17:18 19/12/2008

Khánh thành nhà máy xi măng hiện đại nhất Việt Nam

Hà Vy

Ngày 18/12, Nhà máy Xi măng Thăng Long, được xem là có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, chính thức hoạt động

Nhà máy Xi măng Thăng Long có công suất 6.000 tấn clanker/ngày, tương đương 2,3 triệu tấn xi măng PCB 40/năm.
Nhà máy Xi măng Thăng Long có công suất 6.000 tấn clanker/ngày, tương đương 2,3 triệu tấn xi măng PCB 40/năm.
Ngày 18/12, Nhà máy Xi măng Thăng Long, được xem là có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, chính thức hoạt động.

Theo Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long, chủ đầu tư, nhà máy này có thế mạnh nổi trội ở dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, với thiết bị đồng bộ của hãng Polysius (Đức).

Nhà máy Xi măng Thăng Long có công suất 6.000 tấn clanker/ngày, tương đương 2,3 triệu tấn xi măng PCB 40/năm, đặt tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Trạm nghiền đặt tại khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM với công suất 200 tấn/giờ, thực hiện nghiền 990.000 tấn clanker/năm phục vụ cho sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn xi măng PCB 40/năm…

Sản phẩm xi măng tại đây được sản xuất bằng công nghệ lò quay theo phương pháp khô có hai bệ đỡ lần đầu tiên có tại Việt Nam, giúp lò vận hành ổn định, kéo dài tuổi thọ. Và theo các chuyên gia công nghệ, với mức độ điều khiển tự động hóa cao sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng, ổn định với mức tiêu hao nguyên vật liệu, vật tư, năng lượng hợp lý.

Ngoài công nghệ, lợi thế của nhà máy này là có vị trí địa lý thuận lợi, như: các mỏ nguyên liệu chất lượng cao, dồi dào (đủ cho 2 – 3 dây chuyền hoạt động trên 50 năm) và cự ly vận chuyển ngắn (khoảng 3 km); hệ thống cảng thuận lợi (nằm ngay sát cảng Cái Lân) và trạm nghiền (cảng sông Soài Rạp) có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng từ 15.000 DWT đến 30.000 DWT, đảm bảo cho nhà máy có thể giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, thuận lợi trong việc xuất hàng bằng đường thủy.

Nhà máy Xi măng Thăng Long là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư theo Quyết định số 627/QĐ-TTg, ngày 29/7/2002, tổng vốn đầu tư trên 5.431 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long, một trong những mô hình công ty cổ phần đầu tiên giữa các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – Lilama) với doanh nghiệp tư nhân (Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco) cùng tham gia thực hiện dự án nhóm A trong ngành xi măng.