09:15 25/05/2009

Khoan sức dân, đâu chỉ là giảm thuế…

Minh Thúy

Chưa có kỳ họp nào mà vấn đề khoan sức dân lại được đặt ra “nóng hổi” như lần này

Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương khoan sức dân.
Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương khoan sức dân.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 đã qua tuần làm việc đầu tiên với chương trình nghị sự kín cả ngày thứ bảy.

Ngay tại phiên khai mạc (được truyền hình trực tiếp), trước hàng triệu cử tri cả nước, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã “trình Quốc hội cho tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh về thuế để tiếp tục thực hiện chính sách khoan sức dân, giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ suy giảm kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo”.

Chủ trương này được thể hiện qua nhiều đề xuất cụ thể của Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Bên cạnh phương án miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, trong chương trình kỳ họp, một dự án luật liên quan đến việc sửa cùng một lúc ba luật : Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quản lý thuế sẽ được Quốc hội quyết định.

Mặc dù, ngày 12/5 Chính phủ mới có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội đưa nội dung này vào Nghị quyết bổ sung về điều hành kinh tế xã hội, ngân sách năm 2009.

Cạnh đó, một đề án về cải cách cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo mà theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì khi thực hiện “học phí sẽ không còn là gánh nặng với người dân nữa” cũng được trình Quốc hội xem xét.

Chưa có kỳ họp nào mà vấn đề khoan sức dân lại được đặt ra “nóng hổi” như lần này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) - người đã tham gia hai khóa Quốc hội với 16 kỳ họp - nhận xét.

Điều này rất dễ hiểu, theo nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Bởi từ xưa đến nay mỗi khi đất nước có những thử thách lớn thì khoan sức dân lại được thực hiện. Khoan sức dân chính là nuôi dưỡng nguồn lực, vì nhân dân vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng của cải.

Theo ông, trong thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay, khoan sức dân chính là dự trữ, bảo tồn nguồn lực để khi vượt qua thời điểm khó khăn nhất sẽ không bị hụt hẫng. “Trong bối cảnh này điều quan trọng nhất là làm sao để người dân vượt qua khó khăn, cũng chính là cách để Nhà nước vượt qua khó khăn”.

“Cũng như doanh nghiệp thôi, quan trọng nhất là nguồn lực nhân công của mình, nếu không chia sẻ với họ thì khi suy thoái đi qua vấn đề tài chính không còn là hàng đầu nữa, mà chính là vấn đề nguồn lực”, ông nói.

Chủ trương đúng, nhưng từ chủ trương đến thực hiện bao giờ cũng có khoảng cách. Nhìn tổng thể cũng như từng việc làm cụ thể, các vị đại biểu của dân còn không ít quan ngại.

Việc điều chỉnh thuế để khoan sức dân  như đề nghị của Chính phủ, được đại biểu Xuân cho là cần thiết, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thu thuế một cách hợp lý và cơ cấu lại nguồn chi, theo vị đại biểu này, còn cần thiết hơn.

Như phân tích của ông, việc hỗ trợ lãi suất dường như ngân hàng “được lợi” nhiều hơn doanh nghiệp, họ đã cơ cấu lại nợ, thậm chí đảo nợ chứ không phải tất cả vốn hỗ trợ lãi suất của chính phủ đều được tung ra đầu tư. Giãn, miễn thuế thu nhập cá nhân thì chỉ có khoảng 300.000 người được hưởng. Còn người thất nghiệp, nông dân, lao động nước ngoài phải về nước trước thời hạn chưa có gì...

Với đề xuất xóa, giãn tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế đối với các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính còn nợ thuế trước 1/7/2007 của Chính phủ, vị đại biểu này cũng thấy chưa thỏa đáng. Thậm chí có thể còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng , khi trên thực tế có thể những doanh nghiệp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đóng đủ thuế cho nhà nước - ông Xuân lo ngại.

Thuế giá trị gia tăng thì người mua phải nộp, thuế nhập khẩu thì đã giảm từ lâu, thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp thua lỗ không phải nộp…Vậy nên để “khoan sức dân”, theo ông Xuân việc điều chỉnh thuế chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn.

Cứ bội chi thế này thì nếu đến năm 2011- 2012 kinh tế vẫn chưa phục hồi thì sao? Chính phủ cần có tiền để đối phó với suy giảm dài hạn – đại biểu Xuân nói.

Cũng liên quan đến vấn đề điều hành của Chính phủ, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn "có cảm giác" thấy thiếu vai trò của “nhạc trưởng” trong một chiến lược ổn định, như ông đã phát biểu tại kỳ họp trước . Theo ông, Chính phủ đưa ra 7, 8 nhóm giải pháp nhưng ưu tiên cho an sinh xã hội không phải là hàng đầu. Ưu tiên cho kinh tế không phải là sai song tạo cảm giác Chính phủ hơi thiên lệch, ông nhận xét.

Cho rằng rất khó định lượng được, song đại biểu Quốc nhận thấy tỷ trọng đầu tư cho an sinh xã hội phần nào vẫn bị lệ thuộc vào tư duy cân đối ngân sách, và cái “cân đối” này đã đặt an sinh xã hội thấp hơn kinh tế.

Theo ông, đương nhiên lúc này khó khăn nhất là tài chính, Nhà nước phải điều hòa, điều đó là đúng, có thể phát hành trái phiếu, nợ, lấy ngân sách năm trước chia cho năm sau. Nhưng vẫn phải quan tâm đến nguồn lực của xã hội – một nguồn lực tác động trực tiếp đến kinh tế - đó chính là nhân công.

Một điều thiếu nhất quán trong tư duy điều hành được vị đại biểu này chỉ ra là đề xuất tăng học phí. Việc này có thể có luận chứng, có cơ sở khoa học, rất cần thiết nhưng rơi vào thời điểm này thì rõ ràng đã đi ngược lại mong muốn chung của xã hội.

Riêng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, ông rất đồng tình. Bởi, theo ông, người giàu nằm trong đối tượng phải nộp loại thuế này tức là làm giàu chính đáng, cũng là nguồn lực cho xã hội. Chính sự phát triển của tầng lớp tạo nên sự giàu có của xã hội sẽ tác động đến ăn sinh xã hội cho người nghèo….Khi xã hội phát triển bình thường thì đây là lực lượng đóng góp nhiều nhất cho xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng miễn thuế hợp lý, miễn có lộ trình thôi chứ không phải miễn mãi. Bởi, khi khủng hoảng kinh tế đi qua, khoan sức dân lúc đó hiểu theo nghĩa khác, tức là tạo ra điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất chứ không chỉ hiểu theo nghĩa là bớt thu.

Tiếp cận từ góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng chúng ta chỉ có thể kích cầu trong nước với nguồn lực hạn chế chứ không thể kích cầu ngoài nước nên xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn. Trong lúc này, việc cần làm quyết liệt hơn là cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm… Đồng thời, tăng đầu tư cho khu vực nông thôn, kiểm soát và trợ cấp trợ giá những mặt hàng thiết yếu cho nông dân.

Chính phủ có thể không giảm thuế thu nhập cá nhân (dự kiến 200.000 đồng/người/tháng, không đáng kể so với thu nhập của người chịu thuế), mà vẫn thu để chi lại cho ngững hộ nghèo nhất, những người thất nghiệp). "Và như thế, nghĩa là quan tâm đến việc khoan sức dân nhiều hơn đối với người nghèo, một việc mà Nhà nước chưa làm được nhiều trong thời gian qua", ông nói.