17:59 12/05/2009

“Không nên quá lạm dụng chính sách tài khóa trong kích cầu”

Nguyễn Lê

Cơ quan giám sát lo ngại sẽ gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng "đầu cơ nóng" khi thực hiện gói kích cầu

Nhiều vị đại biểu Quốc hội nhận xét, các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng còn hạn chế - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội nhận xét, các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng còn hạn chế - Ảnh: Việt Tuấn.
Không nên quá lạm dụng chính sách tài khóa trong kích cầu mà cần sử dụng tốt hơn chính sách tiền tệ. Đó là một trong những kiến nghị của Ủy ban Tài  chính - Ngân sách của Quốc hội trong quá trình giám sát gói kích cầu của Chính phủ.

Theo báo cáo tình hình quản lý, sử dụng gói kích cầu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày trước phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/5, đến nay tổng gói kích cầu lên tới 143.000 tỷ đồng (xấp xỉ 8 tỷ USD) và 17.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) vốn vay có bảo lãnh. 

Trong đó, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng 17.000 tỷ đồng, tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước 3.400 tỷ đồng, ứng trước dự toán năm sau 37.200 tỷ đồng, chuyển nguồn vốn đầu tư năm 2008 sang năm 2009: 27.600 tỷ đồng, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế 28.000 tỷ đồng, phát hành bổ sung vốn trái phiếu chính phủ 20.000 tỷ đồng, các khoản chi kích cầu khác và đảm bảo an sinh xã hội 9.800 tỷ đồng.

Chính phủ tự đánh giá “nhìn chung, việc thực hiện gói kích cầu đã đạt được những kết quả bước đầu, được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức quốc tế”.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát e ngại, cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cùng được nới lỏng khi sử dụng gói kích cầu này có thể sẽ đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy: lạm phát, suy thoái, kích cầu, lạm phát trở lại…

Biến ngắn hạn thành dài hạn?

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, từ phản hồi của các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp và người dân cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất là giải pháp kích cầu phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế và được triển khai kịp thời, có tác động thiết thực đối với các tổ chức và cá nhân để khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, giải pháp này cũng hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại khắc phục khó khăn, giữ được an toàn hoạt động kinh doanh. Vì vậy cơ chế này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi trong xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình giám sát, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị làm rõ cơ sở xác định mức bù lãi suất 4% và cho rằng, thời hạn bù lãi suất tín dụng đầu tư tới 24 tháng là quá dài so với nguyên tắc sử dụng gói kích cầu là ngắn hạn.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất đánh giá gói kích cầu chưa đảm bảo nguyên tắc về thời gian, tức là ngắn hạn. Và việc này có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Nguy cơ tái lạm phát sẽ là hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng gói kích cầu kém hiệu quả, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng cả về phạm vi và thời gian, chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, đã có dấu hiệu cần được lưu ý khi Chính phủ sử dụng gói kích cầu (9 tỷ USD) với chính sách tài khóa được đề nghị nới lỏng bởi việc bội chi được tăng lên từ 6-8%GDP; cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản giảm từ 14% xuống còn 7%, giảm lãi suất tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc,... tác động mạnh đến mức cung tiền tệ và có thể sẽ đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy: lạm phát, suy thoái, kích cầu, lạm phát trở lại.

Việc thực hiện bù lãi suất 4% cho vay thực hịên trong 24 tháng; chính sách miễn, giảm thuế kéo dài...dễ xảy ra thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay. Nếu không được giám sát chặt chẽ và quản lý có hiệu quả, hoặc sẽ gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng "đầu cơ nóng" với các dự án vay chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích.

Liên quan đến thời hạn sử dụng vốn kích cầu, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế lưu ý, tiền đầu tư cũng như tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp phải được giải phóng nhanh nhất để kịp thời giúp các đối tượng này tháo gỡ khó khăn.

Mặt khác, do số tiền cung ứng đưa vào lưu thông rất lớn, nếu triển khai chậm và không có giới hạn về thời gian thì khi kinh tế phục hồi trở lại sẽ là một tiềm ẩn gây lạm phát cao.

Bởi vậy, cần thiết phải định khung thời gian cho các hạng mục chi trong gói kích cầu trên cơ sở phân tích dự báo khả năng phục hồi của nền kinh tế và đánh giá tiến độ giải ngân của các hạng mục chi này - Ủy ban Kinh tế kiến nghị.

Để tăng cường hiệu quả của gói kích cầu, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát ; đảm bảo nguyên tắc: Kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả và kiên quyết thực hiện dứt điểm trong ngắn hạn, tránh kéo dài làm ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô trong dài hạn.

Kích cầu trực tiếp còn hạn chế

Nhiều ý kiến trong  Ủy ban Kinh tế nhận định gói kích cầu thời gian qua mới tập trung nhiều cho hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp, trong khi đó các giải pháp trực tiếp kích cầu đầu tư, tiêu dùng còn hạn chế.

Có thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, bù lãi suất 4% thực chất chỉ là “cứu trợ” cho hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không mang ý nghĩa nhiều cho mục tiêu kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Khảo sát, giám sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung kích cầu đầu tư trên cơ sở khai thác lợi thế nhu cầu của đất nước đầu tư vào hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội với những địa chỉ cụ thể có khả năng giải ngân nhanh, sớm hoàn thành công trình, dự án đưa vào sử dụng trong năm 2009 và 2010. Trong đó chú trọng tới đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là khu vực có khả năng hấp thụ vốn nhanh và tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh.

Triển khai mạnh mẽ giải pháp, chính sách đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy thị trường hàng hóa, qua đó khuyến khích sản xuất trong nước; đặc biệt quan tâm đến tiêu dùng của 70% dân số sống ở nông thôn. Thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản có lượng hàng hoá lớn và sản xuất tập trung; hỗ trợ giống cho nông dân để khôi phục sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Những ý kiến phản biện và đặc biệt là các kiến nghị của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận được sự đồng tình cao của nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, kích cầu phải phù hợp với điều kiện của nước ta, phải tập trung hơn và gắn với yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế.