11:30 01/07/2009

Khai thác ở vùng biển giáp ranh: Đừng để “vô tình bị bắt”

Nhiều tàu cá của Việt Nam khi ra khơi bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đòi tiền chuộc… đang là mối quan ngại đặc biệt của ngư dân

Tình cảnh mất nhà, chồng bỏ nghề đi làm thuê, mẹ con nheo nhóc của bà Nguyễn Thị Hoa (Núi Thành, Quảng Nam) sau khi nộp phạt 160 triệu đồng để chuộc chồng vào năm 2007 - Ảnh: Đ.Nguyễn
Tình cảnh mất nhà, chồng bỏ nghề đi làm thuê, mẹ con nheo nhóc của bà Nguyễn Thị Hoa (Núi Thành, Quảng Nam) sau khi nộp phạt 160 triệu đồng để chuộc chồng vào năm 2007 - Ảnh: Đ.Nguyễn
Nhiều tàu cá của Việt Nam khi ra khơi bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đòi tiền chuộc… đang là mối quan ngại đặc biệt của ngư dân.

Trả lời phóng viên, TS. Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết:

- Thời gian qua chúng tôi có nhận được thông tin về việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Phải khẳng định, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế rộng trên một triệu kilômét vuông (gấp ba lần đất liền), và như vậy, ngư dân Việt Nam có quyền khai thác hải sản tại vùng đặc quyền đó, không ai có quyền ngăn cản ngư dân Việt Nam khai thác trên biển của Việt Nam.

Nhưng thực tế, đã có nhiều tàu của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ?

Vùng biển của Việt Nam rất rộng, và có vùng biển giáp ranh với một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như với Indonesia, Malaysia…, giữa hai bên có vùng chồng lấn, chưa phân định rõ. Do điều kiện thời tiết, sóng, gió, dòng chảy…việc tàu cá của ngư dân không may bị trôi dạt vào vùng biển nước bạn là do vô tình. Nhưng cũng có số ít ngư dân đưa tàu thuyền vào khai thác ở vùng biển thuộc nước bạn nên bị bắt giữ, xử phạt, tịch thu phương tiện…

Nếu ngư dân cố tình vi phạm, thì những hành động đó, rõ ràng phải được chấm dứt.

Ngư dân bị bắt khi khai thác trên vùng biển giáp ranh, theo ông, liệu có đủ cơ sở pháp lý để xử lý không?

Trừ phi ngư dân vi phạm rõ ràng, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, thì họ có quyền bắt giữ, xử phạt theo luật. Còn ở đây, nếu chỉ đánh bắt trên vùng giáp ranh, vùng chưa được phân định rõ ràng, thì lẽ ra nên đối xử với ngư một cách nhân đạo, nhất là trong điều kiện sóng gió, dòng chảy, phương tiện thông tin liên lạc chưa tốt...

Đã có những trường hợp tàu thuyền của Thái Lan xâm phạm vào vùng biển Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đối xử rất nhân đạo, chúng ta chỉ lập biên bản, xử phạt theo hình thức hữu nghị, sau đó phóng thích toàn bộ tàu và người vi phạm.

Theo lời ngư dân, khi bị nước ngoài bắt, thường có “thương nhân lạ mặt” làm trung gian để chuộc tàu và người. Vậy có chăng một đường dây “môi giới” bắt tàu lấy tiền chuộc?

Báo chí có đưa tin đó, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng để chứng minh sự việc. Chính vì vậy, nghi ngờ này vẫn đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng để điều tra, xem xét. Nếu có hiện tượng như vậy thì phải ngăn chặn ngay để bà con ngư dân đỡ thiệt thòi.

Nhiều chủ tàu, sau khi bị nước ngoài bắt giữ tàu, đã không báo với cơ quan chức năng mà tự chạy, chuộc. Theo ông, có cần một chính sách cứng rắn hay cứ để ngư dân “tự thân vận động”?

Nếu ngư dân cứ tự mình đóng tiền phạt thì sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Chúng ta không loại trừ khả năng tàu thuyền bị bắt thì có những người với ý đồ này khác, họ lợi dụng chính sách của họ để xâm phạm quyền lợi của ngư dân Việt Nam.

Chính vì thế, ngư dân Việt Nam không nên trực tiếp nộp tiền phạt để chuộc, mà tốt nhất cứ báo cho các cơ quan chức năng để chúng ta làm việc bằng đường ngoại giao. Bằng con đường này, ngư dân có thể nhận lại tàu và đăng ký lại để hoạt động. Nếu ngư dân tự chuộc về, chưa chắc cơ quan chức năng Việt Nam cho đăng ký lại tàu bị phạt, điều này gây thiệt đơn thiệt kép cho họ.

Đến bây giờ, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có động thái gì mới nhất để giúp đỡ ngư dân yên tâm hơn khi ra khơi?

Chúng tôi hướng dẫn ngư dân những vùng khai thác, cung cấp cho ngư dân sơ đồ các vùng giáp ranh trên biển và đề nghị ngư dân nên đi khai thác theo tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau. Tuyệt đối không vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài và vùng lãnh thổ khác, cần thận trọng và lưu ý khi khai thác ở các vùng biển giáp ranh trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tránh chuyện vô tình vi phạm.

Khi gặp các sự cố trên biển, ngư dân tìm cách thông báo nhanh về cho cơ quan chức năng để được giải quyết một cách tốt đẹp nhất.

Phan Hương (SGTT)