12:18 20/05/2009

Khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 5: Nhấn mạnh “khoan sức dân”

Minh Thúy

Ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 - Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 - Ảnh: TTXVN.
Tại phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội thứ 5, sáng 20/5 tại Hà Nội, chính sách “khoan sức dân” đã được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày nêu rõ, ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Đây là điểm được nhấn mạnh hơn so với mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước.

Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%; điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20.000 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội; sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu và một số chính sách quan trọng khác.

Tại diễn văn khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định,  nền kinh tế nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực. Những khó khăn về sản xuất, việc làm, đời sống của nhân dân đang từng bước được tháo gỡ. Nhóm giải pháp tài chính và nhóm giải pháp kích cầu được đưa ra kịp thời bước đầu có tác dụng tích cực....

Theo Chủ tịch, những khó khăn, yếu kém trong nước và những tác động tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu còn tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và mọi người dân phải đồng lòng dốc sức, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Kinh tế “đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất”

Theo đánh giá của Chính phủ , tình hình kinh tế bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có dấu hiệu đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất”, GDPcó khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo.

Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch, nhất là du lịch nội địa, vẫn tiếp tục phát triển; lượng khách du lịch quốc tế đang tăng lên trong các tháng gần đây. Dịch vụ viễn thông tiếp tục đà tăng trưởng cao.

Cùng với các biện pháp kích thích kinh tế đã được áp dụng, hầu hết doanh nghiệp khó khăn đã phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều người lao động mất việc đã có cơ hội tìm được việc làm mới. Đầu tư trong nước đạt được kết quả khả quan, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước đạt trên 30% kế hoạch cả năm, vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 46% kế hoạch.

Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm của các dự án đang thực hiện là 3,9 tỷ USD (tăng 28,6% so cùng kỳ năm 2008). Đây là tín hiệu tốt cho thời kỳ phục hồi và phát triển sắp tới.

Chính phủ cũng đánh giá các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn được giữ vững. Lãi suất đã quay về mức của thời kỳ kinh tế ổn định. Đến giữa tháng 5, số dư tiền gửi huy động tăng 13,6% so với cuối năm 2008 và tổng dư nợ tín dụng tăng 14,9%, cho vay hỗ trợ lãi suất gần 292 nghìn tỷ đồng. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra các hạn chế, yếu kém cần được khắc phục: sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch, cân đối ngân sách căng thẳng, các chế độ chính sách an sinh xã hội triển khai chậm lúng túng và còn có hiện tượng tiêu cực…

Thực hiện chính sách tài chính tích cực

Thực hiện chính sách tài chính tích cực là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng còn lại của năm 2009 được Chính phủ nhấn mạnh.

Theo đó, sẽ thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý. Mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay vốn cố định nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng thời cơ giá thấp để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, tăng năng lực sản xuất; mở rộng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo tiền đề cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu là nội dung thứ hai. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản, trước hết là hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá nông sản nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó triển khai nhanh và hiệu quả việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn của các tổ chức, cá nhân để đẩy nhanh đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh, mua máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở trong khu vực nông thôn...

Một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ xác định trong điều hành là chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát.

Tại phiên họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh về thuế để tiếp tục thực hiện chính sách "khoan sức dân", giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ suy giảm kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trong nội dung chăm lo đời sống nhân dân, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm Chính phủ sẽ ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, giải quyết việc làm ở nông thôn, phục vụ ngư dân ra biển, đảo.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội uỷ quyền và giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách và chỉ đạo điều hành giữa hai kỳ họp Quốc hội nhằm có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động ứng phó khi tình hình có đột biến.

Tập trung tháo điểm nghẽn


Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhu cầu đầu tư của nền kinh tế rất cao, nếu tập trung tháo gỡ được một số điểm nghẽn sớm cụ thể hóa chương trình kích thích kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống các giải pháp thì chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những quý tiếp theo.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch cân đối ngân sách trung hạn trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 để phấn đấu sớm giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP trong những năm tiếp theo, bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn.

Nhận định khả năng lạm phát năm 2009 sẽ được kiểm soát ở mức thấp, là cơ hội điều chỉnh giá một số mặt hàng (điện, than, nước,…) theo nguyên tắc thị trường . Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động đến các nhóm đối tượng trong nền kinh tế để có biện pháp hỗ trợ trở lại phù hợp cho các đối tượng bị ảnh hưởng mạnh, trong đó có đối tượng sử dụng điện là hộ nông dân, nhất là hộ nghèo, để không làm triệt tiêu tác động tích cực của chủ trương kích cầu đầu tư, tiêu dùng đang thực hiện.

Qua giám sát ở nhiều địa phương và doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận về quy định áp dụng giá điện cao vào giờ cao điểm ban ngày (từ 9h30 - 11h30) vì là thời điểm các hoạt động sản xuất kinh doanh đang diễn ra hết sức tập trung, làm tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp, tăng chi phí sản xuất, không phù hợp với các chính sách của Nhà nước giúp các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét lại việc này.

Về các giải pháp cân tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm,  Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh triển khai dự án để hiện thực hóa gói kích thích kinh tế một cách sớm nhất, tối đa hóa hiệu ứng kích thích kinh tế:

Bên cạnh đó, Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ có giải trình tổng hợp về gói giải pháp kích thích kinh tế, các chương trình, các chính sách, làm rõ: mục tiêu, đối tượng của các chính sách hỗ trợ; nguồn vốn cân đối; khung thời gian thực hiện các giải pháp này nhằm tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai và giám sát chương trình được coi là quan trọng nhất của đất nước hiện nay.