy, tốc độ tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá) trong 11 tháng đầu năm 2008 cũng chỉ đạt 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 10% của tháng 11/2007. Kim ngạch xuất khẩu mấy tháng gần đây không những không tăng mà còn giảm do biến động của giá thế giới.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới tốc độ tăng trưởng vì xuất khẩu là một động cơ tăng trưởng, chiếm tới 70% GDP của nước ta.
Hơn thế, xu hướng này rất khó đảo ngược khi các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Mỹ, EU và Nhật Bản) đều đang rơi vào đình trệ hoặc suy thoái. Một dấu hiệu rất đáng lo ngại nữa là đầu tư của khu vực dân doanh giảm đáng kể.
Theo Cục Thống kê Tp.HCM, số vốn đăng ký của khu vực dân doanh trên địa bàn thành phố giảm gần 12.000 tỷ đồng (hay 9,5%) so với 11 tháng đầu năm 2007.
Đâu là giải pháp phù hợp?
Liệu việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ có thể vừa khắc phục được đình trệ kinh tế nhưng lại không làm tình trạng lạm phát xấu đi hay không?
Về mặt lý thuyết, câu trả lời là “có thể” nếu như các biện pháp kích thích đồng thời cũng giúp tăng năng lực của phía cung. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nhân tố hạn chế hiệu lực của chính sách tiền tệ và tài khóa. Và ngay cả khi những chính sách này có hiệu lực thì luôn tồn tại nguy cơ là lạm phát sẽ quay trở lại.
Về chính sách tiền tệ, chủ trương hạ lãi suất và giúp bổ sung vốn khả dụng cho các ngân hàng thương mại thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, hay cho phép sử dụng tín phiếu bắt buộc phát hành ngày 17/3/2008 để cầm cố vay vốn, chiết khấu, và sử dụng trên thị trường mở... mặc dù là một chủ trương đúng song hiệu lực đối với nền kinh tế thực lại khá hạn chế.
Nguyên nhân là vì vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là thiếu tiền mà là thị trường tín dụng bị tắc nghẽn. Ngân hàng thương mại thừa vốn khả dụng nhưng lại không cho vay được vì sợ rủi ro (thậm chí nhiều ngân hàng thương mại còn tích cực mua lại trái phiếu chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài, vừa an toàn, vừa có lợi suất tương đối cao).
Các doanh nghiệp thì một mặt chờ đợi lãi suất tiếp tục giảm, mặt khác do đang gặp rất nhiều khó khăn từ phía thị trường nên cũng chưa sẵn sàng vay tiền vào lúc này.
Cũng phải nói thêm rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 20% cho đến thời điểm này - chủ yếu do “dư âm” của mấy tháng đầu năm - là không hề thấp cho một nền kinh tế tăng trưởng 6-7% như Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc thực thi chính sách tín dụng không chỉ nằm ở lượng tín dụng mà quan trọng hơn là làm thế nào để phân bổ tín dụng một cách đúng đắn - tức là đưa tín dụng đến những đối tượng có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng, việc làm và kim ngạch xuất khẩu cao nhất cho nền kinh tế.
Về chính sách tài khóa, khả năng đưa ra một “gói kích thích” có hiệu lực bị giới hạn bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, khác với nhiều nước - mà điển hình là Trung Quốc - khả năng ngân sách của Việt Nam rất có hạn vì thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã ở mức rất cao (7% GDP theo IMF và ADB, nếu bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách).
Như vậy, bất kỳ một khoản chi lớn nào của Chính phủ đều sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách (ít nhất là trong ngắn hạn vì độ trễ của chính sách), đặc biệt khi các khoản chi không tạo ra giá trị gia tăng một cách tương ứng.
Cũng cần nói thêm rằng hạn chế về ngân sách không chỉ xảy ra với chính quyền trung ương mà còn đúng với các tỉnh - thành phố vì một phần lớn trong ngân sách của cấp chính quyền này có nguồn gốc từ các khoản thu từ nhà đất vốn đã suy giảm rất nhiều trong năm 2008.
Thứ hai, trong khi Chính phủ cần tăng chi tiêu cho mục tiêu kích thích kinh tế và chính sách xã hội thì nguồn thu ngân sách lại có nguy cơ bị thu hẹp.
Nếu giá dầu không tăng trở lại - một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra do tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu - thì nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Việt Nam trong năm 2009 ước tính sẽ bị giảm khoảng 2 tỷ USD.
Điều tương tự cũng đúng cho các hàng hóa cơ bản - vốn là thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng nhập khẩu (hiện chiếm khoảng 10% ngân sách) cũng sẽ suy giảm đáng kể.
Thứ ba, mặc dù kích cầu đầu tư có thể là một chính sách hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng nếu kích cầu đầu tư thông qua việc nới lỏng tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mà thiếu những sự thẩm định và giám sát thận trọng như trong thời gian qua thì kết quả rất có thể là nền kinh tế vẫn tiếp tục đình trệ, trong khi lạm phát bị kích hoạt trở lại.
Trên thực tế, chính sách kích cầu này đã được thực hiện khi mới đây một số tập đoàn nhà nước được hưởng tín dụng chỉ định với lãi suất ưu đãi mặc dù hiệu quả hoạt động của chúng rất thấp.
Thủ tướng Chính phủ đã đúng khi nhận định rằng “nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát chưa giải quyết được. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không để lạm phát quay lại”. Nói một cách hình tượng, nền kinh tế Việt Nam như một cơ thể bị sốt virus. Một toa thuốc đúng lúc đã giúp hạ cơn sốt, tuy nhiên virus - hay “nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát” vẫn còn.
Virus ở đây chính là những trục trặc mang tính cơ cấu, trong đó sự thiếu kỷ luật tài chính trong đầu tư công và trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn là đáng kể nhất.
Vì vậy, có nguy cơ là các biện pháp kích cầu thông qua đẩy mạnh đầu tư công hay nới lỏng tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ kích hoạt lạm phát trở lại trừ phi những vấn đề cơ bản, có tính cơ cấu của nền kinh tế được giải quyết một cách triệt để.
Nói tóm lại, chính sách tài khóa và tiền tệ nếu được sử dụng một cách đúng đắn có thể giúp khắc phục tình trạng đình trệ mà không gây thêm lạm phát. Để làm được điều này, chính sách không nên chỉ thuần túy kích cầu mà quan trọng không kém là phải tăng được năng lực của phía cung.
Thêm vào đó, những chính sách kích thích nên được thực hiện trên diện rộng chứ không nên tập trung vào một nhóm đối tượng nhất định, được chỉ định từ trước. Điều này một mặt làm tăng tính công bằng của chính sách, mặt khác hạn chế tâm lý ỷ lại của các đối tượng được hưởng đặc quyền, đặc lợi nhờ sự ưu ái của Nhà nước.
Chẳng hạn như Chính phủ có thể cân nhắc việc giảm thuế, giãn thu thuế, khuyến khích đầu tư, hay mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng đối với tất cả các thành phần kinh tế trên cơ sở hiệu quả và cạnh tranh chứ không chỉ ưu tiên khu vực nhà nước.
Trong trường hợp Chính phủ có lý do để hỗ trợ đặc biệt cho một đối tượng nào đó thì Chính phủ đồng thời cũng phải thẩm định và giám sát thật nghiêm ngặt để đảm bảo việc hỗ trợ đạt được mục tiêu mong muốn.
Cần nhấn mạnh thêm rằng bên cạnh việc thực hiện các chính sách kích thích thì Chính phủ cũng cần thực hiện các chính sách bổ trợ. Về mặt kinh tế, quan trọng nhất có lẽ là chính sách nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư trong nước.
Về mặt xã hội, quan trọng nhất có lẽ là các chính sách cải thiện đời sống và an sinh xã hội để giúp những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG)
Dấu hiệu kinh tế đình trệ đã rõ nét
Sau khi cập nhật số liệu thống kê của tháng 11 thì có thể kết luận là trong năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ trên 20%, còn tốc độ tăng trưởng GDP sẽ xấp xỉ 6,5%. Như vậy, trong khi nguy cơ lạm phát vẫn còn thì dấu hiệu đình trệ kinh tế đã xuất hiện và ngày càng trở nên rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% không thể bị coi là thấp, nhưng ở một nền kinh tế với tiềm năng tăng trưởng 9-10%, đã từng tăng trưởng với tốc độ trung bình 8% trong năm năm qua, thì việc tốc độ tăng trưởng giảm đi những hai điểm phần trăm chỉ trong vòng một năm là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Nếu tiếp tục đà này, nền kinh tế sẽ không đủ khả năng tạo ra 1,7 triệu việc làm mới hàng năm cho những người đến tuổi lao động. Đấy là chưa kể đến yêu cầu phải chuyển hàng trăm ngàn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, vốn là một yêu cầu bắt buộc của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng đang có vấn đề. Sản xuất công nghiệp những tháng đầu quí 4/2008 tăng chậm lại - ngược với quy luật của những năm trước. Nếu tính gộp từ đầu năm đến tháng 11/2008 thì giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 15,6% (so với 17,4 của tháng 11/2007).
Tương tự như vậy, tốc độ tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá) trong 11 tháng đầu năm 2008 cũng chỉ đạt 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 10% của tháng 11/2007. Kim ngạch xuất khẩu mấy tháng gần đây không những không tăng mà còn giảm do biến động của giá thế giới.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới tốc độ tăng trưởng vì xuất khẩu là một động cơ tăng trưởng, chiếm tới 70% GDP của nước ta.
Hơn thế, xu hướng này rất khó đảo ngược khi các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Mỹ, EU và Nhật Bản) đều đang rơi vào đình trệ hoặc suy thoái. Một dấu hiệu rất đáng lo ngại nữa là đầu tư của khu vực dân doanh giảm đáng kể.
Theo Cục Thống kê Tp.HCM, số vốn đăng ký của khu vực dân doanh trên địa bàn thành phố giảm gần 12.000 tỷ đồng (hay 9,5%) so với 11 tháng đầu năm 2007.
Đâu là giải pháp phù hợp?
Liệu việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ có thể vừa khắc phục được đình trệ kinh tế nhưng lại không làm tình trạng lạm phát xấu đi hay không?
Về mặt lý thuyết, câu trả lời là “có thể” nếu như các biện pháp kích thích đồng thời cũng giúp tăng năng lực của phía cung. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nhân tố hạn chế hiệu lực của chính sách tiền tệ và tài khóa. Và ngay cả khi những chính sách này có hiệu lực thì luôn tồn tại nguy cơ là lạm phát sẽ quay trở lại.
Về chính sách tiền tệ, chủ trương hạ lãi suất và giúp bổ sung vốn khả dụng cho các ngân hàng thương mại thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, hay cho phép sử dụng tín phiếu bắt buộc phát hành ngày 17/3/2008 để cầm cố vay vốn, chiết khấu, và sử dụng trên thị trường mở... mặc dù là một chủ trương đúng song hiệu lực đối với nền kinh tế thực lại khá hạn chế.
Nguyên nhân là vì vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là thiếu tiền mà là thị trường tín dụng bị tắc nghẽn. Ngân hàng thương mại thừa vốn khả dụng nhưng lại không cho vay được vì sợ rủi ro (thậm chí nhiều ngân hàng thương mại còn tích cực mua lại trái phiếu chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài, vừa an toàn, vừa có lợi suất tương đối cao).
Các doanh nghiệp thì một mặt chờ đợi lãi suất tiếp tục giảm, mặt khác do đang gặp rất nhiều khó khăn từ phía thị trường nên cũng chưa sẵn sàng vay tiền vào lúc này.
Cũng phải nói thêm rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 20% cho đến thời điểm này - chủ yếu do “dư âm” của mấy tháng đầu năm - là không hề thấp cho một nền kinh tế tăng trưởng 6-7% như Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc thực thi chính sách tín dụng không chỉ nằm ở lượng tín dụng mà quan trọng hơn là làm thế nào để phân bổ tín dụng một cách đúng đắn - tức là đưa tín dụng đến những đối tượng có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng, việc làm và kim ngạch xuất khẩu cao nhất cho nền kinh tế.
Về chính sách tài khóa, khả năng đưa ra một “gói kích thích” có hiệu lực bị giới hạn bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, khác với nhiều nước - mà điển hình là Trung Quốc - khả năng ngân sách của Việt Nam rất có hạn vì thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã ở mức rất cao (7% GDP theo IMF và ADB, nếu bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách).
Như vậy, bất kỳ một khoản chi lớn nào của Chính phủ đều sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách (ít nhất là trong ngắn hạn vì độ trễ của chính sách), đặc biệt khi các khoản chi không tạo ra giá trị gia tăng một cách tương ứng.
Cũng cần nói thêm rằng hạn chế về ngân sách không chỉ xảy ra với chính quyền trung ương mà còn đúng với các tỉnh - thành phố vì một phần lớn trong ngân sách của cấp chính quyền này có nguồn gốc từ các khoản thu từ nhà đất vốn đã suy giảm rất nhiều trong năm 2008.
Thứ hai, trong khi Chính phủ cần tăng chi tiêu cho mục tiêu kích thích kinh tế và chính sách xã hội thì nguồn thu ngân sách lại có nguy cơ bị thu hẹp.
Nếu giá dầu không tăng trở lại - một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra do tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu - thì nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Việt Nam trong năm 2009 ước tính sẽ bị giảm khoảng 2 tỷ USD.
Điều tương tự cũng đúng cho các hàng hóa cơ bản - vốn là thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng nhập khẩu (hiện chiếm khoảng 10% ngân sách) cũng sẽ suy giảm đáng kể.
Thứ ba, mặc dù kích cầu đầu tư có thể là một chính sách hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng nếu kích cầu đầu tư thông qua việc nới lỏng tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mà thiếu những sự thẩm định và giám sát thận trọng như trong thời gian qua thì kết quả rất có thể là nền kinh tế vẫn tiếp tục đình trệ, trong khi lạm phát bị kích hoạt trở lại.
Trên thực tế, chính sách kích cầu này đã được thực hiện khi mới đây một số tập đoàn nhà nước được hưởng tín dụng chỉ định với lãi suất ưu đãi mặc dù hiệu quả hoạt động của chúng rất thấp.
Thủ tướng Chính phủ đã đúng khi nhận định rằng “nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát chưa giải quyết được. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không để lạm phát quay lại”. Nói một cách hình tượng, nền kinh tế Việt Nam như một cơ thể bị sốt virus. Một toa thuốc đúng lúc đã giúp hạ cơn sốt, tuy nhiên virus - hay “nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát” vẫn còn.
Virus ở đây chính là những trục trặc mang tính cơ cấu, trong đó sự thiếu kỷ luật tài chính trong đầu tư công và trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn là đáng kể nhất.
Vì vậy, có nguy cơ là các biện pháp kích cầu thông qua đẩy mạnh đầu tư công hay nới lỏng tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ kích hoạt lạm phát trở lại trừ phi những vấn đề cơ bản, có tính cơ cấu của nền kinh tế được giải quyết một cách triệt để.
Nói tóm lại, chính sách tài khóa và tiền tệ nếu được sử dụng một cách đúng đắn có thể giúp khắc phục tình trạng đình trệ mà không gây thêm lạm phát. Để làm được điều này, chính sách không nên chỉ thuần túy kích cầu mà quan trọng không kém là phải tăng được năng lực của phía cung.
Thêm vào đó, những chính sách kích thích nên được thực hiện trên diện rộng chứ không nên tập trung vào một nhóm đối tượng nhất định, được chỉ định từ trước. Điều này một mặt làm tăng tính công bằng của chính sách, mặt khác hạn chế tâm lý ỷ lại của các đối tượng được hưởng đặc quyền, đặc lợi nhờ sự ưu ái của Nhà nước.
Chẳng hạn như Chính phủ có thể cân nhắc việc giảm thuế, giãn thu thuế, khuyến khích đầu tư, hay mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng đối với tất cả các thành phần kinh tế trên cơ sở hiệu quả và cạnh tranh chứ không chỉ ưu tiên khu vực nhà nước.
Trong trường hợp Chính phủ có lý do để hỗ trợ đặc biệt cho một đối tượng nào đó thì Chính phủ đồng thời cũng phải thẩm định và giám sát thật nghiêm ngặt để đảm bảo việc hỗ trợ đạt được mục tiêu mong muốn.
Cần nhấn mạnh thêm rằng bên cạnh việc thực hiện các chính sách kích thích thì Chính phủ cũng cần thực hiện các chính sách bổ trợ. Về mặt kinh tế, quan trọng nhất có lẽ là chính sách nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư trong nước.
Về mặt xã hội, quan trọng nhất có lẽ là các chính sách cải thiện đời sống và an sinh xã hội để giúp những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG)