19:22 03/08/2008

Kịch bản nào cho VN-Index?

Đức Hoàng

Sự phục hồi khá yếu trong tuần qua cho thấy thực lực của thị trường đang không ở giai đoạn sung sức nhất

Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm đọc diễn biến cung cầu hàng ngày, các tín hiệu rủi ro được cảnh báo sớm hơn - Ảnh: Việt Tuấn.
Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm đọc diễn biến cung cầu hàng ngày, các tín hiệu rủi ro được cảnh báo sớm hơn - Ảnh: Việt Tuấn.
Đã đi qua một tuần đảo chiều sau áp lực tâm lý của việc tăng giá xăng dầu.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa giành lại đầy đủ mức mất điểm trước đó khi đóng cửa ngày 1/8, VNI-Index chỉ dừng mức 447,11 điểm, tăng 17,65 điểm.

Hai kịch bản

Đặc biệt, phiên giảm điểm cuối tuần là một dấu hiệu rõ ràng hơn khi thị trường nói chung đang đuối sức dần do sự phân hóa quá mạnh giữa nhóm cổ phiếu tăng giá và nhóm giảm giá.

Như đã nói từ tuần trước, việc đảo chiều của VN-Index trong ngắn hạn rất hay xảy ra trong giai đoạn điều chỉnh giảm đầu tiên sau một chu kỳ tăng. Với một thị trường mạnh, sức mua lớn có thể còn kéo chỉ số giá lên mức tương đương, thậm chí vượt đỉnh cũ. Sự phục hồi khá yếu trong tuần qua cho thấy thực lực của thị trường đang không ở giai đoạn sung sức nhất.

Với một thị trường không thực sự mạnh, khả năng phá đỉnh cũ (490 điểm) để khởi phát một chu kỳ tăng tiếp tục là khá khó khăn. Hai kịch bản kém lạc quan hơn có thể được tính đến.

Kịch bản tốt nhất là thị trường sẽ dao động trong một vùng cao hơn của khu vực 360-490 điểm, tức là không xuống dưới mức 400 điểm. Duy trì được trong mức này thị trường sẽ đi ngang và tích lũy một thời gian trước khi bộc lộ xu hướng mới. Điều này còn phụ thuộc vào các thông tin vĩ mô có hỗ trợ hay không.

Kịch bản xấu hơn là thị trường sẽ thử "độ cứng" của mức đáy 360 điểm. Nếu rơi xuống vùng dao động thấp này, tâm lý sẽ bi quan hơn. Tuy nhiên, nếu VN-Index không phá vỡ đáy này một cách rõ ràng thì đó lại là tín hiệu thuận lợi cho hoạt động tích lũy.

Những tín hiệu tiêu cực

Việc phân tích thị trường dựa trên những chỉ báo kỹ thuật chậm thường cho các tín hiệu sai hoặc không rõ xu hướng. Chẳng hạn một số chỉ báo về giá trị trung bình (như hình dưới) có thể khiến nhà đầu tư bối rối.

Kịch bản nào cho VN-Index? - Ảnh 1

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm đọc diễn biến cung cầu hàng ngày, các tín hiệu rủi ro được cảnh báo sớm hơn. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao, giá trị khớp lệnh lớn nhưng giá chứng khoán không cho thấy những thay đổi rõ rệt. Đây là biểu hiện phân phối (distribution) ở nhiều mã.

Khi các nhận định về xu thế thị trường bị phân hóa thì động lực sẽ không tập trung và biểu hiện là có những nhà đầu tư quyết định rút khỏi thị trường. Dòng tiền đương nhiên vẫn chảy vào mua nhưng sự cân bằng tương đối đó (thậm chí là yếu hơn) khiến thị trường rơi vào trạng thái đi ngang.

Có thể nhận thấy điều này qua một số chỉ báo cơ bản thông dụng như chỉ báo dòng tiền (Money Flow Index – MFI), chỉ báo sức mạnh (Relative Strength Index - RSI). Cả hai chỉ báo này qua một tuần khó khăn vừa qua đã cho thấy những tín hiệu tiêu cực.

Để đánh giá động lực của đợt đảo chiều tuần qua, chúng tôi đã sử dụng một biến thể khác của chỉ báo động lượng (momentum). Tuy nhiên thay vì chỉ tập trung vào so sánh qua giá trị đóng cửa (close), biến thể này chú ý nhiều hơn tới mối quan hệ của các giá trị cao nhất (high) và thấp nhất (low). Các thử nghiệm quá khứ (backtest) cho thấy một sự phù hợp tương đối và bổ sung khá hiệu quả giữa hai chỉ báo này.

Trong đồ thị dưới đây, chúng tôi sử dụng chỉ báo momentum 7 ngày (đường màu xanh) và biến thể của nó (đường màu đỏ).

Kịch bản nào cho VN-Index? - Ảnh 2

Có thể thấy trong tuần lễ đạt đỉnh cao 489 điểm ngày 17/7 vừa qua, cả hai chỉ báo này đều cho thấy một phân kỳ tiêu cực (đi ngược hướng với giá) nhưng biến thể (đường màu đỏ) phát tín hiệu rõ ràng hơn.

Chỉ báo momentum cũng phản ứng mạnh hơn trong tuần đảo chiều vừa qua nhưng tác động của hoạt động phân phối thực tế làm suy giảm sức mạnh sức mua (thể hiện ở đường màu đỏ). Dĩ nhiên, những chỉ báo này vẫn không thoát khỏi tình trạng chung của các chỉ báo kỹ thuật khác là phản ánh chậm hơn diễn biến thực tế.

Một mô hình cho VN-Index trong chu kỳ vừa qua được nói đến khá nhiều (theo phân tích của nhiều công ty chứng khoán) là mô hình hai đáy, với hai điểm thấp nhất được hình thành trong tháng 6 (368 điểm và 364 điểm). Tuy nhiên, sự tích lũy này dường như quá nhanh và do đó động lực đi lên thường không mạnh mẽ dù thị trường vẫn tăng trưởng gần 124 điểm.

Tuần tới sẽ là quãng thời gian quan trọng để có một kết luận cuối cùng về đỉnh kế tiếp của VN-Index liệu có vượt được đỉnh cao nhất vừa qua hay không, cho dù, câu trả lời có thể đã được tìm thấy.