11:45 26/11/2010

Khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng tại châu Âu

An Huy

Chi phí vay vốn của các nền kinh tế bị xem là “mắt xích yếu” trong khối Eurozone đã tăng vọt lên mức kỷ lục

Bảng điện tử tại Sở Giao dịch Chứng khoán Madrid, Tây Ban Nha, ngày 25/11. Lợi suất trái phiếu Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đồng loạt lên mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng - Ảnh: AP.
Bảng điện tử tại Sở Giao dịch Chứng khoán Madrid, Tây Ban Nha, ngày 25/11. Lợi suất trái phiếu Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đồng loạt lên mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng - Ảnh: AP.
Chi phí vay vốn của các nền kinh tế bị xem là “mắt xích yếu” trong khối Eurozone đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 25/11. Đây được xem là những “điềm báo” về nguy cơ lan rộng của khủng hoảng nợ từ Hy Lạp và Ireland sang các quốc gia khác trong khu vực.

Tờ Financial Times cho biết, lợi suất trái phiếu Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đồng loạt lên mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng. Tờ Telegraph bình luận, diễn biến này không khác với những gì đã xảy ra với Ireland và Hy Lạp trước khi khủng hoảng nợ gõ cửa hai quốc gia này.

Giới giao dịch trái phiếu cho rằng, thậm chí những quốc gia lớn hơn trong nhóm 16 nước sử dụng Euro như Pháp, Italy hay Hà Lan cũng sẽ sớm chịu tác động.

Phát biểu trên Financial Times, chuyên gia kinh tế Don Smith thuộc hãng môi giới trái phiếu Icap, nhận xét: “Làn sóng khủng hoảng nợ rất khó chặn và có thể lan tới cả nước Pháp. Thị trường đang rất lo ngại”.

Một nhà giao dịch trái phiếu tại một ngân hàng đầu tư của Mỹ thì cho biết, những nhà đầu tư mạnh tay gom mua trái phiếu của khu vực Eurozone trong tuần trước hiện đang ồ ạt bán ra trong tuần này. Gói cứu trợ trị giá khoảng 100 tỷ USD mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết sẽ dành cho Ireland dường như không đủ sức phục hồi niềm tin cho thị trường.

Trong phiên giao dịch hôm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ireland đã vượt mức 9%, của Bồ Đào Nha lên trên 7%, và của Tây Ban Nha vượt 5%. Lisbon nhận định, mức lợi suất trái phiếu Bồ Đào Nha hiện đã lên tới mức không bền vững. Với mức lãi suất hiện nay, Ireland gần như không thể phát hành trái phiếu mới.

Chi phí bảo lãnh cho trái phiếu của các nước này cũng tăng vọt. Hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 10 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên tới mức 312 điểm phần trăm, cao chưa từng có từ trươc tới nay. Như vậy, cứ 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo lãnh.

Đối với trái phiếu Bồ Đào Nha, hợp đồng CDS cũng đạt mức đỉnh thiết lập vào tháng 11 năm ngoái, với 431 điểm phần trăm. Còn đối với trái phiếu Ireland, CDS đã lên tới mức 595 điểm phần trăm.

Trong khi đó, đồng Euro tiếp tục giảm giá ngày thứ tư liên tục, xuống mức gần thấp nhất trong 2 tháng so với USD.

Giới đầu tư trở nên lo ngại hơn về tình hình châu Âu khi các quốc gia trong Eurozone bất đồng về đề xuất tăng quy mô của quỹ bình ổn tài chính khu vực. Được thành lập vào tháng 5 vừa qua khi khủng hoảng nợ tấn công vào Hy Lạp, quỹ này có trị giá 440 tỷ Euro, tương đương 588 tỷ USD.

Báo chí cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị tăng gấp đôi quy mô của quỹ trên để đề phòng trường hợp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cần tới sự giúp đỡ. Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã thẳng thừng từ chối đề xuất này.

Theo các nhà phân tích, khủng hoảng nợ có thể tạo thành “hiệu ứng domino” ở châu Âu vì các ngân hàng trong khu vực có sự quan hệ mật thiết với nhau. Thêm vào đó, các ngân hàng châu Âu cũng nắm giữ một khối lượng trái phiếu chính phủ lớn do các nước trong khu vực phát hành.

Một số quan chức châu Âu cho biết, họ muốn đưa yêu cầu về hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn vào đợt kiểm tra năng lực mới đối với các nhà băng diễn ra vào đầu năm sau.

Trong đợt kiểm tra lần trước do Ủy ban Giám sát ngân hàng Châu Âu tiến hành, nội dung kiểm tra chỉ tập trung vào hệ số vốn. 84 trong số 91 ngân hàng châu Âu được kiểm tra, bao gồm hai ngân hàng Allied Irish Banks và Bank of Ireland của Ireland, đã vượt qua cuộc kiểm tra này. Rốt cục, Allied Irish Banks và Bank of Ireland vẫn bị mất khả năng thanh khoản, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mà Ireland đang đương đầu.

Trái phiếu Ireland còn gặp khó vì một trong những trung tâm thanh toán lớn nhất châu Âu là LCH.Clearnet gần đây liên tục tăng phí đánh vào giao dịch trái phiếu của nước này, với lý do chi phí vay vốn của Ireland tăng. Điều này càng khiến các ngân hàng của Ireland, vốn sử dụng trái phiếu chính phủ để huy động vốn cho hoạt động, càng phụ thuộc vào nguồn vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Nhiều khả năng, sắp tới các trung tâm thanh toán cũng sẽ tăng phí đánh vào giao dịch trái phiếu của Bồ Đào Nha, vì lợi suất trái phiếu chính phủ nước này cũng đang trên đà leo thang mạnh.