17:01 20/07/2008

Chứng khoán nghỉ để tăng hay nghỉ để giảm?

Đức Hoàng

Diễn biến 3 phiên gần nhất có thể xem là đợt nghỉ tạm thời. Nhưng sau đó, thị trường sẽ đi lên hay giảm tiếp?

Liều một chút có thể sẽ đem lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với rủi ro - Ảnh: Việt Tuấn.
Liều một chút có thể sẽ đem lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với rủi ro - Ảnh: Việt Tuấn.
Diễn biến 3 phiên gần nhất có thể xem là đợt nghỉ tạm thời. Nhưng sau đó, thị trường sẽ đi lên hay giảm tiếp?

Chờ tín hiệu

Diễn biến tăng của thị trường cũng giống như ném một hòn đá lên cao. Lực ném càng mạnh, hòn đá bay càng cao. Nhưng càng lên cao động năng lại chuyển thành thế năng càng lớn; và lúc động năng được chuyển hóa hết, hòn đá sẽ lại rơi xuống.

Với thị trường, khối lượng giao dịch càng lớn lực kéo xuống sẽ càng lớn. Thị trường hiện tại chưa thể trả lời liệu lực ném lên (tăng giá) đã chuyển hóa hết hay chưa và liệu thị trường sẽ chuyển sang đi ngang để tăng tiếp, hay đi ngang để bắt đầu điều chỉnh xuống. Đối với những nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật, điều đó rất hiển nhiên vì diễn biến 3 phiên gần đây có thể coi là đợt điều chỉnh nghỉ tạm thời.

Các chỉ báo cơ bản như đường trung bình 20 ngày tiếp tục tăng, biểu hiện của động lực gia tăng về giá vẫn còn. Chỉ báo phân kỳ hội tụ của đường bình quân MACD tiếp tục lạc quan khi đường này vẫn chưa cắt xuống dưới đường tín hiệu (signal) và vẫn nằm trên giá trị 0… Nguyên nhân cơ bản là các chỉ báo kỹ thuật đều phản ánh chậm so với diễn biến thực tế. Do đó, có lẽ những nhà phân tích kỹ thuật sẽ phải chờ đợi thêm một vài phiên tới để ra quyết định.

Một công cụ có thể cho thấy chỉ báo đường bình quân với giá trị High của VN-Index. Sở dĩ chúng tôi chọn giá trị cao nhất thay vì giá trị đóng cửa vì chúng ta đều biết rằng đặc điểm của một chu kỳ tăng là liên tiếp xác lập những giá trị High cao hơn phiên trước. Nếu các giá trị High trong ngày giảm dần thì rõ rằng lực tăng không còn mạnh.

Chứng khoán nghỉ để tăng hay nghỉ để giảm? - Ảnh 1

Trên hình là một chuỗi các đường EMA với giá trị từ 10 đến 20 ngày. Màu xanh thể hiện sự tăng giá và màu đỏ thể hiện sự giảm giá. Có thể thấy rất rõ chỉ báo này có độ trễ nhất định ở một số điểm đảo chiều của thị trường.

Với thị trường hiện tại, nếu căn cứ vào chỉ báo này, nhà phân tích kỹ thuật sẽ vẫn ung dung chờ đợi một tín hiệu rõ ràng hơn, có thể tìm thấy trong tuần tới. Các tín hiệu kỹ thuật như vậy thường phát tín hiệu mua vào chậm - đồng nghĩa với sự cẩn trọng - nhưng cũng phát tín hiệu bán ra chậm.

Khi phân tích kỹ thuật dựa trên cơ sở các chỉ báo bình quân thường chậm chạp hơn những diễn biến thực tế, có một cách tiếp cận khác là căn cứ theo diễn biến cung cầu trong một chuỗi thời gian cũng như trong mỗi phiên. 

Chúng tôi đã sử dụng số liệu tổng cung và cầu trong các phiên để xây dựng một chỉ báo trung bình cho nó nhằm quan sát tương quan diễn biến của bên mua và bên bán. Quy mô trung bình các lệnh mua và bán cũng được sử dụng để theo dõi sức mạnh tương đối của mỗi bên.

Trong hình dưới, đường màu xanh (blue) là giá trị bình quân 5 ngày của khối lượng mua và đường màu đỏ là bình quân khối lượng bán. Đường màu xanh dương (green) thể hiện tương quan hiệu số của quy mô lệnh mua và lệnh bán.

Chứng khoán nghỉ để tăng hay nghỉ để giảm? - Ảnh 2

Với biểu đồ này, chúng ta nhận thấy sức mua đã thiết lập một đỉnh cao nhất trong lịch sử vào ngày 16/7 với 65,04 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, sức mua đã giảm xuống. Vậy chúng ta có mong đợi sức cầu sẽ tiếp tục đạt được một đỉnh cao mới nữa hay không?

Câu trả lời là khó đạt được do nguồn tiền chảy vào thị trường là có hạn. Dĩ nhiên trên thị trường thì điều gì cũng có thể xảy ra và chúng ta có quyền lạc quan. Tuy nhiên cẩn trọng vẫn là không thừa. 

Theo góc độ tiếp cận đó, chúng ta cần chờ đợi một lực mua mạnh hơn để đảm bảo một khả năng tăng giá tiếp tục. Nếu dạo qua một số công ty chứng khoán vào buổi chiều, có thể thấy khá nhiều nhà đầu tư đang làm thủ tục nạp tiền vào tài khoản, nhưng dù sao vẫn cần kiểm chứng về sức mạnh của đội tiếp sức này như thế nào trong một vài phiên tới. 

Một điểm khác cần lưu tâm là sức mạnh của bên bán. Chúng ta biết rằng không phải cứ mỗi người bán là có một người mua tương ứng, mà là một người bán có thể bằng nhiều người mua nếu tính trên khối lượng được bán ra. Do đó nếu bên mua là những nhà đầu tư cá nhân với tiềm lực tài chính yếu thì thị trường đang có vấn đề cần lo lắng.

Bởi lẽ, khi tăng đến một mức độ nào đó, các tổ chức lớn vốn thực hiện tích lũy từ các mức giá thấp có thể sẽ bán ra thu lời. Đó là chưa kể đến nhu cầu cắt lỗ của rất nhiều thành phần khác, từ lớn đến nhỏ vốn bị kẹp khá dài trong suốt thời gian giảm sâu vừa qua.

Chứng khoán nghỉ để tăng hay nghỉ để giảm? - Ảnh 3

Ở trên, sức mua của thị trường đạt đỉnh cao nhất vào ngày 16/7. Cũng tại ngày đó, thị trường còn thiết lập một kỷ lục về khối lượng giao dịch. Như vậy rõ ràng cung lớn cũng đã xuất hiện cùng với cầu. Biểu đồ phía trên cũng cho thấy sức mua đã giảm xuống trong những phiên cuối tuần qua, kết hợp với đó là khối lượng giao dịch tiếp tục rất cao. Sự xâu chuỗi này có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi, liệu sức mua có còn mạnh mẽ như trước sau khi đã phải đỡ một lực bán mạnh?

Hai lựa chọn

Trở lại với câu chuyện ném hòn đá, khối lượng lớn bây giờ sẽ trở thành một áp lực rơi mạnh không kém lực đã đẩy nó lên cao nếu lực đẩy không còn đủ sức nữa. 

Chúng ta cần lưu tâm đến một vài con số: 2.865 tỷ đồng đã kẹt lại trong thị trường 3 phiên gần đây tại sàn Tp.HCM và 1.228 tỷ đồng tại sàn Hà Nội. Trên 4.000 tỷ đồng giá trị giao dịch là một con số không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện tại. 

Nếu là người quan tâm đến cung và cầu hàng ngày, có thể sẽ đặt vấn đề: khối lượng giao dịch lớn cũng là biểu hiện của sức mua lớn và có thể giải quyết được khối lượng bán chốt lãi, làm cạn kiệt nguồn cung muốn bán ra. Thực tế này cũng đã xảy ra trong một vài phiên đảo chiều ngay trong ngày.

Tuy nhiên tranh luận này có sự khác biệt ở thời điểm: khối lượng giao dịch hiện tại xuất hiện vào thời điểm thị trường đã tăng với một tỷ suất sinh lời khá cao. Kỹ thuật Fibonacci Retracement ở hình trên cho thấy VN-Index đang gặp vùng kháng cự rất mạnh, tương ứng với tỷ lệ phục hồi 61,8% và sát mức đáy cũ thời điểm 26/3 vừa qua cùng với đường trung bình trung hạn 100 ngày (đường màu xanh dương). Vùng 480 - 500 điểm thực sự mạnh và tương ứng với khoảng 2 - 3 phiên tăng kịch biên độ. 

Nếu nhà đầu tư mong chờ một sự tạm nghỉ để tăng tiếp, tại sao không chờ cho sức mạnh của bên mua được thể hiện rõ ràng hơn? Người cầm cổ phiếu hiện đang có hai lựa chọn: 

Chốt lãi để hưởng vài chục phần trăm quý báu sau ngày tháng dài khó khăn khi thanh khoản vẫn tốt. Đứng ngoài thị trường ở những thời điểm bấp bênh như vậy là lựa chọn an toàn. Nếu cầu thực sự mạnh, nó sẽ phải đẩy VN-Index vượt vùng kháng cự 500 điểm một cách dứt khoát và khi đó vẫn còn cơ hội nếu lại muốn bắt đầu một chu kỳ đầu tư mới. 

Lựa chọn thứ hai là kiên trì nắm giữ vì kỳ vọng sẽ chỉ là một đợt điều chỉnh (chẳng hạn VN-Index sẽ tăng trở lại khi gặp đường trung bình 20 ngày) vì cho rằng nếu bật trở lại sẽ rất khó mua. Lựa chọn này sẽ có rủi ro nếu thị trường diễn biến ngược với phán đoán. 

Tóm lại, quyết định lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro trong mối tương quan với lợi nhuận (risk/reward).

Liều một chút có thể sẽ đem lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với rủi ro.