16:33 10/06/2009

Khủng hoảng có "xé toạc" châu Âu?

Kiều Oanh

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này đã trở thành thử thách lớn nhất đối với tính thống nhất của EU

Công nhân nhà máy lốp xe ở Amiens, Pháp, biểu tình phản đối sa thải - Ảnh: New York Times/Getty Images.
Công nhân nhà máy lốp xe ở Amiens, Pháp, biểu tình phản đối sa thải - Ảnh: New York Times/Getty Images.
Liên minh châu Âu (EU) vốn được xem là một sự thử nghiệm phi thường về chủ quyền chung, tạo ra một khu vực hòa bình trải rộng từ nước Anh tới tận vùng Balkan.

Liên minh gồm 27 quốc gia này đồng thời cũng là một khối kinh tế đáng vị nể nhất trên thế giới, với 491 triệu dân, một thị trường chung, và sản lượng kinh tế cao hơn của Mỹ tới gần 1/3.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này đã trở thành thử thách lớn nhất đối với tính thống nhất của EU. Thậm chí, nhiều người ủng hộ sự nhất thể hóa của châu Âu cũng cho rằng, liên minh sẽ không vượt qua được thách thức này.

Những vết rạn

Điểm căng thẳng chính trong EU từ lâu vẫn luôn là xung đột giữa các ưu tiên quốc gia và những lợi ích tập thể. Việc từ bỏ những lợi ích và quyền lực quốc gia trong các vấn đề tiền tệ, thương mại, thuế quan, vốn đã chẳng dễ dàng trong những thời điểm kinh tế thịnh vượng. Ở những thời khó khăn, như trong lần suy thoái này, vấn đề chính trị quốc gia càng “đè bẹp” chuyện lợi ích chung.

Với trọng tâm là chính trị trong nước, các nhà lãnh đạo EU thời gian qua bất đồng sâu sắc về cách thức chống khủng hoảng, về việc chi bao nhiêu là đủ để kích thích kinh tế, rồi chuyện liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên đặt nhiệm vụ chống suy thoái lên trên nhiệm vụ đề phòng lạm phát. Các nhà lãnh đạo của châu lục này cũng ra sức tìm mọi cách để giữ việc làm tại thị trường nội địa cho công dân của nước mình.

Sự bất đồng hiện rõ trong cách thức mà các nước châu Âu tự hành động riêng lẻ để giải cứu ngân hàng và các nhà máy xe hơi của họ. Lẽ ra, một chính sách giải cứu chung của cả châu Âu mới là hợp lý. Tuy nhiên, ngay ở rất nhiều những vấn đề khác, như chính sách năng lượng để giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí tự nhiên từ Nga, cũng bị cản trở bởi thực trạng các quốc gia trong EU “mỗi người một phách”.

Pháp và Đức vốn là hai quốc gia đầu tàu của EU, nhưng mối quan hệ giữa hai nước khá lạnh nhạt, do cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng đặt lợi ích dân tộc lên đầu, dù đó là trong vấn đề phúc lợi xã hội hay cứu việc làm trong ngành công nghiệp ôtô.

Ông Sarkozy đã chi nhiều tỷ USD để bảo vệ các hãng xe của Pháp, trong khi bà Merkel vừa làm cầu nối cho một thỏa thuận bán lại thương hiệu Opel của hãng General Motors (GM) nhằm cứu vãn việc làm tại các nhà máy của thương hiệu này ở Đức. Những động thái này mang tính bảo hộ này của Pháp và Đức bị giới quan sát xem là đặt tính thị trường chung châu Âu vào thế rủi ro.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo này còn bất đồng sâu sắc trong vấn đề chi tiêu công và nhiệm vụ của ECB. Ông Sarkozy ủng hộ việc chi thêm tiền để kích thích kinh tế và cho phép ECB linh hoạt hơn trong vấn đề mua trái phiếu và các khoản vay của khu vực công để khơi thông các dòng chảy tín dụng. Trong khi đó, bà Merkel phản đối kịch liệt chuyện gia tăng thâm hụt ngân sách và chỉ trích ECB đã giảm lãi suất Euro xuống mức quá thấp, đe dọa gây lạm phát trong tương lai.

Sự chia rẽ còn hiện rõ giữa các nước Bắc Âu và Nam Âu, trong đó những nước có ý thức hơn trong vấn đề chi tiêu chính phủ như Đức không muốn cam kết giúp đỡ những nền kinh tế đang gặp khó như Tây Ban Nha hay Hy Lạp.

Vết rạn còn xuất hiện giữa Đông Âu và Tây Âu, với các quốc gia sử dụng đồng Euro ở Tây Âu không muốn đe dọa sự ổn định của đồng tiền này nếu ra tay cứu giúp những quốc gia bên ngoài khu vực sử dụng đồng tiền chung như Bulgaria hay Romania.

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu hôm Chủ nhật vừa rồi là một bằng chứng rõ nét nữa về sự chia rẽ trong EU. Chỉ 43% cử tri EU đi bỏ phiếu, một tỷ lệ thấp chưa từng có, bất chấp khủng hoảng đang diễn ra và việc đi bỏ phiếu là bắt buộc ở một số nước. Các đảng cánh tả giữ quan điểm phản đối EU và dòng người nhập cư từ các quốc gia thành viên nghèo hơn, cũng như các đảng xanh vốn nhấn mạnh các vấn đề trong nước, đã giành thêm tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử này.

Những kỳ vọng giảm sút

Trong bối cảnh vai trò lãnh đạo của nước Mỹ bị giảm sút bởi những cuộc chiến nước ngoài và mô hình kinh tế Mỹ với thị trường tự do và sự can thiệp lỏng lẻo của các quy tắc đang bị thách thức nặng nề, châu Âu nổi lên như một đối thủ nặng ký cho vai trò dẫn đầu thế giới. Mô hình châu Âu với sự tham gia lớn của chính phủ vào nền kinh tế; sự giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính, sản xuất công nghiệp, thị trường lao động; hệ thống lương hưu và bảo hiểm y tế hào phóng của nhà nước vì thế đã có lúc được ngợi ca và được xem như là một lựa chọn thay thế hợp lý cho mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ.

Tuy nhiên, dù khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ nước Mỹ, châu Âu rõ ràng là đang chịu tác động nặng nề hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, các ngân hàng châu Âu nắm giữ nhiều tài sản xấu hơn các ngân hàng Mỹ. Thâm hụt ngân sách tại châu Âu đang gia tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, đã lên tới mức cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Với những cách thức chống khủng hoảng thiếu thống nhất của một EU đang rạn nứt, nhiều nhà kinh tế học dự báo, suy thoái kinh tế sẽ ở lại châu Âu lâu hơn là ở Mỹ.

Bất chấp những nỗ lực cứu việc làm cho công dân trong nước của các nhà lãnh đạo EU, người lao động nhiều nơi trên khắp châu Âu vẫn cảm thấy mình trở thành vật hy sinh cho quá trình nhất thể hóa của EU.

Tại nhà máy lốp xe Goodyear Dunlop ở vùng Amiens, miền Bắc nước Pháp, anh công nhân Thierry Fagot vừa mất công việc mà anh đã làm suốt 13 năm qua. Anh coi sự cạnh tranh trong EU chính là một phần lý do anh bỗng dưng trở thành kẻ thất nghiệp. “Tôi cảm thấy như mình bị lừa. Chúng tôi đã tạo ra EU để bảo vệ mình, và điều này đã đúng trong một thời gian khá dài. Nhưng giờ đây, với sự cạnh tranh của nguồn lao động giá rẻ ở các nước Đông Âu, tôi cảm thấy như chính EU đã đẩy chúng tôi vào cảnh mất việc”, anh Fagot nói.

EU chắc chắn sẽ không sụp đổ vì những nỗi thất vọng như vậy, nhưng nhiều người ủng hộ EU đang giảm bớt sự kỳ vọng của họ. Chẳng mấy ai còn xem EU là một đối trọng chính trị hay quân sự quan trọng với Mỹ.

“Khủng hoảng luôn là lúc mà sự thật được phơi bày, vì tất cả điểm mạnh và điểm yếu của mọi đối tượng trên sân chơi bị bộc lộ”, ông Joschka Fisher, một chính trị gia Đảng Xanh, đồng thời là một cựu ngoại trưởng Đức, nhận xét.

Ông Fisher cho rằng, ECB đã hoàn thành tốt nhiệm vụ điều chỉnh lãi suất đồng Euro, đồng tiền chung mà 16 quốc gia EU đang sử dụng. Tuy nhiên, ông cho rằng, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành chính của EU, “chỉ đóng vai trò số 0 trong cuộc khủng hoảng này”.

(Theo New York Times)