12:19 17/02/2007

Không gian mới của người Việt

Cuộc hội ngộ của các thế hệ trí thức trong nước về những giá trị của Việt Nam trong không gian toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI diễn ra mới đây.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI diễn ra mới đây.
Với việc gia nhập WTO, được Quy chế PNTR, Việt Nam, trên lý thuyết, có cơ hội được hưởng một môi trường lành mạnh cho quá trình phát triển bền vững ở cấp độ cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn là một nước nghèo so với phần còn lại của thế giới và vẫn tự đóng khung trong biên giới quốc gia.

Việt Nam chưa có những tổ chức hay tập đoàn kinh tế năng suất cao, có nhiều sản phẩm được thị trường thế giới thừa nhận, chọn dùng; người Việt có ít đóng góp được nhắc đến trong kho tàng văn minh của nhân loại; có mặt ở khắp mọi châu lục, nhưng lợi thế ấy chưa bao giờ có thể tập hợp được như là một sức mạnh.

Điều gì ảnh hưởng tới tiến trình hiện đại hoá đất nước để có thể hội nhập sâu rộng hơn với thế giới bên ngoài? Đâu là những yếu tố quyết định để Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hay chậm so với các nước khác trong khu vực? Và trên hết hay trước hết, điều gì làm chậm tiến trình hình thành, phát triển và hoàn thiện các yếu tố đầy đủ của kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội công dân để đất nước có thể bắt được những dòng chủ lưu của nhân loại? Điều gì đã làm mai một ý thức vươn lên dưới thương hiệu quốc gia của một Việt Nam hội tụ các hình ảnh của một đất nước đổi mới - hội nhập - phát triển?

Phải chăng đã đến lúc, Việt Nam cần thiết phải hoàn thiện con đường mới cho công cuộc phát triển, một con đường dựa trên nền tảng những giá trị của dân tộc và nhân loại để người Việt có được vị trí của mình trong môi trường cạnh tranh mới?

Cuộc hội ngộ của những người thuộc các thế hệ trí thức Việt Nam khác nhau dưới đây có thể coi như là một nỗ lực đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn ấy.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá sự kiện gia nhập WTO là “quan trọng nhất thế kỷ” của Việt Nam. Nhưng “người hùng” WTO Trương Đình Tuyển vẫn coi việc tổ chức ăn mừng WTO lúc này là “lạc quan tếu”, vì cuộc cạnh tranh chỉ vừa mới bắt đầu.

Con thuyền Việt Nam từ nay đã ra biển, xung quanh là sóng to, phía trước là gió lớn, làm sao có một không gian đủ rộng để trưởng thành, để vượt qua thử thách, để cơ hội đang chờ ở phía trước thực sự là của mình.

“Bản sắc”

Chiêm nghiệm những bài học của quá khứ và nhận diện đúng “căn cước” của dân tộc trước lúc bắt đầu một hành trình cũng là một kinh nghiệm tốt. Vấn đề, theo tiến sĩ Quách Nghiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xứ Đoài, là làm sao để những điều được coi là giá trị, là bản sắc ấy, phải trở thành sức mạnh cho cuộc cạnh tranh toàn cầu. Ông Quách Nghiêm học đại học và làm tiến sĩ sinh học ở Cộng hoà Dân chủ Đức từ đầu thập niên 70. Vì không thể “đồng cảm” được với cung cách làm khoa học quan liêu, ông bỏ “biên chế” để trở thành một “người tự do” và đã rất thành công trong kinh doanh.

Ông Nghiêm nói: “Tôi đã đi hết hai chiếc xe máy, lên rừng, xuống biển và rất đồng cảm với câu hỏi: Vì sao, ta có biển trước mặt mà không đóng nổi thương thuyền; có rừng sau lưng mà không có trang trại? Phải chăng số phận dân tộc ta gắn chặt với con sông Hồng hung dữ và như một nhà sử học nói: Sứ mệnh Việt là chống ngoại xâm với đắp đê sông Hồng?”.

Ông Nghiêm cho rằng, tư duy “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” của người Việt là tư duy tồn tại chứ không phải là tư duy phát triển. TS Nghiêm nhấn mạnh sức mạnh cộng đồng làng xã và căn cứ trên những “làng nghề”, ông nói: “Làng xã Việt Nam không chỉ là một cộng đồng văn hoá mà đã có sự chuyển dịch thành cộng đồng kinh tế”. Theo ông, thế mạnh của mô hình này là: “Khi một người không đủ sức thì cộng đồng làng sẽ thực hiện tiến trình tư bản hoá”.

TS. Nguyễn Quang A lưu ý: “Nếu coi tính cộng đồng như là một giá trị Việt thì hãy coi chừng. Trong nhiều trường hợp, sự thúc thủ cộng đồng sẽ là một lực cản cho phát triển”. Ông cho rằng, tính cộng đồng không hẳn là một giá trị riêng của người Việt hay như những đánh giá kiểu như người Việt cần cù cũng vậy.

TS. Nguyễn Quang A kể: “Tôi có một cộng sự từng học Nguyễn Ái Quốc, từng là Bí thư Trung ương Đoàn, sau cùng chúng tôi ra làm kinh tế tư nhân. Sau chuyến đi Mỹ về, anh tự nhiên bỏ thuốc lá. Hỏi, anh trả lời: “Xấu hổ quá! Nước người ta không có chỗ hút thuốc, không ai tối ngày ăn nhậu như mình. Thế mà cứ bảo dân mình cần cù!”.

Một người trẻ tuổi, từng có hàng chục năm du học phương Tây, là thủ khoa “luật Tây”, nhưng lại khiến cho nhiều người ngạc nhiên về mức độ am tường văn hoá phương Đông, TS. Phạm Duy Nghĩa, đề nghị bình tĩnh hơn khi nhìn nhận về vai trò của người Việt. Ông nói: “Việt tộc quả thực có sức mạnh nếu không đã bị xoá đi như những bộ tộc Bách Việt khác ở phía Bắc và ta đã nói tiếng Hoa rồi”.

Ông Nghĩa tiếp: “Một dân tộc đã từng đưa bờ cõi và ảnh hưởng văn hoá của mình xuống tận phía Nam không phải là một dân tộc ít bản sắc. Theo cách của anh Nghiêm, tôi cũng đã từng đi dọc sông Đà, thấy, thời Trần, dân Việt chỉ dùng cuốc xẻng mà tạo nên con sông đào, nối sông Hồng với sông Đáy. Rồi Nguyễn Công Trứ cũng đã lấn biển thành công ở Nam Định. Đấy thực sự là kỳ tích”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: “Giá trị Việt đương nhiên là quan trọng, nhưng đấy phải là giá trị gia tăng trên nền của các giá trị chung của loài người và giá trị gia tăng ấy phải được bổ sung. Không thể phát triển nếu chỉ khư khư với từng chuẩn mực cũ”.

TS. Nguyễn Quang A đồng ý với ý kiến này, ông tiếp: “Cứ khi nào mình thâu nạp được những giá trị văn minh từ bên ngoài, khi đó mình càng giữ được bản sắc của mình và phát triển. Lịch sử cho thấy, cứ đóng cửa là bế tắc hoặc đi tới mất nước”. Giữ gìn những giá trị Việt là quan trọng nhưng làm sao để những giá trị ấy không cản trở mà thực sự là sức mạnh mới càng quan trọng hơn. Chủ tịch trường đào tạo PACE, ông Giản Tư Trung cho rằng, muốn vậy, phải biết “đỉnh văn minh loài người đang ở đâu để hình thành những giá trị của ta”.

Bài học từ nỗ lực trăm năm hội nhập

Địa chính trị là một trong những yếu tố khiến nước ta phải trải qua hơn 1.000 năm bị đô hộ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tuy sau đó có 800 năm tự chủ, nhưng khi ấy, ta cũng chỉ biết tới Trung Hoa. Mãi tới đầu thế kỷ 20 mới có một bộ phận ưu tú nhận ra một thế giới ngoài Trung Hoa, họ duy tân, họ dự định ra khỏi thế giới truyền thống và hội nhập, nhưng thất bại”.

Theo ông Quốc thì Hiến pháp 1946 cũng là một nỗ lực hội nhập. Ông nói: “Chế độ chính trị mà cụ Hồ chọn trong Hiến pháp 1946 chứa đựng những giá trị tiên tiến và phổ quát của thời điểm đó”.

Văn hoá đóng một vai trò to lớn quyết định sự thành công của hội nhập. TS. kinh tế học Vũ Thành Tự Anh, có cùng một quan điểm với TS. Nguyễn Sĩ Dũng: “Có những nền văn hoá thúc đẩy phát triển, có những nền văn hoá kìm hãm nó”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: “Ở phương Đông, Trung Quốc đứng đầu thế giới về độ vững mạnh của chế độ phong kiến tập quyền. Nhưng thành trì của nền văn minh Trung Hoa đã khiến cho lịch sử nước này trở nên tang thương khi phương Tây đến. Họ đã không thể thay đổi như người Nhật trước gió Tây”.

Cũng như người Trung Hoa, người Nhật cũng coi Tây là man di, nhưng khi nhìn thấy chiếc “tàu đồng” Mỹ đậu ở cửa biển Kyodo, người Nhật không kháng cự như người Trung Hoa mà nhìn thấy ở đó một mức độ văn minh mà mình chưa đạt được. Họ liền thay đổi. Theo TS. Tự Anh, điều thú vị là, chính khi đối diện toàn diện với phương Tây, người Nhật bật được ra những giá trị của chính họ.

Nếu lấy chữ quốc ngữ như một minh chứng thì người Việt không thuộc về một nền văn hoá đóng. Trong lịch sử của mình, người Việt rất ít khi để xảy ra xung đột văn hoá. Những nỗ lực ngăn cản sự thâm nhập của văn hoá bên ngoài như cấm đạo không bắt đầu từ người dân mà chủ yếu là của chế độ cai trị. Chúng ta đã từng có Hội An, Phố Hiến.

TS. Tự Anh nói: “Việt Nam đã từng mở cửa, nhưng cốt để tận dụng sức mạnh bên ngoài đánh giặc, chứ chưa thấy mở cửa là mở cơ hội cho phát triển”. Đó là lý do mà trước những thách thức lớn, các triều đại xưa thường lựa chọn sai: đóng cửa thay vì mở. Đây có lẽ cũng là một đặc tính nữa của người Việt.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Lam cho rằng: “Người Việt có đủ thông minh để nhìn thấy vấn đề, nhưng người Việt không có đủ dũng cảm để thay đổi”.

Thị trường cạnh tranh

Việt Nam gia nhập WTO với những điều kiện đã thoả thuận trong “Các văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam” ký tại Geneva ngày 7/11/2006. Nội dung “Các văn kiện gia nhập của Việt Nam” là: Sau khi Việt Nam dịch ra tiếng Anh và trình nộp tất cả các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế - xã hội (trừ an ninh, quốc phòng), các chuyên gia luật pháp quốc tế của WTO sẽ rà soát, soi xét đến từng câu, từng chữ, đối chiếu với các quy định của WTO, rồi bàn với đoàn đàm phán Việt Nam một lộ trình điều chỉnh bổ sung, cái gì trái với WTO thì sửa đổi.

Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương nhận xét: “Chưa bao giờ Việt Nam có một cam kết sâu rộng như vậy với thế giới. Chuyện này chỉ có được trong thời hội nhập, nó không thể xảy ra ở thời, cách đây không lâu, khi mà các quốc gia giương cao ngọn cờ chủ quyền pháp lý”.

TS. Vũ Thành Tự Anh thừa nhận, những tiêu chí mà ta cam kết tuân thủ đã được các nước Âu, Mỹ áp dụng từ lâu. Việt Nam là một nước mà GDP chỉ bằng Stockholm, một thành phố chỉ có 2 triệu dân của Thuỵ Điển. TS Tự Anh nói: “Khi ta nhỏ, ta không thể là người định ra luật chơi. Nếu ta muốn đi lên, chỉ có một lựa chọn là thích nghi với những luật chơi đó”. Thích nghi với những luật chơi đó vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Chỉ khi thực hiện xong những cam kết này, Việt Nam mới có một nền kinh tế thị trường tự do đích thực, mới thực sự bình đẳng ở WTO và mới có một môi trường cạnh tranh lành mạnh ở “sân nhà”.

“Doanh nghiệp sẽ sáng tạo hơn trước sự cọ xát của cạnh tranh”, TS. Phạm Duy Nghĩa tin tưởng. Ông nhấn mạnh: “Xã hội Việt Nam đang cần một động lực ghê gớm: cạnh tranh”. TS Nguyễn Sĩ Dũng tiếp: “Đó là sự cạnh tranh đích thực của thị trường chứ không phải cạnh tranh bằng tài đi đêm”. Cạnh tranh, theo ông Dũng, không chỉ là người mạnh hơn thắng mà là để đưa mọi người về đúng khả năng và vị trí của mình.

Sự khốc liệt của thị trường tự do được mô tả bằng những vụ sụp đổ của các doanh nghiệp, tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh: “Hãy tưởng tượng, các xí nghiệp sẽ vẫn nằm yên đó, công nhân vẫn ở đó, chỉ có những ông chủ tồi phải ra đi để cho những ông chủ tốt thay thế”.

Không phải ngẫu nhiên mà lộ trình để Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường kéo dài tới 12 năm (đến 2018). Không thể có thị trường tự do đích thực, không thể có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nếu không có những yếu tố đi theo là xã hội công dân và nhà nước pháp quyền.

Phát triển là tự do

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: “Thật thuận lợi khi khái niệm nhà nước pháp quyền đã được ghi ở trong Hiến pháp”. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Đức Lam vẫn còn băn khoăn: “Có nhiều nghiên cứu nói rằng, điểm yếu của người Việt là hờ hững, ghét bỏ và chống đối pháp luật”. Tại sao ở Việt Nam pháp luật chưa được tôn trọng?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “Từ pháp luật trong tiếng Việt đã được hiểu như là một thứ công cụ gắn với sự cai trị. Trong khi thế giới hiểu luật (law) là công cụ để bảo vệ các quyền tự do và để đảm bảo quyền tự do của một người được hành xử mà không ảnh hưởng đến người khác”.

Theo ông Dũng, nếu pháp luật được đưa ra là để bảo vệ các quyền của người dân, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản thì chắc chắn thái độ của người dân đối với pháp luật sẽ khác. Và quan trọng là chỉ khi pháp luật bảo vệ được các quyền tự do của người dân, đất nước mới có phát triển. TS. Lê Đăng Doanh nhắc lại nguyên lý: “Bản chất của phát triển là thực hiện các quyền tự do”.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Ngọc Điện, trưởng khoa luật Đại học Cần Thơ, lại “bi quan” khi nói về pháp luật và tự do ở Việt Nam, nơi mà theo ông, cá nhân đang bị làm nhoè đi trong cái được nhân danh là tập thể. TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng: “Chừng nào cá nhân chưa được thừa nhận như một chủ thể, chúng ta không thể hoàn thiện được nhận thức xã hội về quyền tư hữu, chừng đó chúng ta chưa thể có được một hệ thống pháp luật ra hồn”.

TS. Nguyễn Ngọc Điện không có ý định đả phá vai trò tập thể, tuy nhiên, khi mà vai trò cá nhân bị thủ tiêu thì tập thể chỉ là những “căn hầm trú ẩn” cho những tham vọng của một số ít cá nhân.

Kinh tế thị trường hoàn chỉnh, quyền sở hữu và tự do cá nhân được bảo vệ, cấu thành xã hội dân sự. Trong một nhà nước, luật pháp hình thành không phải từ ý chí cầm quyền mà hình thành để điều chỉnh những xung đột mà xã hội dân sự, tự thân nó, không giải quyết được, thì nhà nước ấy thực sự là chỗ dựa cho phát triển, nhà nước ấy là nhà nước pháp quyền mà ta đang hướng tới.

Cải cách thêm nữa

Vào WTO, theo TS. Quách Nghiêm, cũng ví như ta đã được ngồi để “bàn chuyện thế giới”. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm: “Phải thấy rằng, ta bắt đầu với một xuất phát điểm cực kỳ thấp”. Cạnh tranh là cần thiết để trưởng thành, nhưng không thể vào cuộc cạnh tranh với một hành trang thiếu chuẩn bị. Nền kinh tế cần một không gian mới cho sự phát triển. Vai trò của hệ thống chính trị là hết sức quan trọng để tiếp sức cho các chủ thể kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh, để giành chiến thắng.

Trong khi đó, theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Hệ thống chính trị được hình thành và tuy hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến tranh và thời bao cấp nhưng chưa được cải cách đúng mức để thích hợp với hạ tầng kinh tế và xã hội đã chuyển một cách mạnh mẽ sang kinh tế thị trường”.

Đã đến lúc chính chúng ta phải nhận ra nhu cầu cải cách. TS. Lê Đăng Doanh hoan nghênh Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã kịp thời cảnh báo tinh thần “lạc quan tếu”. Theo ông: “Phải có một cơ chế để người dân nhận ra đúng vị trí của mình thay vì tưởng là đang “bay lên”. Chính chúng ta sẽ phải trả giá cho tinh thần lạc quan tếu đó vì không chẩn đoán đúng “sức khoẻ” của mình. Ông Doanh nói: “Ta cải cách khi đang mạnh và ở thế chủ động sẽ có lợi hơn rất nhiều là chờ đến khi tình hình đủ xấu”.

“Một nhà nước dân chủ chính là điều mà đất nước và dân tộc đang cần”, luật sư Lê Công Định nói. Nhắc lại câu chuyện hội nhập, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng: “Người xưa đã từng có những lựa chọn nhầm. Vì thế, để tránh sai lầm, cơ chế để chọn được người lãnh đạo thực sự có tài là hết sức quan trọng. Cơ chế đó là dân chủ”.

Theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nếu không cải cách để có được một chính quyền trong sạch, một bộ máy hữu hiệu, một môi trường mà kinh tế có thể phát triển, người tài có thể phát huy, thì cho dù chúng ta có là thành viên của WTO cũng không có nghĩa là chúng ta đã hội nhập và tránh được tụt hậu”.