Khai thác hình ảnh các nhân vật bản quyền: Còn nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt
Trên thế giới, việc ứng dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình trên các nhãn hàng không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lĩnh vực này khá mới và nhiều thách thức, trong đó có cả “chuyện vi phạm bản quyền”...
Nền kinh tế số đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những ý tưởng sáng tạo nội dung và các sản phẩm độc đáo. Tuy nhiên, sự sáng tạo chỉ có thể bền vững khi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng.
Đặc biệt, bản quyền và quyền tác giả đóng vai trò quan trọng khuyến khích sự sáng tạo. Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ để đảm bảo rằng người sáng tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo được bảo vệ, hưởng lợi từ công việc của mình một cách công bằng.
LÝ DO KHIẾN KHAI THÁC HÌNH ẢNH CÁC NHÂN VẬT BẢN QUYỀN TẠI VIỆT NAM CÒN HẠN CHẾ
Ngày 23/4, trong khuôn khổ sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” (IP Day), Hội thảo VMCC Marcom Talk #8: “Character Licensing & Character Marketing: Gia tăng kết nối, Mở lối doanh thu” đã diễn ra. Bên lề sự kiện, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, bà Lại Thị Mai, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành WOA UNI, công ty thành viên chuyên về mảng cấp quyền thương mại nhân vật của Sconnect, cho biết việc khai thác và ứng dụng bản quyền hiện mới đang ở giai đoạn đầu, với các bước như phát sóng trên các nền tảng trả phí OTT và hợp tác với một số nhãn hàng trong và ngoài nước.
Bà Mai cho rằng trong thực tế, những bước tiến của người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bản quyền còn khá mới mẻ, bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. “Trên thế giới, việc ứng dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình trên các nhãn hàng không phải là điều mới mẻ. Chẳng hạn, chúng ta đều biết đến Mickey của Disney. Mickey là một nhân vật hoạt hình đã tồn tại hơn 100 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này khá mới và vẫn đang trong giai đoạn phát triển”, bà Lại Thị Mai nói.
Theo bà Mai, xu hướng chung của ngành này liên tục tăng trưởng, xuất phát từ nhu cầu khách hàng về tính cá nhân hóa và niềm yêu thích của mỗi người đối với thần tượng của họ. Điều này tạo ra mối liên kết bền chặt với những nhân vật yêu thích. Việc sử dụng hình ảnh các nhân vật bản quyền liên quan đến những câu chuyện và giá trị cụ thể phù hợp với người dùng đang có xu hướng phát triển liên tục theo nhu cầu của con người. “Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác nhiều”, bà Lại Thị Mai cho biết.
Theo lý giải của bà Mai, tại thị trường Việt Nam, việc khai thác hình ảnh các nhân vật bản quyền còn hạn chế do một số lý do. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển cao, dẫn đến khả năng chi trả của người tiêu dùng còn thấp. Người tiêu dùng thường ưu tiên các sản phẩm có tính thực dụng, bền bỉ, màu sắc đẹp, và ít quan tâm đến việc sản phẩm đó có bản quyền hay không.
Thứ hai, công tác bảo hộ bản quyền của các cơ quan nhà nước vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường, ngay cả với những thương hiệu nổi tiếng. Thứ ba, tại Việt Nam chưa có thương hiệu sở hữu trí tuệ (IP) đủ mạnh để thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường. Khi các thương hiệu quốc tế tiến vào Việt Nam, họ thường thấy thị trường nhỏ bé và rút lui nhanh chóng do doanh thu và lợi nhuận không đạt như mong muốn.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ BẢO VỆ SỞ HỮU TRÍ TUỆ, BẢN QUYỀN NỘI DUNG
Không chỉ còn gặp những hạn chế nhất định như trên, mà những tác phẩm sáng tạo còn gặp thách thức về vi phạm bản quyền. Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng trong thời đại số, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Sự phổ biến của Internet và công nghệ số tạo điều kiện cho việc sao chép, phân phối trái phép các tác phẩm, đặt ra vấn đề về việc thực thi các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DCC), cho biết Trung tâm Bản quyền Số đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp công nghệ để ứng dụng vào bảo vệ bản quyền nội dung, sở hữu trí tuệ hiệu quả. “Trong môi trường số, sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả là những vấn đề quan trọng”, ông Hoàng Đình Chung nói. “Để bảo vệ giá trị sáng tạo, chúng ta cần thực hiện một loạt các hoạt động đồng bộ”.
Theo ông Chung, có nhiều giải pháp công nghệ cũng như có nhiều loại hình nội dung khác nhau. Mỗi loại hình sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả lại đòi hỏi áp dụng các giải pháp công nghệ khác nhau, không thể chỉ sử dụng một giải pháp công nghệ cho tất cả các loại nội dung. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần có các công cụ công nghệ để bảo vệ một cách chủ động.
“Trên môi trường số không biên giới và không có khoảng cách vật lý, việc thiết lập cơ chế bảo vệ chủ động rất cần thiết. Tuy vậy, cũng có rất nhiều trường hợp mặc dù đã có biện pháp chủ động bảo vệ nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Trong trường hợp này, chúng ta cần tiến hành khoanh vùng và áp dụng các biện pháp pháp lý liên quan”, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số nói và cho biết đây chính là một trong những vấn đề mà Trung tâm đã nghiên cứu trong thời gian qua.
“Chúng tôi xây dựng một nhóm giải pháp chung cho bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, bao gồm các biện pháp liên quan đến công nghệ, đồng thời kết nối với các cơ quan pháp lý. Khi những người sáng tạo nội dung, là các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, còn hạn chế về kiến thức pháp luật, chúng ta cần có những tổ chức, nhóm các chuyên gia pháp lý hay tổ chức truyền thông đứng ra hỗ trợ họ. Điều này giúp các nhà sáng tạo nội dung nhận thức đầy đủ về quyền hạn của mình trên môi trường số”.
Một mặt, bản quyền nội dung, sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ. Mặt khác, tiềm năng khai thác và ứng dụng bản quyền cũng là một lĩnh vực kinh doanh đang tăng trưởng mạnh mẽ. Chính vì thế, bà Lại Thị Mai của WOA UNI cho biết sẽ hợp tác với các cơ quan, ban ngành để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm Việt Nam và lợi ích của việc khai thác bản quyền đối với các doanh nghiệp Việt, cũng như giá trị của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu tác giả.
Trong khi đó, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA), sáng lập và CEO của Sconnect, cho biết Việt Nam có hơn 2.000 làng nghề, trong đó hơn 150 làng được UNESCO công nhận có giá trị nghệ thuật cao.
"Điều này cho thấy khả năng sáng tạo, tỉ mỉ, handmade của chúng ta rất mạnh, đây là điều không phải nước nào cũng có. Và đó chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm sáng tạo và kinh doanh những sản phẩm này, không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng ra toàn cầu nhờ sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử và các nền tảng phát hành sản phẩm. Đây là cơ hội tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh quốc tế", ông Tạ Mạnh Hoàng nói.
Theo thông tin được bà Mai chia sẻ, doanh thu hàng hóa ngành character licensing 2022 trên toàn thế giới là 278 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 128,4 tỷ USD năm 2019.