14:18 18/10/2007

“Không nên cấp phép ồ ạt cho các nhà phân phối nước ngoài”

Trò chuyện với ông Trương Đình Tuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại bên lề lễ thành lập Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

"Chúng ta cam kết nhưng chúng ta vẫn có quyền hạn chế việc mở thêm các điểm bán lẻ".
"Chúng ta cam kết nhưng chúng ta vẫn có quyền hạn chế việc mở thêm các điểm bán lẻ".
"Vừa rồi, chúng ta cho phép Metro hình thành đến 8 điểm, phát triển thành một chuỗi hệ thống bán buôn. Mà trong thị trường, ai hình thành được chuỗi liên kết, nắm được yếu tố cạnh tranh thì người ấy thắng.

Chúng ta cam kết nhưng chúng ta vẫn có quyền hạn chế việc mở thêm các điểm bán lẻ. Do đó không nên cấp phép ồ ạt cho các nhà phân phối mở thêm đại lý lập thành chuỗi, gây ra sự cạnh tranh quá khốc liệt".

Bên lề lễ thành lập Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam ngày 16/10, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã gay gắt nhận xét như vậy với báo giới.

Thưa ông, một số công ty bán lẻ nước ngoài đã vào Việt Nam và kịp thiết lập nên chuỗi đại cửa hàng của họ trước khi thời điểm mở cửa thị trường 1/1/2009 theo cam kết WTO có hiệu lực. Ông đánh giá tình hình này như thế nào?

Có thể nói, năng lực của các doanh nghiệp phân phối Việt nam hiện nay còn rất yếu kém. Vì vậy, họ phải có sự năng động hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn.

Và để thực hiện điều đó, theo tôi cần phải làm tốt 3 khâu là đầu tư xây dựng cơ sở phân phối có quy mô lớn và thiết bị hiện đại; đổi mới cách quản lý phân phối; và thứ 3 là đào tạo được đội ngũ cán bộ công nhân nhân viên chất lượng cao.

Trên nền tảng 3 yếu tố đấy, các nhà phân phối Việt Nam phải bắt tay nhau, hợp tác chặt chẽ, phát triển thị trường thì mới hy vọng cạnh tranh nổi.

Theo quan điểm cá nhân tôi thì chúng ta có thể cho phép nhiều nhà phân phối vào thị trường. Tuy nhiên, mỗi nhà phân phối chỉ có thể có 1 đại lý phân phối. Điều này sẽ hạn chế được việc hình thành các chuỗi lớn để thao túng thị trường.

Vừa rồi, chúng ta cho phép Metro hình thành đến 8 điểm, phát triển thành một chuỗi hệ thống bán buôn. Mà trong thị trường, ai hình thành được chuỗi liên kết, nắm được yếu tố cạnh tranh thì người ấy thắng. Chúng ta cam kết nhưng chúng ta vẫn có quyền hạn chế việc mở thêm các điểm bán lẻ.

Do đó không nên cấp phép ồ ạt cho các nhà phân phối mở thêm đại lý lập thành chuỗi. Gây ra sự cạnh tranh quá khốc liệt.

Nhưng việc cấp phép đầu tư cho họ đã được phân cấp về các địa phương, dẫn đến tình trạng các địa phương cạnh tranh nhau. Nhưng đây là thực tế không đảo ngược được khi chúng ta cải cách hành chính. Giải quyết điều này như thế nào?

Trong nội dung cam kết khi chúng ta gia nhập WTO, có phần ghi rõ ràng buộc là nhà bán lẻ khi muốn lập đại lý bán lẻ thứ 2 thì phải được nhà nước Việt Nam đồng ý.

Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam cũng phải đưa ra được tiêu chí thuyết phục, tránh tuỳ tiện để đảm bảo tính minh bạch, không công bằng và dễ dẫn đến vấn đề tham nhũng. Các tiêu chí thì như tôi đã nói ở trên.

Ngoài ra, trong lĩnh vực phân phối có một quy định các nhà phân phối nước ngoài muốn lập cơ sở phân phối bán lẻ thì phải xin phép. Nhà nước sẽ phải xem xét tình hình kinh tế phát triển hiện tại rồi mới cân nhắc để quyết định chứ không thể tự động như là cam kết. Chấp nhận cho vào, nhưng chỉ được phép thành lập một điểm, đến điểm thứ 2 là phải dừng lại để xem xét. Mở cửa thị trường chúng ta vẫn phải thực hiện cho đúng.

Theo quan điểm của tôi thì cam kết mở cửa thị trường chúng ta vẫn phải thực hiện cho đúng, nhưng không nên tập trung ở một nhà bán lẻ để họ hình thành các chuỗi và như vậy họ có thể khống chế thị trường.

Tình hình tới đây sẽ còn nhiều các đại công ty bán lẻ vào Việt Nam. Về vấn đề quản lý nhà nước, theo ông, chúng ta phải làm gì?

Quan trọng chúng ta phải xem xét quy hoạch trên các địa bàn đấy, xét nhu cầu phát triển điểm bán lẻ đó cần thiết hay không và số các doanh nghiệp đã hoạt động ở đấy thế nào để đảm bảo phân bố nguồn lực cho hợp lý, tránh trên một địa điểm tập trung cùng lúc quá nhiều nhà bán lẻ gây ra lãng phí, hiệu quả lại không cao.

Tại các nước họ cũng đã làm như vậy. Trước hết chúng ta phải có quy hoạch hệ thống bán lẻ trên cả nước. Tiếp đến phải đưa ra được tiêu chí để xác định số lượng các điểm bán lẻ như mật độ dân cư, diện tích trên một vùng có bao nhiêu dân thì có một cơ sở bán lẻ với quy mô nào, cùng với đó phải tính đến các cửa hàng bán lẻ của dân vì dù sao chúng ta vẫn phải bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa.

Tuy nhiên ở đây, tôi cũng phải nhấn mạnh là chính tính cạnh tranh đã tạo ra áp lực cho các nhà bán lẻ phải cải tiến chất lượng.

Nếu các nhà bán lẻ Việt Nam có trình độ quản lý tốt như Metro thì họ có thể liên kết rất tốt với nhà sản xuất. Khi Metro vào họ tạo ra áp lực cạnh tranh, tuy vậy họ cũng đã tạo ra những điểm tốt như việc tạo ra liên kết các nhà sản xuất, giúp cho người nông dân có cách nhìn sản xuất chuyên môn hoá hơn từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Nếu các nhà phân phối Việt Nam chỉ quen bảo hộ không vươn lên thì đó là lỗi của họ. Chính sự cạnh tranh đã tạo ra áp lực buộc họ phải chuyển động, phải cải tiến để theo kịp guồng quay khắc nghiệt ấy.

Vì thế, cũng cần đánh giá vấn đề này ở cả hai khía cạnh, cả mặt tích cực của nó chứ không nên đánh giá chủ quan ở một khía cạnh nào đó thôi.