20:19 23/04/2024

Sở hữu trí tuệ, bản quyền là vấn đề sống còn với doanh nghiệp

Nhĩ Anh

Quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, quyền tác giả đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ và khuyến khích sự sáng tạo. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong bảo vệ quyền tác giả là sự phổ biến của internet và công nghệ số, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sao chép và phân phối trái phép các tác phẩm...

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo VMCC Marcom Talk #8 với chủ để “Character Licensing & Character Marketing- Gia tăng kết nối, mở lối doanh thu”.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo VMCC Marcom Talk #8 với chủ để “Character Licensing & Character Marketing- Gia tăng kết nối, mở lối doanh thu”.

Chiều 23/4/204, Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam (VMCC) dưới sự bảo trợ của Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Truyền thông số Việt Nam đã cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số, bản quyền số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hoá, truyền thông và tiếp thị tổ chức hội thảo VMCC Marcom Talk #8 với chủ để “Character Licensing & Character Marketing- Gia tăng kết nối, mở lối doanh thu”.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 tại Việt Nam năm 2024, góp phần đại chúng hoá, trực quan sinh động hoá, kinh tế hoá các kiến thức về sở hữu trí tuệ và sáng tạo để nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục cũng như đưa sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn; nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, đặc biệt trong bối cảnh nền công nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ.

CÔNG NGHIỆP SÁNG TẠO VIỆT NAM ĐANG CHIẾM KHOẢNG 3% GDP

Là một trong lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ, ngành c nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã và đang tạo ra những giá trị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề về kinh tế, con người, môi trường.

Doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại. Những con số cho thấy đây là “con gà đẻ trứng vàng” của các nước xuất khẩu văn hóa, sáng tạo toàn cầu như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…

Ở các quốc gia này, công nghiệp sáng tạo chiếm từ 5-8% GDP. Còn tại Việt Nam, ước tính công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa đang chiếm khoảng 3% GDP.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong sáng tạo nội dung, mang lại giá trị lớn, Sconnect đã có hướng đi riêng, sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình riêng của mình, sáng tạo ra các bộ phim hay để thu hút trẻ em trên toàn thế giới, trở thành một trong những điển hình trong phát triển IP thành công ở Việt Nam.

Chia sẻ về những thành quả nỗ lực sáng tạo, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, CEO Sconnect cho biết, Sconnect hiện đang sáng tạo 18 bộ IP trong đó có nhiều bộ được trẻ em trên thế giới yêu thích như Wolfoo.

Series phim hoạt hình Wolfoo đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể, được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ với hơn 2 tỷ lượt xem hàng tháng trên YouTube, và nhận được 3 nút kim cương.

Đây là câu chuyện truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp sáng tạo Việt Nam tin tưởng sự sáng tạo của người Việt hoàn toàn có thể chinh phục thị trường toàn cầu, mang lại nhiều giá trị cho đất nước và có thể ghi danh trên thế giới.

Series phim hoạt hình Wolfoo đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể, được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ với hơn 2 tỷ lượt xem hàng tháng trên YouTube, và nhận được 3 nút kim cương.
Series phim hoạt hình Wolfoo đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể, được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ với hơn 2 tỷ lượt xem hàng tháng trên YouTube, và nhận được 3 nút kim cương.

“Chúng ta có thể sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình, thương mại hóa theo con đường riêng, bằng các ứng dụng giáo dục, game, phim và hoàn toàn có thể thành công. Hoạt động sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nội dung sẽ tiếp tục có sức nóng tiềm năng rất lớn trong giai đoạn tới. Lĩnh vực sáng tạo nội dung của Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ. Sáng tạo của Việt Nam hoàn toàn đủ sức khẳng định vai trò, giá trị trên thị trường quốc tế. Những nỗ lực của chúng ta sẽ tạo nên các thành tựu mới trong giai đoạn sắp tới”, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số khẳng định.

Với chủ đề “Character Licensing & Character Marketing”, VMCC MarCom Talk #08 đã mang đến nhiều thông tin, kiến thức giá trị, giúp các doanh nghiệp hiểu đúng, bài bản về việc tạo lập và khai thác bản quyền hình ảnh nhân vật phục vụ hoạt động kinh doanh.

Là một trong số doanh nghiệp tiên phong trong Character Marketing, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, CEO Canifa chia sẻ những bài học quý giá về chiến lược mua bản quyền hình ảnh, phạm vi ứng dụng và quy trình triển khai, đánh giá, đo lường đầy thực tế. Qua câu chuyện của  mình, bà Ngọc đã phân tích và lý giải vì sao doanh nghiệp cần phải mua bản quyền cũng như những giá trị mang lại cho doanh nghiệp.

Còn bà Lại Thị Mai, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành WOA UNI- Công ty thành viên chuyên về mảng cấp quyền thương mại nhân vật của Sconnect đã chia sẻ những kiến thức về mô hình tạo giá trị, mô hình phát triển của một nhân vật (Character -IP), các tiêu chí, tiêu chuẩn IP cho ngành character licensing trên thế giới và cách ứng dụng tại Việt Nam. Một bức tranh về ngành này được bà Mai khái quát trên cả bình diện quốc tế và Việt Nam cũng như đưa ra những nhận định về xu thế phát triển.

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ, QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU THÁCH THỨC

Bà Mai cũng nêu ra một số vấn đề thị trường đang phải đối mặt như các brand là licensee của các IP Ower lớn thông quan licensing Agency trong khu vực; chưa có các dịch vụ marketing tích hợp bản quyền. Bên cạnh đó nhận thức của thị trường còn nhiều hạn chế. Không những thế tình trạng hàng nhái, sao chép hình ảnh nhân vật nổi tiếng còn nhiều… Tuy nhiên, đây là là cơ hội để lan tỏa cách hiểu đúng, phát triển năng lực sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng tạo, ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Từ công nghệ thông tin, truyền thông đến nghệ thuật và thiết kế, các lĩnh vực này đều đang chứng kiến sự bùng nổ của những ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo.

“Điều quan trọng là sự sáng tạo này chỉ có thể phát triển bền vững khi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng”, ông Bách nói.

 
Sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Điều quan trọng là sự sáng tạo này chỉ có thể phát triển bền vững khi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng.

Cũng theo ông Bách, quyền sở hữu trí tuệ, hay cụ thể hơn trong trường hợp này là bản quyền, quyền tác giả đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ và khuyến khích sự sáng tạo. Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng để đảm bảo người tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo được bảo vệ và được hưởng lợi từ công việc của mình một cách công bằng, chính đáng. Quyền tác giả không chỉ bảo vệ lợi ích kinh tế của người tác giả mà còn bảo vệ quyền lợi tinh thần và sự sáng tạo của họ.

Tuy nhiên, ngày nay, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Bách, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự phổ biến của internet và công nghệ số, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sao chép và phân phối trái phép các tác phẩm.

Điều này đặt ra vấn đề về việc làm thế nào để thực thi các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh nền kinh tế số một cách hiệu quả và công bằng.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, chiến lược sở hữu trí tuệ, chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và sắp tới là Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.

Ông Bạch nhấn mạnh "việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả không chỉ là trách nhiệm của các nhà lập pháp và chính phủ mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ và tôn trọng công sức sáng tạo của người khác".

Chia sẻ điều này, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số cho rằng trên môi trường số, sở hữu trí tuệ, bản quyền là vấn đề sống còn. Để bảo vệ giá trị sáng tạo cần có các giải pháp đồng bộ, chủ động.

Ông Chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, sáng tạo trên môi trường số đến không chỉ các đối tượng sáng tạo nội dung mà cả cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng phân phối, khai thác nội dung sáng tạo...