Không từ chối được thì phải công khai người tặng quà?
Có cả loại quà phi vật chất, mà quà phi vật chất thì không trả lại được, không nộp lại được
Được tặng quà thì phải từ chối nhưng có loại quà phi vật chất không trả lại được - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định băn khoăn về quy định tại dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Dự án luật này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều 20/9.
Sau khi đã sửa đổi, bổ sung, điều 26 quy định về tặng quà và nhận quà tặng như sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
2. Khi được tặng quà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được tặng quà và nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định. Khi được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn do pháp luật khác quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải công khai việc tặng quà và nhận quà tặng.
Dẫn quy định tại điều 354 (tội nhận hối lộ) và điều 364 (tội đưa hối lộ) của Bộ Luật hình sự, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói tại đây có cả loại quà phi vật chất, mà quà phi vật chất thì không trả lại được, không nộp lại được.
Rồi dự thảo quy định “Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công”, nhưng Luật quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định nào về nộp, sử dụng quà tặng.
Ông Định đề nghị xem lại vì nghe thì hay nhưng không khả thi.
Nhiều quy định khác cũng khiến các vị đại biểu dự họp băn khoăn.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong băn khoăn dự thảo luật quy định 12 hành vi, nhưng luật hình sự chỉ quy định 7 tội tham nhũng.
Ông Phong cũng nhận xét, hiện nay thanh tra, kiểm toán, công an đang nhầm lẫn hành vi tham nhũng với hành vi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Theo ông thì ngay điều 74 đã có mâu thuẫn. Khoản 1, điều 74 quy định “Trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng”.
Anh chưa điều tra, anh chưa ra quy trình thì làm sao miễn hay không miễn được. Nếu quy định như thế này thì hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc là làm oan sai. Quy định này thì không phù hợp với luật hiện hành vừa không phù hợp với thực tiễn - Viện phó Nguyễn Hải Phong nhận xét.
Vẫn theo nhìn nhận của ông Phong thì Luật Phòng chống tham nhũng coi trọng phòng, nhưng quy định về phòng tản mạn suốt cả bộ luật, không có trọng tâm, trọng điểm.
Hiện nay, kê khai tài sản cứ đút ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm, hay có vấn đề đơn thư mới tiến hành kiểm tra. Nhưng kiểm tra theo các bước thì rất đơn giản. Dự thảo luật đưa vào điều 40 là cơ quan chủ quan tiến hành xác minh. Nhưng khi xác minh phát hiện có dấu hiệu bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào?, ông Phong đặt vấn đề.
"Thông thường các nước, nếu phát hiện một công chức kê khai tài bất mình thì tự giao cho anh kiểm tra, anh kiểm tra 6 tháng mà không chứng minh được là không bất minh thì cơ quan chủ quản ra quyết định chuyển cho cơ quan toà án để thu hồi. Rất hợp pháp. Nếu có khiếu kiện thì tòa xử. Rất minh bạch. Chứ nếu sử dụng như quy định tại dự thảo luật thì có hai trường hợp xảy ra là cơ quan nào cũng đặt ra yêu cầu xác minh, mà xác minh không có nghiệp vụ thì dễ xảy ra oan sai. Còn nếu xác minh đúng nhưng cơ quan không có thẩm quyền mà xử lý thì trái luật” - ông Phong phát biểu.