13:46 23/12/2019

Kiến nghị Thủ tướng công nhận Hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học

Nhật Dương

Sau gần 6 tháng có hiệu lực, Chính phủ vẫn chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa được công nhận Hội đồng trường. Ảnh minh họa.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa được công nhận Hội đồng trường. Ảnh minh họa.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và công nhận hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019.

Luật quy định Hội đồng trường là tổ chức quản trị đại diện quyền sở hữu của nhà trường. Khoản 8 Điều 16 của Luật số 34 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng trường.

Đồng thời, giao Chính phủ "quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường".

"Đáng tiếc cho đến nay, sau gần 6 tháng mà Chính phủ vẫn chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật như quy định của Luật 34/2018/QH14. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai thực hiện luật, mà mấu chốt là việc công nhận Hội đồng trường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt", văn bản của Hiệp hội nêu rõ.

Mặt khác, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vẫn muốn quản lý trực tiếp mọi hoạt động của các trường đại học trực thuộc trên các mặt tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tài chính, đầu tư và thậm chí cả về mặt học thuật.

Hậu quả là nhiều trường đại học, kể cả trường công lập và trường dân lập, tư thục vẫn chưa được công nhận Hội đồng trường.

Mặc dù, các cơ sở giáo dục đại học này đã thực hiện thủ tục và quy trình áp dụng đầy đủ mọi quy định tại các điều của Luật số 34 để thành lập Hội đồng trường từ 5-6 tháng nay, nhưng vẫn phải chờ các cơ quan chủ quản xem xét công nhận.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng dẫn ra những khó khăn, trở ngại của các cơ sở giáo dục đại học đã có văn bản đề nghị trình cấp có thẩm quyền và đã gửi đến hiệp hội.

Chẳng hạn, Trường đại học Dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) đã được chuyển đổi sang loại hình trường tư thục theo Quyết định số1292/QĐ-TTg ngày 2/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 8/2019 cơ cấu bộ máy tổ chức của Trường Đại học tư thục Lương Thế Vinh đã hoàn thành. Việc công nhận Hội đồng Quản trị không được Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định quyết định công nhận theo thông tư 45/2014/TT-BGDĐT vì phải áp dụng theo Luật 34 có hiệu lực từ 1/7/2019, nhưng lại chưa có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Điều này dẫn đến khó khăn "nhà trường rơi vào tình trạng bỏ trống quyền lực, mọi hoạt động bị đình trệ, bế tắc".

Đặc biệt, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường cũng vì vướng mắc giữa việc thực hiện các điều của Luật 34 và áp dụng quy định của Tổng Liên đoàn.

Ngoài ra, một số trường đại học địa phương ở Hải Phòng, miền Tây Nam bộ, miền Trung cũng gặp hoàn cảnh tương tự bởi sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương đến mọi hoạt động của trường trong điều kiện ngày một sụt giảm về quy mô, thách thức việc đảm bảo nguồn tài chính mà các trường thực hiện tự chủ phải đương đầu.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học đang gặp phải hiện nay, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam "tha thiết" đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật số 34/2018/QH14, đặc biệt là các chi tiết liên quan đến Hội đồng trường.

Cùng với đó là xem xét, điều chỉnh chính sách tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản trên tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ.

"Những mong muốn trên đây được đáp ứng sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo trong giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội, để thực sự đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực thi có hiệu quả, kịp thời đi vào cuộc sống", văn bản của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị.