“Khẩu chiến” hạt nhân Mỹ-Iran tiếp tục căng thẳng
Iran cảnh báo tăng cấp làm giàu uranium, ông Trump khuyên Tehran không nên dọa
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/7 khuyên Iran không nên đưa ra những lời đe dọa có thể "quay lại hại chính các ông", sau khi Tehran tuyên bố sẽ phá vỡ thỏa thuận hạt nhân 2015.
Theo hãng tin Reuters, cảnh báo trên được ông Trump phát đi sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng sau ngày 7/7, nước này sẽ làm giàu uranium vượt quá mức 3,67% - ngưỡng tối đa quy định trong thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký kết với các cường quốc cách đây 4 năm.
Giới hạn này là ngưỡng làm giàu uranium ở cấp độ thấp, được xem là phù hợp cho mục đích phát điện. Việc làm giàu uranium ở cấp độ 90% sẽ tạo ra vật liệu có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân.
Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần Iran công bố về những động thái phá vỡ quy định của thỏa thuận hạt nhân - thỏa thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ kể từ khi Mỹ rút lui vào năm ngoái, bất chấp những nỗ lực giữ thỏa thuận của các nước châu Âu.
"Mức làm giàu hạt nhân của chúng tôi sẽ không còn là 3,67 nữa. Chúng tôi sẽ gạt cam kết này sang bên và làm giàu hạt nhân ở bất cứ mức độ nào mà chúng tôi cảm thấy thích, với khối lượng mà chúng tôi cần. Chúng tôi sẽ vượt qua ngưỡng 3,67", hãng tin IRIB của Iran dẫn lời ông Rouhani.
Ông Trump đáp trả tuyên bố của người đồng cấp Iran bằng một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter: "Iran vừa mới đưa ra một cảnh báo mới. Ông Rouhani nói rằng họ sẽ làm giàu uranium với "bất kỳ khối lượng nào" họ muốn nếu không có một thỏa thuận hạt nhân mới. Hỡi Iran, hãy cẩn trọng với những lời đe dọa, vì những lời đe dọa của các công có thể quay lại hại chính các ông!".
Tuy tỏ quan điểm cứng rắn, ông Rouhani nói rằng tất cả các động thái của Iran đều có thể đảo ngược, đồng thời kêu gọi chính quyền ông Trump "áp dụng phương pháp phù hợp" và quay trở lại bàn đàm phán.
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang mạnh từ tháng trước, sau khi Tehran bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ. Ông Trump đáp trả bằng một quyết định không kích Iran, nhưng đã hủy kế hoạch tấn công vào phút chót. Tiếp đó, ông ký sắc lệnh trừng phạt một loạt quan chức Iran, trong đó có lãnh tụ tối cao của nước này, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.
Ngoài vụ bắn rơi thiết bị bay, Mỹ và Iran còn căng thẳng xung quanh loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh gần đây. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công này, trong khi Tehran phủ nhận.
Hôm thứ Hai tuần này, Iran tuyên bố đã tích trữ được hơn nhiều hơn giới hạn 300 kg uranium làm giàu ở cấp độ thấp như quy định trong thỏa thuận hạt nhân. Ông Trump ngay lập tức cảnh báo rằng Tehran "đang đùa với lửa".
Các nước châu Âu ký kết thỏa thuận bày tỏ lo ngại về những động thái trên của Iran, kêu gọi Mỹ và Iran cố gắng kiềm chế để tránh đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân.
Ông Rouhani ngày 3/7 nói nếu châu Âu không có biện pháp bảo vệ quan hệ thương mại với Iran như đã hứa trong thỏa thuận, thì Tehran có thể sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak vào ngày 7/7.
Sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, ông Trump đã tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế lên nước này. Mục đích chính của sự trừng phạt là khiến Iran không thể xuất khẩu dầu, đồng nghĩa cắt đi nguồn "nhựa sống" của nền kinh tế nước này. Dưới sức ép từ lệnh trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ, xuất khẩu dầu của Iran đang giảm dần về ngưỡng 0.
Theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với 6 cường quốc vào năm 2015, nước này được dỡ hầu hết các biện pháp trừng phạt và đổi lại, Iran phải hạn chế năng lực làm giàu uranium. Mục đích của thỏa thuận là không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Trump cho rằng đây là một thỏa thuận tồi, không có lợi cho Mỹ, nên rút khỏi thỏa thuận và đòi đàm phán một thỏa thuận mới. Sau khi Mỹ rời thỏa thuận, các nước còn lại giữ thỏa thuận với Iran gồm Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.